Phát minh của nhóm sinh viên Ấn Độ nhận 30.000 euro
Nhóm sinh viên Ấn Độ Multifun đã phát minh công nghệ đầu tiên trên thế giới, giúp máy bay tự sản sinh năng lượng từ hoạt động rung lắc của cánh trong khi di chuyển.
Theo Times of India, ý tưởng đột phá này đã giúp Multifun vào vòng chung kết cùng 4 sáng chế ấn tượng khác của các nhóm Aft Burner Reverser, Retrolley, Birdport và Bolleboos trong cuộc thi tìm kiếm giải pháp sáng tạo hàng không 2015 “Fly your ideas” (Chắp cánh ý tưởng) do Tập đoàn Airbus tổ chức.
Sau những cuộc so tài tại vòng chung kết, nhóm Multifun gồm các thành viên đang theo học tại Ấn Độ, Hà Lan, Mỹ và Anh đã thuyết phục được ban giám khảo với các đột phá trong ý tưởng công nghệ, giành giải nhất trị giá 30.000 euro.
Nhóm Multifun của Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan) nhận giải nhất. |
Chia sẻ với Times of India, trưởng nhóm Sathiskumar Anusuya Ponnusami - sinh viên Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan) - nói: “Có một chuyển động rung lắc tự nhiên sẽ tạo ra năng lượng trong mỗi máy bay khi di chuyển và đang bị bỏ phí. Chúng tôi có ý định khai thác sử dụng năng lượng này vì nó đủ dùng cho các hoạt động trong máy bay như chiếu sáng hoặc giải trí”.
Nhóm đã dùng các sợi gốm/sợi áp điện (piezoelectric fiber) thu thập nguồn điện tạo ra từ những chuyển động dù là nhỏ nhất trong suốt chuyến bay, lưu nguồn năng lượng đó trong phần pin tích hợp ở thân máy bay và từ đó cấp điện cho hệ thống hoạt động trong khoang máy bay. Như vậy, không chỉ tiết kiệm năng lượng cho hoạt động của máy bay khi ở trên không mà còn cả với những hoạt động trên mặt đất.
“Chúng tôi biến thân máy bay thành một quả pin “khủng”. Trung bình máy bay cần bay khoảng 12 tiếng liên tục tạo ra đủ năng lượng sử dụng. Vậy nên ý tưởng này sẽ dành cho các chuyến bay đường dài. Hiện tại khi hạ cánh, máy bay vẫn phải sử dụng các máy phát điện chính, rất lãng phí. Thay vì vậy, máy bay có thể sử dụng ngay nguồn điện nó tích được từ các rung lắc tự nhiên trong hành trình vừa bay”- Ponnusami nói thêm.
Nam nay, có 518 nhóm nghiên cứu với 3.700 sinh viên từ 104 quốc gia tham gia cuộc thi.
Video được xem nhiều nhất