Nỗi niềm sinh viên y trước khoảnh khắc sinh tử

Zing - 17/06/2015, 10:46

Chứng kiến bệnh nhân co giật, trút hơi thở cuối cùng... là những thời điểm khó quên của các y, bác sĩ tương lai từ khi bắt đầu học nghề ở bệnh viện.

Thực tập là trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời mỗi sinh viên y khoa. Hầu hết những ai theo học ngành này đều trải nghiệm với nghề tại bệnh viện từ cuối năm thứ hai đại học.

Ám ảnh khi chứng kiến bệnh nhân qua đời

Lê Thanh – sinh viên ngành Bác sĩ Đa khoa, Đại học Y Hà Nội, thực tập tại Bệnh viện Việt Đức, cho biết, hầu hết sinh viên đã được học tập và thực hành nhiều lần ở trường, nhưng khi đến bệnh viện, mọi thứ đều mới mẻ, lạ lẫm.

"Có lần, mình phát hiện bệnh nhân nam khó thở, lập tức gọi mọi người cấp cứu. Bệnh nhân hơn 60 tuổi, người to, nặng và có những biểu hiện đáng sợ. Bác sĩ tiêm thuốc an thần liều cao nhưng không tác dụng. Nhiều người phải vào giữ tay, chân bệnh nhân. Mỗi người một việc, cố gắng hết sức cứu chữa. Sau 2 tiếng, tình trạng của bệnh nhân có dấu hiệu ổn định”. 

Sinh viên Y thực tập đo huyết áp cho bệnh nhân. Ảnh minh họa.

Những ca cấp cứu đêm, bệnh nhân thường ở mức nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Sinh viên phải chuẩn bị tinh thần phụ mổ, hỗ trợ bác sĩ bất cứ lúc nào. "Tinh thần mình không thể ổn định, đặc biệt là lúc chứng kiến bệnh nhân tử vong" - Thanh chia sẻ.

Lần đầu tiên Thanh gặp tình huống đó là trường hợp em bé 8 tuổi bị bỏng nặng. Dù bác sĩ cố gắng hết sức, em vẫn không qua khỏi. “Khoảnh khắc nhìn em trút hơi thở cuối cùng, mình thực sự bất lực. Mình đã thức trắng đêm và chỉ nghĩ về ánh mắt của em ấy lúc ra đi” - Thanh tâm sự. Sau nhiều lần va vấp khác, Thanh cứng rắn hơn, nhưng cậu vẫn không quên tâm trạng hôm ấy.

Những bài học thực tế khó quên

Dương Quốc Thành, sinh viên năm cuối, khoa Cử nhân Điều dưỡng, Đại học Y Hà Nội kể về trải nghiệm thực tập tại khoa Sọ não, Bệnh viện Việt Đức.

Ngày đầu tiên, công việc của Thành và các bạn là lấy máu, đưa bệnh nhân vào phòng siêu âm, chụp X-quang… Sau đó, cậu được phân công tiêm thuốc cho bệnh nhân. 

Thông thường, người bệnh không tin tưởng sinh viên thực tập. Khi gặp những người nóng tính, cáu gắt, Thành và các bạn phai khéo léo, cử chỉ nhẹ nhàng để... không bị đuổi. "Lần đầu tiên cầm kim tiêm, cảm giác rất run. Mình phải tỏ ra bình tĩnh, thành thạo để bệnh nhân yên tâm” - Thành chia sẻ.

Sinh viên thực tập cũng thường xuyên vướng phải tình huống khó xử. Thành kể, nhiều người nhà bệnh nhân, cứ thấy bác sĩ hoặc thực tập sinh vào tiêm, thay băng… đều chuẩn bị phong bì nhét túi. Họ tìm mọi cách để đưa tiền dù bị từ chối thẳng thừng. 

Một số sinh viên gặp phải sự hống hách của gia đình bệnh nhân. Trước những tình huống đó, họ đều phải nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ. 

Ca trực đêm, sinh viên thực tập thay nhau kiểm tra từng phòng bệnh. Ngoài ra, họ còn phải thay băng gạc, đặt ống truyền... cho bệnh nhân. "Thời gian đầu ở lại bệnh viện ban đêm, mình rất sợ. Có tối, bệnh nhân vào đông, chủ yếu là những ca nặng. Máu vương vãi quanh phòng cấp cứu... Hay những ca mắc chứng thần kinh, nửa đêm la hét thất thanh đều khiến mình và bạn bè hoảng hốt" - Thành nhớ lại.

Nỗi sợ hãi lớn nhất của hầu hết sinh viên y là những ca cấp cứu. Thành cho biết, khi ấy, mọi thứ đều phải nhanh nhẹn và chính xác. Bác sĩ không có thời gian hướng dẫn nên sinh viên sẽ tự nhìn và làm theo. 

Một số ca cấp cứu vì tai nạn, bác sĩ cử sinh viên thực tập sát trùng, thay băng gạc cho bệnh nhân. Công việc tưởng dễ dàng nhưng khá căng thẳng và đòi hỏi sức khỏe, tinh thần tỉnh táo. 

Thành kể: "Có lần trực, mình gặp trường hợp 2 bố con nhập viện trong tình trạng 2 cánh tay bị chém hở 2 mảng lớn. Sau khi bác sĩ chụp chiếu, mình phải băng lại cho bệnh nhân. Vừa làm xong một bên, mình kiệt sức, tay chân run rẩy và ngã xuống sàn. Y tá cạnh đó phải ra giúp đỡ”.

Nam sinh này cũng chia sẻ, đáng sợ nhất là thay băng ép những ca mổ chấn thương sọ não. Trên đầu bệnh nhân có túi dẫn lưu dịch, chảy ra đỏ như máu. Ai nhìn cũng sợ nhưng vẫn phải làm” - Thành tâm sự.

Sau mỗi buổi trực đêm, nhiều sinh viên phờ phạc vì mất sức nhưng vẫn phải đến trường sáng hôm sau. Áp lực, căng thẳng nhưng ai cũng muốn hoàn thành tốt công việc, tiếp thu kinh nghiệm của bác sĩ, y tá.

Mỗi kỳ thực tập đều mang đến cho các bác sĩ tương lai nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ sợ hãi, tuyệt vọng, đến những giây phút mừng vui vì cứu giúp nhiều người, được bệnh nhân nhớ đến...

“Có trường hợp, bệnh nhân giãy giụa, chống đối khi cấp cứu. Đến khi tỉnh lại, họ vẫn nhớ người đặt ống truyền là mình... Có người thường xuyên vào viện tiêm, họ quen và niềm nở với mình. Cảm giác được bệnh nhân tin tưởng thật hạnh phúc" - Thành bộc bạch.

Dù gian nan, nhưng những sinh viên luôn tự hào với nghề cao quý. Dương Quốc Thành chia sẻ, ngành y không chỉ đào tạo bác sĩ giỏi, mà còn rèn những người có lòng gan dạ và ý chí kiên cường.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất