Lớp học mang tên Gạc Ma kỷ niệm ngày 14/3

Zing - 14/03/2016, 15:25

"Tôi tin rằng ngôi trường này đang dạy học trò rất nhiều điều, để học sinh sống không vô cảm, bàng quan với vận mệnh đất nước", tác giả Trần Bắc Hải viết.

Sáng nay, 14/3, trường THPT Nhân Việt, TP HCM tổ chức lễ tưởng niệm 28 năm sự kiện Gạc Ma trong lễ chào cờ đầu tuần.

Đây là một trong nhiều hoạt động Hướng về biển đảo của trường, ý nghĩa hơn khi được thực hiện trong tháng thanh niên. Học sinh lớp 10 mang tên Gạc Ma đã diễn lại hoạt cảnh về trận chiến năm 1988.

Th.S Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng trường Nhân Việt.

Giọng thuyết trình vang lên xúc động: “Trung Quốc cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma để hạ cờ Việt Nam, dùng vũ lực uy hiếp nhằm làm quân ta phải rút khỏi đảo. Ngay lập tức thiếu úy Trần Văn Phương cùng đồng đội đã anh dũng kháng cự, lập thành đội hình "vòng tròn bất tử" quyết tâm giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo”.

Một học sinh nam có gương mặt cương trực trong vai Thiếu úy Trần Văn Phương hô lớn: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng hải quân anh hùng".

Không khí cả trường trùng xuống.        

Hình ảnh 64 người con Việt Nam đã cùng 2 tàu HQ 604, HQ-605 vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển của Tổ quốc khiến nhiều học sinh rơi nước mắt.

Học sinh diễn lại hoạt cảnh về hải chiến Gạc Ma.

Cũng trong sáng nay, trường Nhân Việt đón nhận và thể hiện bài hát Lớp Mười Gạc Ma do tác giả Trần Bắc Hải sáng tác và gửi tặng. Th.S Bùi Gia Hiếu – Hiệu trưởng trường chia sẻ: “Khi nhận được thư điện tử của tác giả Hải, tôi rất xúc động. Đây là bài hát viết tặng riêng tặng thầy trò nhà trường".

Tác giả Trần Bắc Hải gửi lời đề tặng: "Thương mến tặng thầy trò trường THPT Nhân Việt".

Trước đó, những lớp học Gạc Ma, Song Tử Tây ở Sài Gòn được đặt tên trong đầu năm 2015-2016. Học sinh trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TP HCM) mặc đồng phục giống của Hải quân. Các lớp học được đặt tên và trang trí hình ảnh theo nhiều hòn đảo của Tổ quốc.  

Th.S Bùi Gia Hiếu – Hiệu trưởng trường Nhân Việt bày tỏ: “Những tên gọi gợi lên tình cảm, sự gần gũi của học sinh đối với Tổ quốc. Đây cũng là cách giúp các em có cơ hội bổ sung kiến thức về biển đảo Việt Nam. Đồng thời, nhà trường cũng muốn xây dựng những lớp học thân thiện, học sinh đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập và các hoạt động khác".

“Nhiều vị lớn tuổi kêu ca những người trẻ bây giờ không biết lịch sử Việt Nam, khóc vì được gặp thần tượng K-pop nhưng không biết uất ức khi đồng bào mình bị quân Tàu cướp giết trên biển, rành rẽ 3 ngày Valentine Đỏ-Trắng-Đen nhưng không biết họa xâm lăng cận kề.

Quả thật nếu gõ vào Google tiếng Việt “14/3 là ngày gì?” bạn sẽ nhận được cẩu trả lời phần lớn là về Valentine Trắng, thông tin ngày giỗ 64 chiến sỹ công binh hải quân Việt Nam hy sinh tại Gạc Ma là ít hỏi.

Cách đây 2 năm tôi đã viết trên Facebook về chuyện này, nhưng hôm nay thấy chưa hết bức xúc, bèn quyết ngồi xuống viết một ca khúc với tựa đề “Valentine trắng Gạc Ma”. Trên giấy trắng tôi đã viết “64 đôi đũa và 64 chiếc bát”, tức là chuyện về một ông lão nghèo ở Quảng Bình hàng năm làm giỗ cho con trai cùng với đồng đội của anh ấy, bảo rằng bây giờ cả 64 chúng nó còn đang bám bấu vào nhau dưới đáy biển, làm sao gọi riêng một đứa về được. 

Trên đường đi tìm thêm tư liệu để viết lyrics cho bài hát, tôi bỗng gặp “Lớp Mười Gạc Ma ở giữa Sài Gòn”. Đó là một ngôi trường THPT tư thục ở quận Tân Phú. Rất đặc biệt. Giờ giáo dục công dân, trong khi thày cô các trường khác kêu… “vô lý như SGK Giáo dục công dân” thì tại đây, học trò được hỏi “Nếu chỉ còn một ngày để sống thì bạn sẽ làm gì?”. Có câu trả lời dễ thương “Con sẽ chạy về nhà để ăn món canh khổ qua và thịt kho trứng của mẹ” cũng được ghi nhận. Vâng, ngay cả người lớn chúng ta chưa chắc đã biết cách sống mỗi ngày cho thật ý nghĩa, như rằng đó là chỉ một ngày duy nhất trong cuộc sống. 

Rất độc đáo. Học trò trường này mang đồng phục giống lính hải quân, còn các lớp học thì được gọi tên theo các đảo của Việt Nam. Ngay trên cánh cửa vào lớp Mười Gạc Ma là những dòng thơ về Gạc Ma, để các em nhớ đến Gạc Ma mỗi khi ra vào lớp. Gạc Ma đang nằm trong tay kẻ cướp phương Bắc và bị chúng xây thành căn cứ quân sự, nhưng sẽ mãi còn là của Việt Nam khi Gạc Ma ở trong tim mỗi người dân Việt, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tôi chân thành tin rằng ngôi trường này đang dạy học trò rất nhiều điều, để học sinh sống không vô cảm, bàng quan với vận mệnh đất nước. 

Vậy là tôi quyết định thay đổi chủ đề bài hát của mình. Không còn lấn cấn gì nhiều nữa về Valentine Trắng hay là Đỏ hay là Đen, quà tặng là chocolate hay là hoa hồng. Bây giờ bài hát sẽ mang tên là “Lớp Mười Gạc Ma”. Sang năm, các em ấy sẽ lên lớp Mười Một, năm sau nữa là lớp Mười Hai… Lớp Mười Gạc Ma rồi sẽ có còn nữa hay không? Bài hát của tôi có bị lạc hậu không ai hát nữa hay không? Nhưng tôi cứ viết vì nhạc đã chảy ra cùng với lệ. Ít nhất thì bài hát đã làm cho tôi tin tưởng rằng ngày mai, Tổ Quốc của tôi sẽ vẫn còn những người chủ đích thực. 

(Thư điện tử từ Úc của tác giả bài hát “Lớp 10 Gạc Ma” – chú Trần Bắc Hải)

 

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất