Đề xuất loại tác phẩm Chí Phèo khỏi SGK: TS Tuyết nói "tuyệt đối không thể chấp nhận"
TS Tuyết cho rằng, là một kiệt tác của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930- 1945, truyện ngắn Chí Phèo luôn xứng đáng tồn tại cạnh các tác phẩm ở giai đoạn trước và sau nó.
- Kiều Minh Tuấn làm ông trùm trong phim "Chí Phèo ngoại truyện"
- "Chí Phèo" Bùi Công Nam: Phan Mạnh Quỳnh sẽ không thắng Sing my song
- Điều ít biết về “chàng Chí Phèo” gây náo loạn Sing my song
- Cặp đôi cover ảnh Chí Phèo – Thị Nở như poster phim
- Ảnh cưới chụp trong 15 phút của cặp đôi "Chí Phèo -Thị Nở"
Nhân vật Chí Phèo trong bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy.
"Chí Phèo luôn xứng đáng tồn tại"
"Chí Phèo" là một tác phẩm văn học hiện thực xuất sắc trước Cách mạng tháng 8/1945 và nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 11 từ lâu.
Tuy nhiên, anh Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) có đề xuất nên loại bỏ tác phẩm này ra khỏi sách giáo khoa để tránh tác động xấu đến mặt nhận thức của học sinh.
Theo anh Hiền, nhiều nhà phê bình văn học đã cho rằng Chí Phèo đại diện cho tầng lớp nông dân bị lưu manh hoá, nhưng đây là một nhận xét phiến diện, mang tính áp đặt.
Anh Hiền cho rằng, nếu Chí là đại diện cho tầng lớp nông dân thì "thật mang tiếng cho nông dân mình quá" và dù đánh giá ở khía cạnh nào đi nữa, Chí vẫn là kẻ xấu. Ngay cả việc giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là hành động không thể dung thứ...
Trước các ý kiến này, TS Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, mỗi người đều có quyền đưa ra quan điểm riêng của mình và bà luôn tôn trọng sự khác biệt, coi đó là nguyên tắc sống nhân văn nhất.
TS Trịnh Thu Tuyết. Ảnh: NVCC
"Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta giúp lan truyền và chấp nhận những phát ngôn có thể gây phương hại tới những giá trị đích thực trong cộng đồng. Loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình SGK phổ thông là ý kiến tuyệt đối không thể chấp nhận", TS Tuyết nhấn mạnh.
Theo TS Tuyết, tiến bộ trong văn học khác với tiến bộ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Cụ thể, những thành tựu của khoa học thời kỳ trước sẽ trở nên lạc hậu và có thể bị đào thải bởi sự xuất hiện thành tựu khoa học thời kỳ sau ưu việt hơn.
Riêng văn học nghệ thuật, những tác phẩm đã được khẳng định giá trị sẽ tồn tại vĩnh hằng, những giá trị đích thực sẽ luôn được làm mới trong tầm đón nhận của mỗi thời đại nối tiếp.
"Là một kiệt tác của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930- 1945, tôi tin truyện ngắn Chí Phèo luôn xứng đáng tồn tại bên cạnh bất kỳ tác phẩm nào trong các giai đoạn trước và sau nó.
Quan điểm của tôi là phải giới thiệu cho học sinh bản hoàn chỉnh của truyện ngắn, không lược bỏ cắt xén, bởi giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm chỉ được cảm nhận đúng đắn trong chỉnh thể", TS Tuyết bày tỏ.
Cần ứng xử với văn chương cho xứng đáng với văn chương
Trong đề xuất của mình, anh Hiền nêu, Chí Phèo không phải đại diện cho những người nông dân với lý do "mang tiếng cho nông dân mình quá". TS Tuyết cho rằng, đây là sự quy nạp rất thiếu logic bởi một đặc điểm riêng nào đó trong cuộc đời, tâm lý, tính cách... của một cá thể không nhất thiết xuất hiện trong tất cả tầng lớp họ đại diện.
Với câu hỏi Chí Phèo tốt hay xấu mà anh Hiền đặt ra, rồi khẳng định "dù đánh giá ở khía cạnh nào Chí Phèo cũng xấu", TS Tuyết nhìn nhận, chính trong bài viết của anh này đã nói, khi còn là đứa trẻ, Chí vẫn là một đứa trẻ tốt...
Tuy nhiên, sau đó nhà tù thực dân và thủ đoạn độc ác của bọn cường hào ác bá... đã biến anh Chí lương thiện thành Chí Phèo, bị hủy hoại thành "con vật lạ", "con quỷ dữ".
Đến lúc gặp Thị Nở, Chí đã khát khao hoàn lương và khi bị Thị Nở khước từ, cánh cửa hoàn lương đóng lại, Chí hoàn toàn có thể dữ hơn qủy dữ để trả thù cuộc đời, nhưng sự thức tỉnh của nhân tính đẩy Chí Phèo tới một kết thúc bi thảm.
Đó là không thể làm quỷ, chẳng được làm người, Chí chỉ còn cách tìm tới cái chết để chống lại sự tha hoá.
Nhân vật Chí Phèo - Thị Nở trong bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy.
"Con người như thế, tốt hay xấu không thể nói một từ giản đơn, hời hợt và nếu còn băn khoăn, hãy so sánh Chí Phèo với Xuân Tóc Đỏ, đó là con đẻ của xã hôi tư sản thành thị Việt Nam đầu thế kỉ XX, kẻ không có mảy may chút lương tri hay niềm khao khát lương tri", TS Tuyết phân tích thêm.
TS Tuyết cho rằng, dường như anh Hiền có sự nhầm lẫn trong nội hàm ý nghĩa khái niệm "xã hội" khi đồng nhất những người nông dân nhân hậu của làng Vũ Đại bao bọc, cưu mang Chí Phèo với cái xã hội tàn ác, phi nhân tính "ưu ái" Chí.
Đồng thời, việc đặt vấn đề "lúc say, Chí cũng chửi cái đứa nào đã đẻ ra mà không nuôi chứ đâu chửi cái xã hội đang sống" thì cần suy nghĩ thêm về vấn đề đọc hiểu văn bản.
Về mối quan hệ giữa Chí Phèo và Thị Nở, theo anh Hiền, "trong bất kỳ xã hội nào, hành động cưỡng bức đó đều đáng lên án. Chí đã phạm pháp và dù về mặt nhận thức, hắn không ý thức hành vi của mình, nhưng về khía cạnh giáo dục đó là hành động cần phê phán.
Mà cưỡng bức với một người thiểu năng như Thị Nở thì càng phải lên án và phê phán thích đáng hơn. Chúng ta không thể và không nên bảo vệ những hành vi trái pháp luật. Điều đó chẳng khác gì cổ suý cho lớp trẻ để bắt chước làm theo".
TS Tuyết cho hay, ý kiến trên không liên quan gì đến văn chương mà "na ná" lời tuyên án của công tố viên, vì không ai đọc văn theo cách đó.
"Phải đặt vào tác phẩm mới thấy, lúc đầu, Chí Phèo đến với Thị Nở bằng bản năng sinh vật của một gã đàn ông say rượu, bằng tính cách du côn của một thằng lưu manh vừa ăn cướp, vừa la làng.
Nhưng rồi tình thương yêu mộc mạc, chân thành của Nở đã đánh thức phần người, lương thiện còn sót lại đâu đó trong con quỷ dữ làng Vũ Đại... Một mối quan hệ như thế, sao nỡ phủ nhận?", TS Tuyết nêu.
TS Tuyết cũng nhìn nhận, sẽ rất xa với cảm thụ văn chương nếu dùng cách đọc tác phẩm Chí Phèo theo kiểu xã hội học dung tục từ thế kỷ trước.
Cô chỉ rõ, sau khi Thị Nở bỏ đi, Chí lôi rượu ra uống và cầm dao đi với ý định trả thù hai cô cháu Nở, nhưng rồi "quên" không rẽ vào nhà Thị Nở mà đi thẳng tới nhà Bá Kiến...
Có thể thấy, Chí Phèo đã làm theo sự mách bảo sâu xa trong tiềm thức, đó là nỗi căm hờn với kẻ thù độc ác nhất trong cuộc đời mình. Không ai cổ suý cho hành động này, nhưng cũng không ai cho rằng đó chỉ là hành vi của một kẻ côn đồ say rượu.
"Cần trân trọng những giá trị văn hoá đích thực. Cần ứng xử với văn chương cho xứng đáng với văn chương!", TS Tuyết nhấn mạnh thêm.
Một giảng viên trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQGHN) cho hay, ông không muốn bàn luận về đề xuất này với lý do "cách cảm thụ văn học ở một tác phẩm tiêu biểu, đại diện cho dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945 của anh Hiền có vấn đề".
Ông cũng khẳng định, dù tôn trọng ý kiến cá nhân, nhưng ông và nhiều thế hệ giáo viên, học sinh được đọc, học tác phẩm Chí Phèo sẽ không thể nào ủng hộ đề xuất này.
Theo Trí thức trẻ
Video được xem nhiều nhất