Cải thiện kỹ năng nói trước đám đông – 5 điều không thể bỏ qua

01/07/2020, 09:00

Kỹ năng nói trước đám đông là chiếc chìa khóa không thể thiếu giúp bạn mở ra những cơ hội và thăng tiến nhanh trên con đường sự nghiệp.

Bạn nhất định sẽ cần kỹ năng này từ trong công việc (như họp công ty, thuyết trình ý tưởng, pitching với khách hàng…) cho đến trong cuộc sống hàng ngày. Cho dù bạn là người hướng nội, hoặc thường bị lo lắng khi đứng trước đám đông, bạn vẫn nên dần dần cải thiện kỹ năng này để trở nên tự tin hơn và gây được ấn tượng với đồng nghiệp và khách hàng. Sau đây là 5 điều cần lưu ý để rèn luyện một cách hiệu quả kỹ năng nói trước đám đông, hãy cùng tham khảo nhé.

Chuẩn bị trước nội dung nói

Cách tốt nhất để rèn kỹ năng nói trước đám đông là chuẩn bị thật kỹ càng nội dung nói trước khi “ra trận”. Không phải ai cũng có khả năng ứng biến với mọi tình huống, nên khâu chuẩn bị sẽ giúp bạn trông thật chuyên nghiệp. Trước khi bắt đầu tạo nên thông điệp của mình, bạn cần biết khán giả của bạn là ai. Điều này sẽ giúp bạn lựa chọn từ ngữ, mức độ thông tin và cách trình bày thích hợp.

Sau đó, hãy xây dựng cấu trúc cho bài diễn thuyết của bạn, sao cho mạch lạc, đầy đủ thông tin và không bị lan man. Mở đầu bằng một câu chuyện hấp dẫn, số liệu thống kê gây sốc hoặc đặt ra một câu hỏi kích thích tư duy, bất kỳ điều gì có thể giúp bạn gây ấn tượng với khán giả trong 60 giây đầu tiên. Nếu bạn muốn tạo không khí qua một số ví dụ hài hước hoặc ấn tượng xuyên suốt bài nói thì cũng cần chuẩn bị chúng trước. Và cuối cùng, kết thúc bài nói bằng việc tóm tắt hoặc nêu một tuyên bố mạnh mẽ mà khán giả chắc chắn sẽ ghi nhớ. Cũng đừng quên tự liệt kê và giải đáp trước một số câu hỏi khán giả có khả năng hỏi bạn nhé.

Truyền đạt lưu loát, tự nhiên

Nhìn qua các thông tin tuyển dụng, bạn sẽ nhìn thấy ăn nói lưu loát, dễ hiểu là yếu tố cần có ở ứng viên. Vì sao vậy? Kể cả khi bạn có một giọng nói hay, thông tin bạn đưa ra vẫn không thu hút người nghe nếu không biết cách truyền đạt. Sau đây là một số lưu ý về cách truyền đạt bạn cần nhớ: 

  • Đừng lẩm bẩm: Hãy diễn thuyết một cách dõng dạc, rõ ràng, tránh để các chữ dính vào nhau vì như vậy khán giả sẽ rất khó hiểu bạn đang nói gì.
  • Nói chậm rãi, nhưng đừng “như rùa bò”: Diễn thuyết với một tốc độ vừa phải và ổn định, tránh nói quá nhanh khiến người nghe không theo kịp, hay quá chậm và gây buồn ngủ.
  • Tạo khoảng dừng giữa các ý chính: Những khoảng dừng từ 2-3 giây được đặt đúng chỗ sẽ cho khán giả thời gian để nghiền ngẫm những thông tin bạn đưa ra. Đây cũng là lúc để bạn lấy hơi và chuẩn bị cho ý tiếp theo trong bài phát biểu.
  • Tránh ậm ừ: Những từ “ừm” “à” sẽ tạo cảm giác rằng bạn chưa chuẩn bị, hoặc bạn đang run và khiến người nghe xao nhãng. Hãy thay thế những từ này bằng các khoảng dừng ngắn, hoặc diễn đạt dài hơn một chút để có thời gian kịp nhớ đến ý tiếp theo.
  • Cuối cùng, đừng nhìn giấy và đọc nguyên văn lên. Bạn có thể ghi ra các ý chính, từ khóa để nhắc nhở mình, nhưng đừng nhìn chăm chăm vào giấy để đọc vì như vậy trông rất thiếu tự nhiên.

Chú ý tới ngôn ngữ cơ thể

Để cải thiện kỹ năng nói trước đám đông, ngôn ngữ cơ thể là điều bạn không nên bỏ qua. Ngôn ngữ cơ thể có thể giúp người nghe phán đoán tình trạng tinh thần của bạn. Nếu bạn đang lo lắng hay đang nghi ngờ chính những gì mình nói, họ sẽ sớm nhận ra ngay. Vì vậy, hãy chú ý tới ngôn ngữ cơ thể của mình và luyện tập để trông thật tự tin và thoải mái nhất. Đứng thẳng lưng, giao tiếp bằng mắt với khán giả, khua tay theo nhịp nói nhưng hãy điều tiết để không gây mất tập trung. Thay vì đứng yên một chỗ thì bạn có thể đi qua đi lại vài lần, bởi việc đi bộ sẽ giúp giảm căng, giúp tuần hoàn máu tốt hơn. 

Đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực

Tư duy tích cực có thể tạo nên một khác biệt to lớn cho kỹ năng nói trước đám đông của bạn. Đầu tiên, cố gắng ngừng suy nghĩ về bản thân và sự lo lắng phải đứng trước rất nhiều người đổ dồn mắt về bạn. Hãy nhớ rằng cái chính họ quan tâm vẫn là nội dung bạn mang tới chứ không phải đánh giá bạn. Tập trung vào mong muốn và nhu cầu của khán giả, thay vì nỗi sợ của riêng mình. Bạn có thể nghĩ về bài phát biểu của mình như một cuộc trò chuyện, tìm kiếm những gương mặt thân thiện trong phòng để đôi khi nhìn vào họ để tiếp thêm động lực.

Thực hành thường xuyên

Và đương nhiên, để làm được tất cả những điều trên thì bạn cần chăm chỉ luyện tập. Chuẩn bị cho bài diễn thuyết sớm nhất có thể để có thời gian thực hành. Bạn có thể đứng nói trước gương, hoặc ghi âm, quay phim lại để tự đánh giá bản thân, từ đó sửa chữa được những điểm chưa ổn. Nếu có thể, hãy nhờ một vài người thân hoặc bạn bè nghe bạn diễn thuyết. Điều này tạo cho bạn một không khí thoải mái hơn và có thể mang lại một số góp ý hữu ích cả về nội dung và cách truyền đạt.

Rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông chưa bao giờ là điều dễ dàng nhưng với việc rèn luyện và chuẩn bị kỹ càng, bạn sẽ giảm thiểu được những lo âu của bản thân và ngày càng tự tin hơn. Chúc các bạn thành công!

Phương Hà

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất