Vì sao sinh viên Ngoại thương hay bị "dìm hàng"

Ione - 04/06/2015, 17:20

Nhiều sinh viên, cựu học sinh có chung quan điểm ét-vê Ngoại thương hay bị coi là "chảnh", dẫn đến nhiều đánh đồng, quy chụp.

ĐH Ngoại thương là ngôi trường mơ ước của nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp THPT. Điểm số đầu vào hàng năm của trường luôn thuộc top. Sinh viên Ngoại thương từ lâu được nhiều người mặc định là tài giỏi, có năng lực sau khi ra trường. Tuy nhiên, đi kèm với những sự ngưỡng mộ đó, sinh viên Ngoại thương thường bị gọi là "chảnh", hay bị đem ra so sánh với sinh viên trường khác.

ĐH Ngoại thương là một trong 4 trường được thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Ảnh: TL

ĐH Ngoại thương - ngôi trường mơ ước của nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp THPT. Ảnh: TL.

 

Câu chuyện nhà tuyển dụng đăng tin từ chối sinh viên tốt nghiệp ĐH Ngoại Thương vì chảnh hồi tháng 6/2012 hay thư trả lời được nhận xét mang tính xúc phạm của một nhà tuyển dụng khuyên ứng viên nên về học lại môn GDCD mới đây khiến hình ảnh ét-vê Ngoại thương càng "mất điểm" trong mắt nhiều người.

Cùng nghe những bạn trẻ đã và đang học Ngoại thương nói gì về việc "dễ bị ghét" này:

Bị 'dìm hàng' dẫn đến đánh đồng thiếu cơ sở

Tống Hữu Tâm, K50B - Tài chính Quốc tế chia sẻ: "Mình nghĩ những đánh giá của nhà tuyển dụng rất thiếu hợp lý. Mình không hiểu nhà tuyển dụng có ác cảm gì hay không, nhưng việc quy chụp cả một cộng đồng sinh viên như vậy là không đúng. Mình thấy rất nhiều nhà tuyển dụng ở các công ty khác, họ rất tôn trọng sinh viên FTU và nhiều bạn có cơ hội phát triển rất tốt".

Ngọc Trần (sinh viên vừa tốt nghiệp) bày tỏ, việc một nhà tuyển dụng dành thời gian để nhận xét và có những lời góp ý cho sinh viên mới ra trường có ý nghĩa lớn. "Lời góp ý sẽ đúng nghĩa nếu như nó mang tính xây dựng thay vì chỉ trích. Về sự việc thư trả lời của một giám đốc nghệ thuật dành cho ứng viên Ngoại thương mình nghĩ nếu dừng lại việc lý giải tại sao bạn sinh viên này không được chọn thì mình sẽ quý trọng và cảm thấy có phần ghen tỵ vì bạn này được cả một Art Director chỉ dạy. Nhưng thật đáng tiếc, anh ấy đã khiến mình và nhiều người đọc khác ngã ngửa vì từ ngữ xúc phạm".

Nhiều bạn khác cho rằng, qua những sự việc liên quan đến tuyển dụng, sinh viên Ngoại thương bị "dìm hàng" hơn là góp ý, chia sẻ trên tinh thần xây dựng. Khi sự việc bị thổi lên thì nhiều người cứ mặc định tất cả sinh viên Ngoại thương đều như vậy.

Một giảng viên ĐH Ngân Hàng từng tốt nghiệp Ngoại thương nêu quan điểm: "Không chỉ riêng gì sinh viên FTU mà đa phần sinh viên mới ra trường đều chưa thực sự hoàn thiện kỹ năng. Do đó, việc nhà tuyển dụng chỉ rõ những thiếu sót là điều đáng trân trọng. Thế nhưng, tôi nghĩ rằng việc đóng góp mang tính xây dựng sẽ khác biệt rõ ràng với những đóng góp lợi dụng sai sót để "dìm hàng". Đây cũng không phải lần đầu tiên mà sinh viên FTU mang tiếng "xấu" liên quan đến nhà tuyển dụng. Tôi cho rằng chuyện này mang tính cá thể không đại diện cho một tập thể. Nếu có một vài hạt chưa tốt trong bao gạo, không lẽ ta lại đổ hết cả bao đi?”.

Chỉ là 'con sâu làm rầu nồi canh'

Hoàng Dung (sinh viên năm 4) có quan điểm ở đâu cũng có người này người nọ, mỗi người một tính cách. "Mình không cho là sinh viên Ngoại thương có tính cách khác người hay đặc biệt nào cả, có chăng sự khác biệt ở đây chỉ là sự nhìn nhận của từng người. Nếu bạn từng gặp trường hợp một sinh viên Ngoại thương "chảnh" thì đó cũng là chuyện bình thường. Nhưng đừng vì một trường hợp đó mà đánh đồng mọi thế hệ sinh viên Ngoại thương đều "chảnh" như vậy", cô bạn nói.

Dung cho biết, bản thân từng tham gia nhiều cuộc tuyển dụng trực tiếp tại các ngày hội và nhận thấy nhà tuyển dụng có cái nhìn tích cực với sinh viên Ngoại thương. "Họ không chỉ đánh giá cao năng lực mà còn có thiện cảm về thái độ ứng xử, sự cầu tiến của sinh viên FTU. Bằng chứng mình thấy có rất nhiều anh chị đi trước đã thành danh mà không hề có sự ồn ào nào", Dung nói.

Xung quanh nhiều bình luận cho rằng sinh viên Ngoại thương thường ghen ghét, đố kỵ nhau, Ngọc Trần nêu quan điểm: "Mình nghĩ dùng từ ghen ghét và đố kỵ trong môi trường đại học thì có phần hơi quá, nên dùng từ ganh đua thì đúng hơn. Mình thấy nó cần thiết để mỗi người luôn phải tự cố gắng và tốt hơn mỗi ngày. Bản thân mình thấy sinh viên Ngoại thương rất thân thiện và không hề "chảnh" như nhiều người nghĩ. Có thể một bộ phận sinh viên Ngoại thương có cá tính, nên bị quy chụp là "chảnh" mà thôi".

ngoai-513986-1372709463-500x0-3180-14334

Sinh viên ĐH Ngoại thương.

Tầm thường thì chê không xứng, giỏi quá lại bị soi

Một sinh viên chia sẻ: "Mình nhận thấy, hầu hết các sinh viên đều cố gắng để xứng với danh tiếng nào là sinh viên giỏi, môi trường tốt mà FTU mang lại. Vẫn còn đó những trường hợp sinh viên có năng lực khá, trung bình - khá, ra trường bị chê không xứng vì học FTU. Ngược lại, khi một người giỏi toàn diện lại bị soi xét, đánh giá là chảnh này nọ".

Ngọc Trần bình luận: "Có thể do truyền thông từ trước đến nay quá ưu ái nên toàn PR những chuyện tốt như lấy điểm chuẩn cao, tấm gương thành công, hoạt động xã hội nhiều... Và khi những điều này được tuyên truyền nhiều quá rồi, thì mọi người tự nhiên tưởng tượng hơi quá về sinh viên FTU và có những quy chuẩn rằng sinh viên FTU thì phải thế này, thế kia. Rồi khi không được như mong đợi thì tâm lý sẽ có xu hướng quay sang trách móc, tệ hơn là chỉ trích".

Một giảng viên khách quan nhìn nhận: "Theo tôi thì chuyện bị so sánh, bị ghét hãy cứ bỏ sang một bên. Các thế hệ sau hãy tiếp tục gìn giữ và thắp lên tinh thần FTU vốn có thì dù ở đâu cũng được công nhận mà thôi".

Khi thành kiến chỉ là sự áp đặt

Hữu Tâm chia sẻ: "Sinh viên Ngoại thương bị so sánh với các bạn trường khác khi ra trường đơn giản là bởi định kiến mà các nhà tuyển dụng tạo ra: nào là phải lương cao, điều kiện tốt... Thế nhưng bản thân mình thấy vẫn có rất nhiều bạn đang đi làm ở một vài công ty với mức lương 5 triệu đồng/tháng để lấy kinh nghiệm, kiến thức cũng như các mối quan hệ xã hội. Đâu phải sinh viên FTU nào cũng đòi hỏi lương cao đâu. Chính vì sự quy chụp này là một trong những lý do khiến FTUer thường bị hiểu nhầm dẫn đến bị ghét".

644272-507753552603631-1633597-7060-9728

Hữu Tâm học K50B bày tỏ ý kiến không đồng tình trước những bình luận thiếu chính xác về sinh viên trường. Ảnh: NVCC.

 

Xung quanh những bình luận cho rằng môi trường Ngoại thương thiếu sự cạnh tranh lành mạnh, thiếu các hoạt động ngoại khóa, nhiều sinh viên lên tiếng phản pháo.

"Thời gian học tập nơi đây mình không thể nói FTU tốt về mọi mặt nhưng mình tự hào FTU là môi trường đáng để trải nghiệm. Mình từng được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa từ hát hò, tình nguyện, tổ chức hội thảo, event… khiến bản thân tự tin lên rất nhiều. Bên cạnh đó thì các thầy cô giảng viên ở FTU rất thân thiện, gần gũi với sinh viên. Mình không hiểu phát ngôn cho rằng môi trường Ngoại thương nhàm chán rồi so sánh với trường này trường nọ xuất phát từ đâu nữa", một sinh viên bức xúc. 

Nhiều bạn cho rằng "phải ở trong chăn mới biết chăn thế nào", đừng theo phong trào rồi phán xét như đúng rồi. "Ở Ngoại thương người ta có thể tìm thấy một sinh viên hì hục cặm cụi ngồi dùi mài trên thư viện, những buổi tập văn nghệ rực lửa hay một sinh viên đang long nhong cho một tâm huyết thay đổi xã hội... Giờ đây đã ra trường 3 năm nhưng tôi vẫn thầm cảm ơn FTU đã cho tôi một tinh thần của Ngoại thương để có thể biết tự nghiên cứu, học bằng đam mê và cống hiến hết mình", một cựu học sinh nói.

Xuân Tân

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất