Bạn làm việc chăm chỉ tới mức nào ?
Làm việc chăm chỉ dường như đã trở thành một tiêu chuẩn đạo đức mới trong xã hội hiện đại. Chúng ta luôn cố gắng làm việc một phần vì không muốn trở thành kẻ lười biếng trong mắt người khác, một phần vì những mục tiêu trong công việc mà chúng ta muốn đạt được. Nhưng bạn đã bao giờ nghĩ, chăm chỉ bao nhiêu là đủ? Liệu cố gắng 200% sức lực có đem lại cho bạn kết quả như ý?
Dưới đây là một vài tiêu chí giúp bạn nhìn nhận bản thân đang ở mức độ nào của sự chăm chỉ. Nếu bạn sở hữu 3 trên 5 điều sau thì đây quả là một điều đáng mừng khi vì bạn rất chăm chỉ, nhưng ở mức vừa phải và khôn ngoan. Nhưng nếu đạt tới 4 hay 5 điểm, bạn đang hơi quá sức và quá mức cần thiết. Hãy thử kiểm tra xem nhé!
Bạn luôn cố gắng hoàn thành 110% nhiệm vụ
Không ngại khó, luôn đặt tinh thần trách nhiệm lên đầu, bạn thường cố gắng hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ của mình. Bạn không dung túng cho sự cẩu thả, làm chiếu lệ hay hình thức. Nếu sở hữu nét tính cách này, bạn chắc chắn là một người rất chăm chỉ và thường được sếp tin tưởng. Đây là phẩm chất được tất cả các công ty coi trọng, bởi nó thể hiện sự nỗ lực của nhân viên đối với mục đích chung, Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng trang web tìm việc làm nhanh CareerLink.vn chia sẻ.
Bạn không ngại giúp đồng nghiệp sau khi làm xong việc của mình
Không chỉ làm tốt việc của mình, bạn còn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành công việc của họ. Những người rất chăm chỉ và cần mẫn thường có đức tính này và đây cũng là điều khiến họ được mọi người yêu mến. Đối với họ, làm thêm một chút việc, mất thêm chút thời gian nhưng lại giúp đỡ được thêm một người, đó chính là điều nên làm. Những đồng nghiệp đôi khi sẽ trở nên ỷ lại vào họ, cũng chỉ vì sự chăm chỉ này. Chính vì vậy, nếu thường xuyên giúp đỡ đồng nghiệp, bạn nên bắt đầu nhìn lại xem sự nhiệt tình của mình đã được dùng đúng lúc, đúng chỗ chưa nhé!
Bạn sẵn sàng mang việc về nhà làm
Sếp giao thêm việc gấp cuối giờ, công việc phát sinh sau giờ làm..., tất cả đều không làm khó được những nhân viên đặc biệt chăm chỉ này, bởi họ thường sẵn sàng mang việc về nhà làm. Làm việc chăm chỉ đôi khi giúp họ có những thành thích vượt trội, nhưng cũng lấy đi rất nhiều nỗ lực, thời gian và công sức thầm lặng của những người này, ngay cả khi cánh cửa văn phòng đã khép lại.
Bạn thường là người về cuối cùng
Về sau cùng, dọn dẹp, tắt đèn, khóa cửa văn phòng - khung cảnh này có quen thuộc với bạn? Có thể chắc chắn một điều, những người chăm chỉ thường ít khi ở trong tình trạng “đi muộn về sớm”. Họ thường cố gắng giải quyết thêm chút công việc, làm thêm một chút nữa cho hoàn thành, ngay cả khi đã đến giờ tan sở, kết quả là họ thường xuyên phải về muộn. Nếu có thói quen về muộn nhất phòng, độ chăm chỉ của bạn đang là 4/5 rồi đó.
Bạn không có ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống riêng
Cảnh giới cuối cùng của sự chăm chỉ, đó chính là việc mất đi ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng. Kiểm tra email trên bàn ăn tối, đọc báo cáo khi đang ngồi chờ xe bus, làm việc bất kể cuối tuần, đêm khuya hay sáng sớm..., đây là lúc công việc đã thống trị và làm chủ cuộc sống riêng của bạn. Làm việc chăm chỉ ở mức này thực ra cũng không tốt cho bạn, khi nó ảnh hưởng tới chất lượng sống và bạn không còn thời gian, tâm trí để phát triển bản thân hay chăm sóc gia đình.
Làm việc chăm chỉ là một điều kiện cần, mĐiểm neoột nguyên liệu chính cho món ăn có tên “thành công”. Nhưng bài học rút ra ở đây là, “cái gì quá cũng không tốt”. Chăm chỉ quá mức sẽ khiến bạn nhanh chóng bị kiệt sức, khó lòng nuôi dưỡng sự sáng tạo hay tài năng. Chăm chỉ và nỗ lực đúng lúc, đúng chỗ mới là “thượng sách”. Hãy nhìn lại bản thân để tự nhận xét, mình đang chăm chỉ ở mức nào và nên điều chỉnh ra sao, bạn nhé. Chúc bạn sớm thành công.
Ngân Linh
Video được xem nhiều nhất