Nỗi lo thất nghiệp của sinh viên sắp ra trường
Trong giai đoạn chuẩn bị tốt nghiệp, nhiều sinh viên đại học đứng trước mối lo thất nghiệp thường trực bấy lâu.
Sau tốt nghiệp là... thất nghiệp?
Câu chuyện “được mùa mất giá” tưởng chừng chỉ xảy ra ở ngành nông nghiệp, vậy mà trong những năm qua vẫn tồn tại chưa có lời giải đối với các sinh viên năm cuối. Đó là hàng năm, sinh viên các trường ĐH, CĐ ra trường với số lượng ngày càng tăng.
Tuy nhiên cùng với đó là tỷ lệ thất nghiệp hoặc làm tạm, làm trái nghề cũng rất lớn. Vì vậy, thất nghiệp là mối lo của các sinh viên năm cuối.
Về thăm nhà, sinh viên H.Anh tranh thủ viết hồ sơ ứng tuyển vào các nơi tuyển lao động.
Đang trong giai đoạn chuẩn bị tốt nghiệp, H.Anh (sinh viên năm cuối CĐ Du lịch Hà Nội) đã tranh thủ tìm kiếm công việc làm thêm, có tiền trang trải cuộc sống xa nhà, cũng như tự lo cho bản thân sau khi tốt nghiệp. Với món nợ mà gia đình phải vay mượn suốt 3 năm học lên tới cả trăm triệu đồng, đối với H.Anh, sau khi ra trường, phải đặt quyết tâm có công việc tốt để nuôi bản thân, có tiền gửi về gia đình.
Thế nhưng, đó cũng chỉ là giấc mơ, vì thực tế để kiếm được công việc như ý là chuyện không hề đơn giản.
H.Anh chia sẻ: “Đang chuẩn bị tốt nghiệp, nhưng em vẫn tranh thủ thời gian đi làm thêm. Em thử sức tìm việc làm song rất khó, dù công việc em xin dự tuyển chỉ là lao động phổ thông.
Đầu tiên, em xin làm nhân viên an ninh cho một siêu thị, em vượt qua cuộc phỏng vấn và chính thức được nhận với mức lương 3 triệu đồng mỗi tháng. Làm được mấy hôm, họ bắt ép đủ kiểu. Khi em có ý kiến, họ thẳng thừng đuổi em. Em cũng tìm một số công việc khác như chạy bàn, phụ bếp... nhưng lương thấp, chủ bắt làm đủ thứ, em làm tạm rồi nghỉ”.
Chia sẻ thêm về công việc sau khi ra trường, H.Anh nói: “Món nợ của gia đình trong mấy năm vay mượn cho em đi học khá cao, muốn đi làm kiếm nhiều tiền, nhưng thấy cảnh thất nghiệp hoặc đi làm lao động phổ thông thấy tiếc cho những ngày đi học.
Học kỳ nào em cũng phấn đấu để có học bổng, nhưng số tiền cũng chẳng đáng là bao. Em ở xa, chi phí ăn ở tại Hà Nội mỗi tháng cũng phải đến gần 4 triệu đồng. Hôm rồi có anh người quen hứa xin cho vào làm ở một xí nghiệp, dù trái ngành nhưng cứ thử sức đã, giờ không có sự lựa chọn. Công việc đúng chuyên ngành, lương cao chỉ là giấc mơ”.
Chấp nhận làm việc chân tay
Khá bận rộn cho việc làm đề tài tốt nghiệp, dù chi phí làm đề tài cũng lên tới hàng chục triệu đồng. Việt Anh - sinh viên năm cuối ngành điện ảnh của một trường ĐH khối nghệ thuật ở Hà Nội chia sẻ: “Trước mắt em cố gắng làm đề tài tốt nghiệp để có tấm bằng khá, dù rất tốn kém trong việc thuê máy quay phim, diễn viên...
Sau khi ra trường, cũng chưa biết xin vào đâu, vì các hãng phim, đài truyền hình hiện nay thừa người, khó tuyển mới. Trong khi đó, các chỗ tư nhân rất bấp bênh, nhiều lúc không có việc là chơi dài, lương cũng chẳng đủ tiêu. Chưa thể khẳng định là sắp thất nghiệp, nhưng chắc chắn tìm chỗ làm như mong muốn là rất khó”.
Còn với N.Hùng - chuẩn bị tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân khoa Tài chính - Ngân hàng, ĐH Phương Đông - cho biết: “Những tưởng học ngành hot là ra trường làm ở những nơi có mức lương cao. Ai ngờ, giờ thấy ngành này khó xin việc quá. Xin ở các ngân hàng nhà nước, họ chê bằng trường ngoài công lập, còn xin ở các ngân hàng tư nhân, họ cũng đang gặp khó khăn, cắt giảm nhân sự liên tục.
Em có đi “gõ” cửa một vài ngân hàng, nhưng họ chỉ tuyển cộng tác viên, lương theo doanh số bị áp rất cao nên đành bỏ cuộc. Hiện em làm bán thời gian ở một quán cà phê. Nếu ra trường chưa có việc làm, chắc em phải tính làm thêm thời gian ở quán này để tự trang trải cho cuộc sống”.
Những mối lo về tương lai thất nghiệp hay làm việc trái ngành, làm lao động phổ thông của các sinh viên nói trên chỉ là ví dụ cho hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn sinh viên CĐ, ĐH đang chuẩn bị ra trường. Khi được hỏi về công việc sau khi ra trường, đã có rất nhiều sinh viên trả lời chưa biết làm gì, xin việc ở đâu.
Thậm chí, nhiều tân cử nhân, kỹ sư chọn cho mình con đường tiếp tục học nâng cao, học cao học, các chứng chỉ để lấp “chỗ trống”, tìm cơ hội việc làm trong tương lai.
Theo Bộ GD&ĐT, trên cơ sở báo cáo của 100 trường ĐH, CĐ, TCCN cho thấy giai đoạn 2010-2014, trung bình tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sau 3 tháng có việc làm đạt khoảng 50%, trong đó có cơ sở giáo dục tỷ lệ này cao hơn, đạt 80-90%. Tuy nhiên, đây chỉ là con số báo cáo để thu hút thí sinh dự thi vào các trường, còn thực tế con số sinh viên thất nghiệp, làm lao động phổ thông thì các trường khó nắm được.
Sinh viên và bài toán việc làm vẫn đang làm đau đầu các nhà quản lý và chính bản thân người trong cuộc. Đến bao giờ những sinh viên sau thời gian miệt mài đèn sách sẽ không phải ra trường với gánh nặng thất nghiệp trên vai - vẫn còn là một bài toán chưa có lời giải.
Trong báo cáo giải trình Chính phủ về vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp mới đây, lãnh Bộ GD&ĐT cho biết, số lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp năm 2014 so với 2010 tăng 103%. Số sinh viên thất nghiệp khi ra trường là do các nguyên nhân chính như công tác đào tạo đang tồn tại nhiều bất cập, nặng về lý thuyết xem nhẹ thực hành, việc quy hoạch phát triển nhân lực nhiều nơi còn mang tính hình thức. xã hội còn tồn tại tâm lý chuộng bằng cấp; học phí thấp dẫn đến đầu tư cho sinh viên thấp...
Video được xem nhiều nhất