Vì sao khách nước ngoài phát khiếp khi đến Việt Nam?
Cướp giật, chặt chém, ăn xin chèo kéo khách... đó là những vấn nạn thực sự đang cản trở sự phát triển của ngành du lịch đất nước.
- 5 điều chứng minh cuộc sống học đường Nhật Bản không như là phim!
- Cách làm món xoài lắc, món ăn vặt ‘hot’ nhất Sài thành
- 9x Việt tham gia làm họa sĩ kỹ xảo cho những bộ phim bom tấn Hollywood
- Thêm một chàng trai Việt bật khóc vì T-ara
- Bộ tranh định nghĩa về gia đình cực đẹp sẽ khiến bạn muốn ôm những người thân yêu của mình
Du khách nước ngoài bị cướp ở trung tâm TP HCM
Cướp giật ở TP HCM, đặc biệt là tình trạng cướp giật tài sản của khách nước ngoài, từ lâu đã trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố nói riêng và đất nước nói chung.
Mới đây, vào chiều 11/3, hai du khách người châu Âu (1 nam, 1 nữ) khi đi bộ trên đường Lương Hữu Khánh (TP HCM) thì bất ngờ bị 2 thanh niên đi xe gắn máy áp sát giật giỏ xách của cô gái. Bị cướp bất ngờ, nữ du khách hoảng sợ, ngất xỉu rồi sau đó không ngừng khóc lóc.
Nữ khách nước ngoài khóc lóc sau khi bị cướp giữa phố
Sau khi được người dân an ủi, nữ du khách và người bạn đã đến trụ sở công an trình báo. Chị cho biết giấy tờ tùy thân, thị thực, hộ chiếu, tài khoản ngân hàng và 200USD tiền mặt đã bị cướp mất.
Những hình ảnh về nữ du khách này được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội gây bức xúc.
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho biết đã yêu cầu cơ quan chức năng phải xin lỗi du khách này, trước đó ông cũng yêu cầu công an TP tích cực triệt để trấn áp, giảm tội phạm trong 3 tháng.
Túm chân du khách lấy giày khâu, 'ép' trả bạc triệu giữa phố cổ Hà Nội
Đang đi bộ trên phố Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chị Avy (du khách Australia) bỗng giật nảy người vì một thanh niên nhỏ thó lao từ vỉa hè ra chộp lấy chân.
Cô gái chưa kịp hiểu chuyện gì thì anh này đã dùng keo dán vào quai và đế dép. Sau đó người này đòi 900.000 đồng cho vài đường khâu.
'Tôi thực sự bị sốc, số tiền ó còn đắt hơn đôi dép tôi mua ở Australia', Avy ấm ức.
Cách đó không xa, bà Helen, du khách Na Uy, buộc phải trả 500.000 đồng cho một lượt đánh giày. 'Đây thực sự là trải nghiệm tồi tệ', bà giận dữ nói...
Quanh khu vực phố cổ, hồ Gươm (Hà Nội) có những 'đội quân đánh giày' kiểu 'chặt chém, trấn lột' tiền của khách du lịch.
Chẳng cần biết du khách có nhu cầu hay không, bất cứ ai đi qua ngã tư Hàng Đào - Cầu Gỗ, ngã tư Mã Mây - Hàng Chĩnh... liền bị những thanh niên này chạy ra ôm chân và rút giày, dép.
Sau đó, họ lấy dụng cụ như dao, keo dán và tự ý sửa trước sự ngạc nhiên của khổ chủ.
Giá mỗi lượt đánh, sửa giày phụ thuộc vào thái độ của khách, nếu gặp người hiền lành, họ không ngại 'chặt chém' từ 300.000 đến cả triệu đồng. Còn khách cương quyết mặc cả cũng phải trả không dưới 200.000 đồng.
TS Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, từng tỏ ra rất bức xúc về nạn chặt chém, ông nói.
'Hành vi 'chặt chém' dù với khách quốc tế hay trong nước đều không thể chấp nhận được. Du khách không được đón tiếp đúng theo nghĩa của từ đó mà trở thành nạn nhân, dù phải thừa nhận đó là thực tế đáng buồn đang diễn ra.
Có thể đây chỉ là những 'con sâu làm rầu nồi canh' nhưng là du khách, họ trải nghiệm 9 điểm tốt mà chỉ cần 1 điểm xấu thì hình ảnh Việt Nam không còn đẹp nữa rồi'.
Phát sợ ăn xin và cánh hàng rong chèo kéo
Jesse Peterson, giáo viên tiếng Anh người Canada từng chia sẻ với báo giới rằng: 'Bùi Viện là một khu phố Tây rất nổi tiếng ở TP HCM nhưng giờ đây tôi không dám đến đó nữa, vì người ăn xin làm phiền tôi liên tục.
Ở Sài Gòn, khi bạn từ chối mua một thứ gì đó từ một người bán hàng rong, họ vẫn tiếp tục nài nỉ đến khi bạn phải mua mới thôi. Người nước ngoài rất ghét điều này'.
Tình trạng người ăn xin tràn lan ở mọi góc phố tại TP HCM từ lâu trở thành một vấn nạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan đô thị.
Chính quyền thành phố từng có các đợt ra quân thu gom người ăn xin, đưa về các trung tâm bảo trợ xã hội, tuy nhiên tình trạng này thời gian gần đây lại có xu hướng tái phát.
Khách nước ngoài bị 'bao vây' bởi đội quân bán hàng
'Khi tôi đến thì thấy những người ăn xin, địu em, dầm mình trong cái rét mướt kèm chút mưa nhỏ, cố gắng chèo kéo nài nỉ khách du lịch mua những món đồ nhỏ được làm thủ công, đơn giản…
Chỉ cần mua cho một bé là hàng loạt bé đằng sau ào đến. Các em đưa ra món đồ bán bằng đôi tay thâm tím, lạnh ngắt và đôi mắt van nài đầy ám ảnh. Tôi thực sự không biết phải làm sao', một du khách kể lại.
Thậm chí, có những phụ nữ Dao đỏ lẽo đẽo theo du khách hàng chục phút để chào mời mua hàng và kèm theo những câu kiểu như 'không mua là không may mắn đâu'…
Đi giữa phố Việt Nam giống như bơi qua dòng sông chảy xiết
Giao thông rối rắm, yếu kém của Việt Nam luôn khiến khách du lịch phải sợ hãi, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.
Một du khách đã nhận xét về các con phố ở Hà Nội như sau: 'Đường phố quá lộn xộn và tên thì lại rất khó nhớ. Mỗi khi đi bộ trong phố, tôi cảm thấy như phải cố gắng bơi trong một dòng sông chảy xiết'.
Việc sang đường ở Việt Nam cũng là nỗi kinh hoàng đối với nhiều khách du lịch. Họ thậm chí coi việc len lỏi khép léo để sang đường giữa dòng người tấp nập là một nghệ thuật không phải ai cũng dám làm.
Qua đường ở Việt Nam cần cả 'nghệ thuật'
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một cuộc trao đổi từng đặt ra vấn đề: 'Nói du lịch, ai cũng nói phong cảnh Việt Nam rất đẹp, con người rất tốt nhưng sao du lịch của mình thua kém các nước nhiều thế?'.
Ông sau đó chỉ ra rất nhiều nỗi sợ của du khách quốc tế mỗi khi đến Việt Nam, theo ông, đó là những vấn đề rất cụ thể mà nhiều địa phương, nhiều ngành phải vào cuộc, những người quản lý ở các trung tâm, những cơ sở du lịch trọng điểm phải chú ý giải quyết.
'Đây không chỉ là vấn đề du lịch, mà là nếp sống, là văn hóa mà chúng ta phải xây dựng, có tự hào hay không là ở cái đó. Chúng ta có thể còn nghèo nhưng những điều đó, chúng ta vẫn có thể làm tốt để du lịch phát triển lên, văn hóa lên, bộ mặt đất nước sẽ khác', ông nói.
Video được xem nhiều nhất