Lại nói chuyện văn hóa “phượt”

Tuổi trẻ - 28/11/2015, 10:00

Sự bùng phát mạnh mẽ phong trào “phượt tự phát” dẫn đến nhiều nhóm có những hành vi không đẹp, gây mất an toàn khi di chuyển trên các cung đường.

Một hình ảnh không đẹp của nhóm “phượt” tại Hà Giang trong mùa lễ hội tam giác mạch giữa tháng 11 vừa qua - Ảnh: Facebook

Một hình ảnh không đẹp của nhóm “phượt” tại Hà Giang trong mùa lễ hội tam giác mạch giữa tháng 11 vừa qua - Ảnh: Facebook

 

Mới đây, trên group Facebook phuot.vn, cộng đồng mạng rất bức xúc và lên án một nhóm bạn trẻ đi phượt Hà Giang đã đứng và ngồi trên tấm bảng hiệu ở đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Hay trên group Facebook “Ờ! Phượt đi” đăng nhiều tấm ảnh nhóm phượt nằm, ngồi ngay khúc cua giữa lòng đường của một tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để chụp hình rất mất an toàn.

Cách đây không lâu, tại tuần lễ văn hóa du lịch Mù Cang Chải (Yên Bái), một bạn trẻ đã bức xúc ghi lại: “Tại nhà văn hóa bản có một đêm múa xòe bên đống lửa do một đoàn du khách thuê đội văn nghệ của bản biểu diễn. Chương trình nhằm giao lưu, kết hợp tặng quà cho các gia đình nghèo và học sinh khó khăn của bản. Khi đống lửa đốt lên, đội văn nghệ còn chưa kịp biểu diễn thì hàng trăm “phượt thủ” từ đâu kéo vào làm lộn xộn cả thôn bản. Đỉnh điểm là bạn trưởng đoàn “phượt” còn lên sân khấu cầm micrô của ban tổ chức hướng dẫn mọi người xòe, chạy các kiểu rất lộn xộn”.

Mới nhất là một cô gái Hà Giang đã viết hẳn một bức thư đăng trên mạng xã hội Facebook gửi đến cộng đồng “phượt” về sự thiếu ý thức của một bộ phận bạn trẻ vô tư giẫm đạp, tàn phá và xả rác trong lễ hội hoa tam giác mạch ở tỉnh cực bắc Tổ quốc này với tiêu đề: “Các bạn đang làm gì trên quê hương tớ đấy”.

Trong thư, cô gái bức xúc: “Các bạn đi đến đâu hoa chết đến đấy, giẫm lên hoa, nằm lên hoa, ngủ trên hoa, chắc cảm giác này phải phiêu lắm các bạn mới làm như thế được. Các bạn có bao giờ nghĩ đến người dân nơi đây khổ sở, vất vả như thế nào mới trồng được những bông hoa như vậy không”.

“Chúng tôi không vơ đũa cả nắm nhưng dân “phượt” tự phát đã để lại rất nhiều hình ảnh xấu từ nhiều năm nay. Dù bị lên án, chỉ trích nhiều nhưng các bạn ấy vẫn muốn thỏa mãn cái sự tự do, vô trách nhiệm, thiếu ý thức của bản thân tạo nên những hình ảnh xấu, ảnh hưởng đến cả những cộng đồng “phượt” có văn hóa” - Nguyễn Huy Hùng (nhân viên truyền thông ở Q.3, TP.HCM) bức xúc.

Hai bạn trẻ đứng, ngồi trên tấm bia ghi lại lịch sử con đường Hạnh phúc do các chiến sĩ thanh niên xung phong làm trên đỉnh Mã Phì Lèn (Hà Giang) - Ảnh: Facebook

Hai bạn trẻ đứng, ngồi trên tấm bia ghi lại lịch sử con đường Hạnh phúc do các chiến sĩ thanh niên xung phong làm trên đỉnh Mã Phì Lèn (Hà Giang) - Ảnh: Facebook

Đi là để về, 
“phượt” phải có văn hóa

Đi là để về! Là câu nói vui mà các nhóm “phượt” hay bảo nhau khi xuất phát chinh phục một cung đường nào đó. Vì cái quan trong nhất của chuyến đi vẫn là đảm bảo an toàn cho các thành viên.

Trong chuyến leo đỉnh Phanxipăng (Lào Cai) vào đầu tháng 10-2015, chúng tôi gặp một đoàn “phượt” chủ yếu là sinh viên các trường đại học ở Hà Nội. Dù leo núi ròng rã hai ngày rất mất sức, nhưng cả đoàn vẫn quyết định đi xe máy vượt hơn 300km từ Sa Pa về Hà Nội ngay trong đêm. Theo lý do của một thành viên trong đoàn, ban đêm đường vắng đi nhanh để kịp về Hà Nội để sáng sớm thứ hai còn đi học (!?).

Nhắc đến vấn đề an toàn, anh Toại Nguyễn (biên tập viên của Phuot.tv) kể chuyện tháng trước nhóm phuot.tv có hành trình chinh phục ngọn núi nằm trong tốp những ngọn núi cao nhất VN. “Để thực hiện hành trình này phải trải qua nhiều thủ tục xin phép và chuẩn bị. Chúng tôi hạ trại nghỉ đêm khi đã đi được 2/3 đường...

Trưa hôm sau, chúng tôi đến một con suối khi ấy rất gần đến đỉnh núi nhưng dòng nước đang lớn do mưa từ sáng, chúng tôi vẫn có thể vượt qua con suối này. Nhưng nếu mưa rừng vẫn tiếp tục, nước suối dâng lên nữa thì hành trình quay về sẽ bị kẹt giữa rừng. Trong nhóm thảo luận và quyết định thuyết phục nhau quay về vì điều quan trọng nhất của khám phá vẫn là sự an toàn” - anh Toại Nguyễn kể.

Trong khi đó Nguyễn Tuấn Anh, admin một group phượt phía Nam, thu hút hàng nghìn thành viên theo dõi thì nhắn nhủ: về những chuyến đi hiện nay, các bạn trẻ tự phát cần nâng cao kỹ năng thực tế như sửa xe (cần thiết cho những chuyến đi xa), kỹ năng làm việc nhóm khi di chuyển theo đoàn, kỹ năng sinh tồn (kiến thức căn bản).

Việc mọi người nắm rõ những kiến thức nền tảng này sẽ là bước đà để các bạn có thể đưa những chuyến “phượt” lên sự chuyên nghiệp hơn là việc “xách balô lên và đi” một cách hời hợt và máy móc như hiện nay.

Bạn Quý Trần, chủ cửa hàng cà phê du lịch Bụi Xuyên Việt ở Hà Nội, cũng là một thành viên rất mê “phượt” thì cho rằng đam mê du lịch bụi khám phá đất nước rất tốt và ý nghĩa.

Tuy nhiên để những chuyến đi trọn vẹn, ý nghĩa, mỗi thành viên luôn giữ ý thức, xây dựng thói quen đảm bảo an toàn ở mức độ cao nhất.

“Mình hi vọng những hình ảnh “xấu xí” vừa qua trên cộng đồng mạng ở mùa tam giác mạch tại Hà Giang sẽ không còn xuất hiện trong những tháng phượt hoa cải, hoa hướng dương, hoa mận ở những tháng cuối năm sắp tới” - Quý Trần nói.

Một thực trạng nữa tồn tại nhiều năm nay của dân “phượt” là các chuyến đi thâu đêm với những người bạn vừa mới gặp.

Chỉ cần đăng một dòng tuyển thành viên cho cung đường nào đó, ít giờ sau đã có hàng chục thành viên vào đăng ký, thế là “bay đêm” cùng nhau. Trên các trang mạng xã hội của giới “phượt”, hầu như tuần nào cũng có những thông tin cảnh báo các đối tượng lừa đảo, gạ tình, ăn chặn tiền.

 
PHƯỚC TUẦN (phuoctuan@tuoitre.com.vn)

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất