Tình nguyện: Cần giải pháp hơn "ném đá"!
Kỳ thi THPT quốc gia đã chính thức khép lại. Những câu chuyện bên lề kỳ thi như thường lệ vẫn là các góc nhìn đa chiều của xã hội, đặc biệt là cộng đồng mạng.
Trong đó, câu chuyện sinh viên tình nguyện lập các “hàng rào sống” trước một số hội đồng thi trở thành tâm điểm.
Bên cạnh một số rất ít những góp ý, điều đáng nói là có hàng ngàn “hòn đá” ném vào “hàng rào sống” với nội dung đay nghiến, chì chiết khiến người liên quan và không liên quan không thể không đặt câu hỏi: thật sự thì “hàng rào sống” đang ở đâu?
Các tình nguyện viên làm hàng rào giúp phân luồng giao thông. |
Thực tế, đội hình hỗ trợ giao thông của các điểm Tiếp sức mùa thi cũng chỉ xuất hiện ở một số hội đồng thi nhiều thí sinh, không có dải phân cách. Một hoàn cảnh cụ thể được chính các bạn sinh viên tình nguyện tại hội đồng thi đó lựa chọn, xem đó là cách hữu hiệu nhất để nhanh chóng giải quyết tình trạng hỗn loạn trước và sau các giờ thi.
Muốn biết “hàng rào sống” có hiệu quả hay không thì cần có trải nghiệm thực tế. Khoảnh khắc ấy được ghi lại qua một tấm ảnh và hứng chịu gạch đá?
Mùa thi đã qua, không có sự cố nào nghiêm trọng đến lực lượng này. Điều đó không có nghĩa bỏ qua các chữ “nếu” trong những ý kiến phản biện. Tuy nhiên, đặt ra chữ “nếu” thì cũng nên đặt hai chiều: nhiều người lo ngại nếu có xe tải mất lái tuột thắng, sinh viên gặp nguy hiểm và... ném gạch đá?
Vậy nếu một đám đông nhộn nhạo trước cổng các hội đồng thi kéo dài nửa giờ đồng hồ có nguy hiểm không? Nhiều người cho rằng nếu sinh viên đứng nắng đau bệnh thì sao... rồi lại ném gạch đá?
Vậy nếu không phải là sinh viên được trang bị nón áo đầy đủ mà là thí sinh bị “dồn” trong cái nắng thì sao?
Ở đây chưa nói đến chuyện tình nguyện, nghĩa là một phía phải cho đi và một phía được nhận lại, “đàn anh, đàn chị” hi sinh một chút để “đàn em” vốn đã đủ thứ áp lực từ thi cử vơi đi một chút vất vả, nhọc nhằn...
Người khác lại nếu thay vì “hàng rào sống” mà căng dây ở hai đầu tuyến đường thì trở lại chủ đề "Nước mắt tình nguyện viên" từ chính những hành động thiếu văn minh làm tổn thương những nỗ lực tình nguyện.
Và với tình hình giao thông của các thành phố hiện nay, liệu có trông chờ chỉ một sợi dây có thể giải quyết? Nhiều sinh viên cho biết đã làm cách đó từ những mùa thi trước nhưng cũng chẳng ăn thua...
Nói vậy để thấy những góp ý thiếu thiện chí, ném đá gây sốc, thậm chí chỉ qua một tấm ảnh rồi đay nghiến loạn xạ cả lên có phải là hành động đáng ghi nhận?
Những lời đay nghiến vô tội vạ đó có thể trở thành “hàng rào” làm giảm đi nhiệt huyết của những người tình nguyện, chặn đường những trái tim muốn cống hiến?
Những kiểu ném đá không xuất phát từ trải nghiệm thực tế có thể trở thành “hàng rào” để ngăn cách mọi người quan tâm chung đến các vấn đề xã hội?
Để việc tình nguyện từ mùa thi năm sau trở nên tốt hơn, lúc này cần những góp ý chân thành hoặc giải pháp hơn là “ném đá”!
Video được xem nhiều nhất