Hiểu 4 tình huống phỏng vấn phổ biến để ứng phó phù hợp

02/10/2024, 10:24

Để đánh giá ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ sử dụng nhiều tình huống phỏng vấn khác nhau. Ở vai trò người tìm việc, bạn cần hiểu các tình huống này để có sự chuẩn bị và ứng xử phù hợp.

Hãy cùng tìm hiểu các tình huống này là gì và cách ứng phó để tạo ấn tượng với các nhà tuyển dụng khi tìm việc làm ở Hà Nội, TPHCM hay Bình Dương, Đồng Nai… nhé.  

Phỏng vấn lạnh lùng

Đối diện với nhà tuyển dụng lạnh lùng khiến những ứng viên “yếu tim” cảm thấy như vừa bước chân vào hầm băng. Bạn khó lòng đoán biết họ đang nghĩ gì hay cảm thấy thế nào khi đối phương luôn giữ thái độ hờ hững, ít nói, ít bày tỏ cảm xúc, đặt câu hỏi một cách thẳng thắn và không phản hồi ngay lập tức với những đáp án mà bạn đưa ra.

Phong cách lạnh lùng này là phương pháp để thử thách sự gan lì của bạn, xem bạn có đủ tự tin, bình tĩnh để vượt qua tình huống khó xử này hay không. Bên cạnh đó, đây cũng là cách nhà tuyển dụng đảm bảo sự công tâm, tránh để cảm xúc cá nhân tác động đến quyết định sau cùng.

Để ứng phó với tình huống này, hãy luôn ghi nhớ một điều, buổi phỏng vấn là sân khấu của bạn và nhà tuyển dụng là khán giả đang đợi xem bạn biểu diễn ra sao. Đừng để sự lạnh lùng của họ thổi bay sự tự tin của bạn. Thay vì cố gắng đọc vị suy nghĩ của nhà tuyển dụng, hãy tập trung thể hiện những gì bạn có một cách mạnh mẽ và quyết liệt nhất, từ kinh nghiệm, kỹ năng cho đến những thành tựu nổi bật của bản thân. Nếu cảm thấy bầu không khí quá căng thẳng, bạn có thể chủ động đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng về công việc, công ty hoặc tương lai phát triển ở vị trí mà bạn ứng tuyển. Điều này vừa giúp không khí dịu đi chút ít, vừa cho thấy bạn là người chủ động, tự tin và thực sự quan tâm đến công việc.

Phỏng vấn hành vi

Trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh, một số ứng viên có thể thổi phồng thành tích hoặc kỹ năng của mình với mong muốn tạo ấn tượng tốt hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Do đó, để đảm bảo những thông tin mà ứng viên cung cấp là chính xác và đáng tin cậy, nhà tuyển dụng có thể lựa chọn phong cách hành vi để đánh giá kỹ càng từng khía cạnh trong hồ sơ của ứng viên, từ bằng cấp, kinh nghiệm, kỹ năng cho đến cách hành xử.

Trong buổi phỏng vấn, phong cách hành vi thường biểu hiện qua hàng loạt câu hỏi tình huống đòi hỏi bạn mô tả chi tiết về các dự án từng tham gia, chứng minh cho các kỹ năng/thành tích bạn đã nêu ra.

Trong tình huống này, không điều gì quan trọng hơn sự trung thực. Hãy chắc chắn mọi thông tin trong hồ sơ của bạn đều chính xác và có thể dễ dàng chứng thực. Khi đối diện với các câu hỏi chi tiết, dồn dập, trước tiên hãy lắng nghe, sau đó trả lời thật dứt khoát, đúng trọng tâm, không lan man và tuyệt đối không lảng tránh ánh mắt của nhà tuyển dụng. Điều này không chỉ giúp bạn tạo ấn tượng tốt mà còn chứng minh sự trung thực, chuyên nghiệp và phong thái tự tin của bạn.

Phỏng vấn gây áp lực

Có một sự thật là tình huống phỏng vấn gây áp lực không dành cho những ứng viên phổ thông. Nhà tuyển dụng thường áp dụng phong cách này với các vị trí đòi hỏi năng lực chuyên môn cao và khả năng chịu áp lực cực lớn như trưởng phòng, giám đốc... với mục đích kiểm tra khả năng ứng phó với những tình huống căng thẳng trong công việc, từ đó tìm ra những ứng viên có thể mang lại giá trị thực sự cho công ty.

Biểu hiện của một buổi phỏng vấn gây áp lực là những câu hỏi sắc bén, yêu cầu bạn cung cấp các dữ liệu chính xác hoặc những câu hỏi đánh thẳng vào điểm yếu của bạn. Nhà tuyển dụng cũng có thể đưa ra những quan điểm gây tranh cãi, thậm chí bác bỏ ý kiến của bạn để quan sát phản ứng và cách bạn hóa giải những tình huống khó xử.

Bí quyết “biến nguy thành an” trước nhà tuyển dụng gây áp lực là duy trì tâm thế bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh. Đừng vội vàng trả lời hay phản bác ngay lập tức, hãy dành vài giây để suy nghĩ và đối đáp với phong thái bình thản, quyết đoán nhưng không gay gắt. Nếu bị đưa vào tình thế bất đồng ý kiến, thay vì cố gắng bảo vệ quan điểm của mình một cách cứng nhắc, hãy lắng nghe, tiếp thu, sau đó đưa ra lập luận của mình và phản biện một cách logic. Luôn nhớ rằng, sự tự tin và khả năng xử lý tình huống linh hoạt chính là những tố chất nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ở bạn.

Phỏng vấn hời hợt

Bạn đã bao giờ tham gia những buổi phỏng vấn mà bản thân bất đắc dĩ trở thành người dẫn dắt cuộc trò chuyện? Bạn đã từng chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những câu hỏi hóc búa nhưng đổi lại là sự thiếu tập trung từ phía nhà tuyển dụng: không có nhiều câu hỏi cụ thể về vị trí ứng tuyển, chỉ đặt ra những câu hỏi chung chung, không cố gắng khai thác thông tin từ ứng viên, chỉ lắng nghe mà không tạo ra tương tác nào đáng kể, thậm chí không quan tâm đến câu trả lời mà ứng viên đưa ra?

Nguyên nhân của sự hời hợt này có thể vì nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu khả năng chủ động của bạn. Vì vậy, đừng ngần ngại đặt câu hỏi để nhà tuyển dụng phải tham gia nhiều hơn vào cuộc trò chuyện. Điều này giúp bạn duy trì sự tương tác, đồng thời thể hiện tinh thần chủ động, tự tin và biết nắm bắt cơ hội.

Dù phải đối diện với tình huống phỏng vấn nào, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phong thái tự tin luôn là chìa khóa giúp bạn vượt qua mọi thử thách. Đừng quên, chinh phục nhà tuyển dụng chính là bước đầu tiên để bạn chinh phục công việc mơ ước của mình.

Trang Đoàn

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất