"Ram của đàn ông 512MB, còn của phụ nữ có tới hàng nghìn GB"
Đó là chia sẻ của Zelda - một cây viết trẻ thông thạo 3 thứ tiếng (Anh, Nhật, Hàn), sở hữu vốn hiểu biết khiến bất cứ ai tiếp xúc cũng phải ngưỡng mộ và một lối suy nghĩ… dị thường.
Zelda – 26 tuổi. Sách đã xuất bản: Từ nơi tận cùng thế giới, Như là vẽ ra mà thôi. Từng sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Mặc dù con khá trẻ nhưng cô gái này đã đi nhiều qua 20 nước với những trải nghiệm dày dặn so với tuổi. Từng ám ảnh nghĩ đến cái chết từ khi còn khá trẻ, học siêu tiếng Anh vì muốn đi ra nước ngoài, Zelda không thích học, nhưng thích đọc. “Độc – dị – thấm - sâu” là những gì người ta nhận xét về văn phong của cô. Zelda nói về bản thân: “Tôi có 2 con người, 1 sống với tên thật, 1 sống với tên viết văn Zelda. Sống trong 2 thế giới cũng thật khó khăn, nên đôi lúc tôi muốn “xóa dấu vết” khỏi trái đất này”. |
Cô gái đặc biệt từng bị ám ảnh bởi cái chết
Từng học siêu tiếng Anh, có thể “săn” học bổng dễ dàng, du học và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, hiểu hiết uyên thâm, viết văn rất chất, dường như Zelda muốn gì đều có thể làm được?
Cũng không hẳn là vậy. Từ năm lớp 8 tôi đã cảm thấy những bế tắc và thường xuyên nghĩ đến cái chết. Tôi tự đặt câu hỏi và không thể trả lời câu hỏi đi học để làm gì? Khi tốt nghiệp cấp 2 tôi chỉ tốt nghiệp loại trung bình đến mức chẳng đủ điểm vào bất cứ trường cấp 3 nào. Và bạn có biết cô giáo nhận xét như thế nào về tôi không? Đó là không có khả năng diễn đạt, nói chuyện không thành lời, không truyền tải được ý của mình. Thế nhưng khi thi vào Chu Văn An tôi lại đạt điểm số Văn cao nhì trường. Có lẽ viết lách luôn là lợi thế của tôi, chứ không phải khả năng nói. Tuy nhiên ở những năm cấp 3 tôi vẫn thường bị cô nhận xét là văn viết cực đoan. Còn việc học ngoại ngữ tôi học chỉ vì muốn sẽ được đi xa hơn.
Vậy tại sao bạn lại nghĩ đến cái chết nhiều thế? Hỏi hơi khiếm nhã, nhưng bạn “mơ” đến cái chết như thế nào?
Vì người ta vẫn chết hàng ngày. Như Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ có lẽ thời điểm chết không phải là điều họ muốn, nhưng cũng có thể họ đồng ý với cách thức được chết bên nhau, chết khi cảm thấy vừa đủ hơn là một cái chết của già cỗi, bệnh tật hoặc người đi trước, người đi sau. Duy chỉ có điều chết vì người khác thì dễ, nhưng sống vì người khác mới là điều khó thôi.
Chắc hẳn bạn cũng thấy mình khác người?
Ban đầu tôi cũng nghĩ mình khác người, nhưng sau thì tôi thấy chẳng có ai bình thường hết cả. Tôi có một cô bạn mà cô ấy luôn chào tôi bằng cách đến ngồi bên cạnh và sờ vào đầu gối của tôi. Đôi lúc tôi không biết vì cô ấy cũng không bình thường hay do tôi hay để ý đến những điều khác lạ. Nhưng không bình thường cũng tốt mà, nó làm cho mình không bị quên.
Cái chết là tất yếu với tất cả mọi người, nhưng sau cùng quan trọng là sau khi chết đi, người đó sẽ được nhớ tới như thế nào. Không phải là điếu văn, trống kèn, nhưng sống bình thường, chết bình thường thì khá nhạt nhòa. Vì thế nếu chúng ta không cần phải cố gắng bình thường, mọi người sẽ nhớ về chúng ta nhiều hơn.
Không tin bất kỳ ai khác, chỉ tin chính mình
Từng du học và làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đã tới thăm 20 các quốc gia khác nhau. Những chuyến đi mang đến cho bạn điều gì?
Tôi có niềm tin là con người không bao giờ có thể sử dụng hết não bộ của mình. Sức chịu đựng và sự sáng tạo của con người ngày càng lớn. Tôi muốn biết nhiều hơn, có những cảm xúc mới. Tôi là người không quá tin vào những gì người ta đánh giá thế nên luôn nghi ngờ với những điều người ta nói và muốn xác minh chúng chỉ có cách tự khám phá, tự mình trải qua nó. Và tôi đi.
Người Việt thường có tư tưởng sính ngoại, châu Á luôn cho rằng là Tây nói đúng. Như người Nhật có hội chứng Paris, tôi đã từng đến Paris và thấy đó là sai lầm của mình, tháp Eiffel không đẹp như tưởng tượng, tôi đã từng suýt bị cướp và vô tình dính vào một cuộc biểu tình cực đoan. Với tôi, pizza ngon lại không phải ở Ý mà ở Bỉ. Những thành phố lớn hào nhoáng không thực đẹp như người ta vẫn vẽ ra. Nhưng những thành phố nhỏ ít người biết tới lại có những cảnh sắc tuyệt đẹp.
Và vì thế tất cả mọi đánh giá của tôi đều dựa trên những điều bản thân trải nghiệm chứ không phải vì dựa vào người khác nói. Tuy thích khám phá nhưng tôi lại không tò mò về cuộc sống của người khác. Và tôi sẽ không phát biểu về vấn đề gì cho đến khi đi qua nó. Tôi cũng thích đặt cho mình những áp lực để đến độ cao trào quá có thể vứt hết đi.
Bằng cách nào, chẳng phải ai đó, ở lúc nào đó cũng muốn có thể vứt bỏ hết, nhưng họ vẫn không làm được đấy thôi?
Làm được chứ. Tôi không muốn lãng phí não bộ. Ví dụ như đến lúc nào đó bạn muốn bỏ việc nếu cứ đắn đo mãi bạn chẳng thể làm nổi, nhưng nếu cứ đứng lên và bước ra khỏi chỗ ngồi đó thì từ bỏ là hành động đơn giản nhất. Đôi lúc nó cũng mang đến sự tiếc nuối nhưng có lẽ vẫn cần đánh đổi. Nhưng những người nhạy cảm với ánh sáng nhất là do họ ở trong bóng tối lâu nhất. Và người ta chỉ tiếc quá khứ khi hiện tại không được như ý muốn.
Này vậy một cuộc sống mơ ước của bạn được vẽ ra như thế nào?
Tôi muốn được sống ở một vùng thật đẹp của Thụy Sỹ, chết nhân đạo và rải tro trên hồ. Đó là một nơi tôi từng đến. Cảnh vật đẹp đến mức có thể tẩy não, đầu óc thư thái và quên sạch những muộn phiền. Tôi cũng đã từng sống ở trong rừng không có bóng người, một ngôi nhà với tiện nghi đầy đủ, wifi căng đét, rất yên tĩnh. Tôi vô cùng thích thú nơi này, nhưng tôi cho rằng mình không có quyền ở đó, ngay lúc này.
Tại sao lại "không có quyền", nếu muốn và có thể thực hiện ngay điều đó...
Người ta chỉ có thể đến nơi yên tĩnh sau khi đã đi qua những nơi ồn ào nhất. Và tôi thấy mình không xứng đáng để tận hưởng ngay điều này. Nếu như ta chưa ở những nơi khác thì sẽ không biết sự khác biệt và đáng trân trọng nơi này đến như thế nào. Và vì thế tôi đã làm cật lực để có tiền và tiếp tục trải nghiệm. Thật may tôi thường bị khó ngủ nên việc làm cật lực với tôi cũng dễ dàng.
Khi đi du lịch người ta hay "khoe" điều này lên mạng xã hội, nó chỉ giúp để người khác ghen tỵ với bạn, vì chúng ta thường không show ra cái khổ. Để đi du lịch khắp mọi nơi tôi đã phải có những ngày tháng làm việc một cách điên cuồng để kiếm tiền.
Có quá nhiều người muốn kiếm tiền, nhưng đâu phải cứ muốn là làm được. Bí quyết của bạn là gì?
Hãy đặt cho mình những mục tiêu ngắn hạn và thực hiện nó. Mọi điểm đến đều có công thức, ngay cả việc trở thành Tổng thống vì thế cứ đặt mục tiêu và vạch kế hoạch sẽ thực hiện được. Và hầu như mọi kế hoạch tôi đều đạt được. Tôi không trông đợi sự may mắn. Nếu ai đó nói rằng tôi đã quá may mắn thì họ nhầm, tôi cũng chỉ “khoe” ra để mọi người ghen tỵ thôi (cười).
Quay lại chuyện viết lách, với Từ nơi tận cùng thế giới, Như là vẽ ra thôi... bạn đã tạo được dấu ấn cá nhân cho riêng mình, một cô gái làm nghề không liên quan và sáng tác giỏi thì viết với bạn vì mục tiêu kiếm tiền hay chỉ để thỏa ý thích cá nhân?
Tôi không bao giờ viết nếu không có đơn đặt hàng. Nhưng khi đã viết tôi thường không quan tâm đến việc sách có bán được không hoặc chiều lòng ai đó. Tôi viết bằng cảm xúc, hạnh phúc hay đau khổ, trí tưởng tượng.
Nhân vật có thể có sẵn ở đâu đó hoặc tự nghĩ ra nhưng nhân vật ấy thực sự sống trong não bộ của tôi. Họ đi lại, mặc quần áo, cười đùa trong tâm tưởng tôi một cách rất chi tiết. Nhân vật có thể là tôi nhưng cũng không phải là tôi nhưng tôi luôn biết tôn trọng yếu tố cá nhân của nhân vật.
Ram của đàn ông 512MB, còn của phụ nữ có tới hàng nghìn GB
Một cô gái trẻ, trải nghiệm và suy nghĩ có vẻ nhiều hơn số tuổi thì khái niệm hạnh phúc như thế nào?
Nếu bạn đọc Zelda sẽ thấy tôi ít khi nói đến 2 từ hạnh phúc, tôi thường thay nó bằng từ dịu dàng. Bản thân tôi cũng không theo chủ nghĩa ồn ào, sợ những cuộc party. Nhưng khi đã đi qua đau buồn thì tôi phải học cách để chỉ nhớ đến hạnh phúc.
Vậy chắc hẳn bạn đã phải học cách quên?
Tôi thường chẳng quên điều gì vì "ram" đàn ông chỉ có 512MB nhưng phụ nữ thì có hàng nghìn GB, tôi nhớ tất cả những điều tôi đã trải qua nhưng chỉ lôi ra khi cần thiết. Thường người ta chỉ nhớ về quá khứ đẹp đẽ khi hiện tại không được như mong muốn. Một thời gian dài sau, chúng ta chẳng cần quên, nhưng nổi bật trong hồi ức vẫn chỉ là những hình ảnh lấp lánh, cảnh đẹp mơ hồ và con người dịu dàng mà thôi.
Đọc Zelda thường thấy sự u buồn, chắc hẳn Zelda cũng đã từng đau khổ vì tình yêu?
Có chứ nhưng tôi không muốn để ai biết, không phải là cố giấu, nhưng khi đổ vỡ người ta dễ phải đóng kịch với người khác nếu đã từng thể hiện ra trước đó đã hạnh phúc nhường nào. Nếu giữ riêng cho mình, tôi có thể đau khổ nhưng tôi cũng biết mình đau khổ từ đâu, có thể tôi không có câu trả lời nhưng vẫn biết đặt câu hỏi.
Bạn có nghe những lời khuyên?
Đã bảo là không tin người khác rồi mà. Vì lời khuyên không áp dụng cho mọi hoàn cảnh. Mà nhìn chung cũng chỉ có 2 lời khuyên là vượt qua hoặc cứu chữa mối quan hệ, cũng chẳng khác được. Trước đây rắc rối nằm ở bản thân tôi, nhưng sau này rắc rối thường đến từ các mối quan hệ và vì thế tôi thường hạn chế tạo dựng thêm các mối quan hệ. Tôi chỉ muốn được sống yên ổn và đi đến được nhiều nơi, có nhiều tiền để làm việc mình muốn làm.
Tôi thường không viển vông đặt cho mình những mục tiêu xa quá. Nhưng đi Alaska đào vàng hay lên sao Hoả sống cũng là một ý tưởng hay. Bạn cũng có thể lên sao Hỏa để sống thực nghiệm cho tới cuối đời, nếu tham dự vào Mars One - dự án có tính quốc tế. Ví dụ vậy.
Bạn có muốn lên sao Hỏa?
Không, tôi không thích cuộc sống ở đó. Tôi muốn vào rừng sống, có ai bên cạnh thì tốt, không cũng chẳng sao, có thể nuôi chó, mèo cũng là một cách có thêm bạn
Câu hỏi cuối nhé, nếu nhìn lại, thì với Zelda hạnh phúc hay đau khổ đã nếm trải nhiều hơn?
Thực ra tôi ít ngủ nên đôi khi gặp áp lực hay căng thẳng về thần kinh, đau chỗ này chỗ nọ nhưng khi viết ra mọi người thường hiểu theo nghĩa bóng (may!). Cá nhân tôi đã luôn phải không nghĩ về nó hoặc học cách sống chung với nó. Tôi không chat, ít khi kết thêm bạn và nếu muốn gặp ai đó sẽ gặp trực tiếp. Nếu nhớ ai đó sẽ viết thư tay, gửi postcard, vì thế những đau khổ nếu có sẽ không bi lụy đâu.
Video được xem nhiều nhất