"Nhậu khi mô quán đóng cửa thì về"

Zing - 14/03/2016, 15:27

Đó là “phát ngôn” của Toàn (19 tuổi, quê Nghệ An, sinh viên năm nhất ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM) khi vừa cụng ly vừa lớn tiếng lúc đồng hồ đã điểm 22h.

Bên cạnh Toàn là cả chục bàn nhậu khác, khách đều là sinh viên, có nữ sinh còn mặc nguyên bộ đồng phục của trường.

Tiếng Bắc, tiếng Trung, tiếng Nam rộn ràng cả dãy quán nhậu tạm bợ nằm lô nhô trên một mô đất cao. Ít ai nghĩ rằng dãy quán nhậu đó nằm ngay trong khuôn viên khu đô thị ĐH Quốc gia TP HCM.

Hơn 22h đêm 7/3, nhóm sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) vẫn rôm rả nhậu trong khuôn viên khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM.

Nhậu từ lề đường...

Chàng lớp phó học tập tên Toàn kéo thêm ba người bạn cùng lớp ra quán “cưa” hết một két rưỡi bia.

Ba ngày nay, nữ sinh cùng khoa mà Toàn có cảm tình tránh mặt nên Toàn tìm đến bia để giải sầu. “Rượu vào là lời ra, đêm nay tôi sẽ về nhắn tin tỏ tình nhưng phải có chút men trong người mới làm được” - Toàn khẳng định.

Ngồi cạnh Toàn, nam sinh dáng vẻ gầy gò Đình Đức (quê Thanh Hóa) vừa uống bia vừa “đốt” thuốc liên tục. Một tiếng đồng hồ, một mình Đức đã “đốt” đến 13 điếu thuốc và uống hơn năm chai bia.

Từ năm lớp 9, Đức đã tập tành hút thuốc và không bỏ được dù Đức bảo “chỉ khi nào nhậu tôi mới hút nhưng đã hút là “đốt luôn tua”, khi nào hết bao thì thôi chứ không dừng lại được”.

Ngoài hút thuốc, Đức còn khoe mình có tửu lượng thuộc hàng “đô mạnh” trong lớp. Khi vui, Đức có thể uống hết một lít rượu trắng. Còn khi buồn, Đức chỉ uống được... ba xị.

Đức cho biết mỗi lần có chuyện vui, chuyện buồn, nhóm đều kéo đi nhậu dù có khi hụt tiền tiêu của tháng.

“Cả nhóm chẳng ai đi làm thêm, tiền bạc đều phụ thuộc trong nhà nhưng hứng lên là nhậu thôi. Hết tiền thì lại mượn bạn bè, rồi cũng qua tháng thôi mà” - Đức nói.

0h45, quán nhậu nằm cạnh vòng xoay ĐH Quốc tế (cũng nằm trong khu đô thị ĐH Quốc gia TP HCM) còn lại hai nam sinh ngồi uống bia cùng chủ quán nhậu. Gần một năm trở lại đây, hai sinh viên ngành xây dựng này đã trở thành khách ruột của quán và được chủ quán giới thiệu “anh em trong nhà”.

Nói về “đô” nhậu của mình, chàng sinh viên năm cuối quê Vũng Tàu Nguyễn Nhất Hy (22 tuổi) tự hào “cưa” được tầm 15, 16 chai. “Nói mình nghiện thì hơi quá nhưng trở thành thói quen rồi, không nhậu không được, đêm nào cũng phải có vài chai” - Hy nói.

Vừa uống bia, Hy vừa khoe thành tích “cúp” học do nhiều bữa nhậu say sáng hôm sau không dậy nổi. Hy biện minh: “Sinh viên năm cuối rồi nên phải rèn đô để sau này nhậu với sếp, nhậu giỏi mới tiến thân được. Dù hơi tốn kém, hại sức khỏe nhưng có cái lợi lâu dài”.

... Đến khách ruột của quán nhậu

Ngồi bên bàn nhậu cùng hai khách ruột, anh Nguyễn Đình B. (34 tuổi), chủ một quán nhậu trong khu đô thị ĐH Quốc gia TP HCM, cho biết khách đến quán anh chủ yếu là sinh viên và công nhân.

Theo anh B., sinh viên thời nay có điều kiện hơn trước rất nhiều nên những cuộc nhậu vài trăm ngàn đồng đối với họ chẳng đáng bao nhiêu. Dù mới mở quán chưa đầy một năm nhưng anh B. đã có rất nhiều sinh viên là khách ruột, có người vừa bước vào quán là biết ngay dùng bia gì, mồi gì.

“Cũng có sinh viên nữ nhậu xong là gục tại bàn, không còn biết trời đất là gì nữa nên mấy thằng bạn phải cõng về. Có khi khuya quá, quán đóng cửa nhưng nhiều sinh viên nhậu chưa đã nên tự mua mồi, mua bia rồi kéo nhau ra lề đường ngồi nhậu đến sáng.

Mở quán nhậu thế này cũng ảnh hưởng đến sinh viên, nhưng nếu tôi không mở thì người khác cũng mở. Với lại sinh viên có nhu cầu thì mình đáp ứng thôi” - anh B. nói.

1h sáng, quán đóng cửa, anh B. nói nếu muốn biết sinh viên nhậu khuya như thế nào thì tìm đến đường Hoàng Diệu gần ĐH Ngân hàng TP HCM.

Đúng như lời giới thiệu, các quán nhậu đề chữ “sinh viên” trước tên quán như SVKT, SVOM... tại đây sáng đèn và hàng chục khách nhậu trẻ măng vẫn cụng ly rôm rả.

Ông Trần Việt Thắng, phó giám đốc Trung tâm Quản lý và phát triển khu đô thị ĐH - ĐH Quốc gia TP HCM, cho biết những quán nhậu ở khu vực vòng xoay chợ đêm cách ký túc xá khu A đến 400 m nên không gây ảnh hưởng đến việc học tập của sinh viên.

Theo ông Thắng, trong làng ĐH hiện nay vẫn còn 2.000 hộ dân với 5.000 nhân khẩu chưa thể di dời nên họ vẫn kinh doanh quán nhậu bình thường. Cuối năm nay, ĐH Quốc gia sẽ phối hợp cùng địa phương di dời dãy quán nhậu gần ký túc xá ở vòng xoay chợ đêm.

Bên cạnh đó, các khu ký túc xá cũng siết chặt quản lý, đóng cửa lúc 23g và không cho sinh viên có mùi rượu bia vào bên trong, giờ giấc ra vào của sinh viên đều có camera ghi hình.

Uống có chừng mực

Ông Nguyễn Phương Nam (chủ một doanh nghiệp): Đối với các bạn sinh viên, nếu thường xuyên say xỉn thì sau này ra trường sẽ tạo ra một thói quen không tốt.

Bản thân tôi thời sinh viên cũng nhậu, nhưng chỉ nhậu những dịp đặc biệt, không phải cứ hứng lên rồi đi như thói quen. Bởi vì nếu nhậu nhiều thành ra nghiện thì chúng ta sẽ không có thời gian làm những việc khác, không hình thành ý tưởng hay cho bản thân, cho học tập, ngoài cái vòng luẩn quẩn của nhậu.

Tôi cho rằng quan trọng hơn nữa là thái độ, cách ứng xử của chúng ta lúc nhậu. Mình không uống được thì phải biết từ chối, cũng như không nên o ép người khác bởi tửu lượng mỗi người là có hạn. Ngồi vào bàn nhậu phải để ý đến những người xung quanh, tức làm sao không hò hét, la ó làm ảnh hưởng đến những người bên cạnh.

Với vai trò là người quản lý, tôi không đánh giá cao những nhân viên mà ăn nhậu hoài bởi trong đầu họ lúc nào cũng nghĩ đến chuyện nhậu, làm mất thời gian và ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc. Thay vào đó, uống phải có chừng mực, nhậu làm sao để có cái ngưỡng dừng lại, đừng để mất kiểm soát bản thân, rất nguy hiểm.

Nhiều sinh viên cho rằng phải rèn “đô” để sau này nhậu với sếp, họ có cái lý của mình nhưng những người sếp hiện đại chúng ta cũng nên tự vấn lại mình. Không nên miễn cưỡng nhân viên đi nhậu và lấy chuyện nhậu ra làm một tiêu chí đánh giá năng lực, nó sẽ làm giảm năng suất của cả một tập thể, tạo một tiền lệ xấu cho rất nhiều người khác.

Sự thay đổi đó cần phải đến từ trong cách nhìn nhận của mỗi người để chúng ta có một cái nhìn đúng mức hơn về cái lợi, cái hại của việc nhậu.

Uống bia tháp trong beer club

Không chỉ nhậu ở các phố nhậu trên vỉa hè, lòng đường, nhiều beer club đã trở thành “bãi đáp” của những sinh viên mê nhậu.

Từ quận Thủ Đức, Ngọc Lâm (sinh viên năm cuối ĐH Ngân hàng TP HCM) cùng nhóm bạn chạy cả chục cây số lên một beer club trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình).

22h tối 9/3, vừa vào quán Lâm kêu ngay một tháp bia 3 lít. Lâm nói: “Uống bia tháp này mới sướng, tháp này đến tháp khác như thác đổ vào người”.

Thông thường một cuộc nhậu của nhóm bạn Lâm “tắm” đến 3-4 tháp bia loại 3 lít mới đủ “đô”. “Cứ dịp sinh nhật, lễ lạt tụi mình lại kéo nhau vô beer club, vừa uống bia vừa nghe nhạc thấy cuộc đời bớt nhạt nhẽo” - Lâm nói.

Theo Lâm, mỗi cuộc nhậu trong beer club thì mỗi người thường góp chung khoảng 300.000 đồng và một tháng đi khoảng hai lần.

“Đợt trước nhậu xỉn, ngã xe nhưng may chỉ trầy xước tay chứ không mệnh hệ gì. Nhiều khi thấy say xỉn cũng nguy hiểm nhưng không nhậu thì thấy thiếu. Vô bàn nhậu, có tiếng nhạc DJ lâng lâng thì phải nhậu tới bến thôi” - Lâm nói.

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất