Những tai nạn đau lòng xảy ra trên cung đường phượt

Tiin - 11/11/2015, 08:57

Trên diễn đàn phượt, có nhiều người vẫn nhắc nhở nhau: ‘Không phải cứ đi là sẽ đến’.

Ngày nay, đi phượt trở thành trào lưu, nhiều người đi phượt một cách ‘bạt mạng’, đi như 1 cách để thể hiện bản lĩnh của giới trẻ mà không hề có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Phượt mất kiểm soát, ai cũng có thể đi với hàng trăm nhóm, diễn đàn phượt mọc lên trên các trang mạng xã hội. Gần cuối tuần, người ta lại xôn xao rủ nhau kiếm xế, tìm ôm, đầu tuần sau lại hào hứng đăng ảnh, khoe ‘chiến lợi phẩm’.

Những chuyến đi bồng bột và thiếu sự chuẩn bị, tìm hiểu đã đưa đến nhiều hệ quả xấu. Năm nào cũng có những mảnh đời rất trẻ mãi mãi nằm lại trên những cung đường.

Tháng 7/2012, bạn gái với nick phượt Hanamichi.tron (phuot.vn) sinh năm 1991, đã qua đời vì kiệt sức trên đường chinh phục cực Đông của Việt Nam. Cụ thể giữa đêm ngày 20/7, thành viên này kiệt sức không thể đi lại và co giật. Khi liên hệ với bác sĩ và tìm cano về đất liền thì sau 10 phút nữ phượt thủ trút hơi thở cuối cùng.

Tháng 7/2013, chàng sinh viên Phạm Ngọc Ánh mất tích trong chuyến leo Fan cho đến nay vẫn bặt vô âm tín. Sau khi chinh phục đỉnh Fansipan, ngày 12/7, cả nhóm của Ánh cùng xuống núi. Đến trạm nghỉ chân ở mốc 2.800m, khi cả nhóm đang ngồi nghỉ, Ánh tách đoàn và mọi người mất liên lạc.

Chàng sinh viên mất tích trong chuyến leo Fanxipang.

Sự việc mất tích của Phạm Ngọc Ánh khiến dư luận xôn xao, vì đây là vụ mất tích đầu tiên và dài ngày nhất của du khách trong quá trình chinh phục đỉnh Fansipan. Vườn Suốc gia Hoàng Liên đã kết hợp cùng các cơ quan, ban, ngành tham gia tìm kiếm trong nhiều tháng nhưng đều không có kết quả.

Một sự việc đau lòng khác là của phượt thủ kì cựu Chu Hồng Đăng đã qua đời ngày bởi một tai nạn giao thông trên đường trở về từ chuyến phượt Lào Cai vào tháng 8/2013. Tai nạn xảy ra rạng sáng ngày 14/8 do cơn đau tim đột ngột khiến Đăng đang điều khiển xe đâm vào cột điện dẫn đến tai nạn. Vụ tai nạn đã làm hỏng bộ máy trợ tim được gắn trong lồng ngực Đăng và khiến anh qua đời.

Tháng 12/2013, tại địa phận huyện Lương Sơn, Hòa Bình, 1 xe trong đoàn phượt 60 người gặp nạn khiến Đặng Thị Thu Hiền (SN 1992), đang là sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên, quê ở TX. Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ tử nạn. Bạn đồng hành của Hiền là Đỗ Tiến Khải (SN 1995), quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định bị chấn thương sọ não.

Nữ sinh tử nạn trên cung đường Mộc Châu.

Tiếp đó, tháng 11/2014, 1 nhóm phượt gặp tai nạn ở Hà Giang khiến nữ phượt thủ xấu số tên G (sinh năm 1993, Hải Dương) qua đời. Bạn nam là Phạm S.T., sinh năm 1993, quê Thái Bình. T. là người điều khiển chiếc xe máy gặp nạn này và bản thân bị gãy xương đùi. Tai nạn được xác định do thời tiết sương mù nên 1 xe bất ngờ đâm phải xe tải ở đoạn cua cuối dốc, khu vực Hà Giang.

Nữ phượt thủ mãi mãi nằm lại ở Hà Giang.

Trước đó 2 tuần vào ngày 1/11/2014, anh Nguyễn Việt Anh (trú TP.HCM) đang chạy mô tô cùng nhóm phượt trên đường cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn đã qua đời sau tai nạn. Theo chia sẻ, chiếc mô tô của thanh niên này đã vượt xe tải cùng chiều rồi lao vào dải phân cách giữa đường.

Từ tháng 8-9/2015, rất nhiều vụ tai nạn chết người xảy ra tại đường xuống đèo Tam Đảo. Nguyên nhân được xác định do hầu hết các trường hợp đều do đi xe tay ga và tắt máy thả trôi dốc.

Gần đây nhất, một nam sinh trong lần đầu tiên đi phượt có tên Trần.T. (sinh năm 1996, sinh viên năm 2 trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) đã tử nạn trên cung đường Y Tý, Lào Cai ngày 7/11.

Nam sinh lần đầu đi phượt tử nạn

Nguyên nhân vụ tai nạn thương tâm được xác định do đường đi khá hẹp, chiếc xe máy của nạn nhân bị xe tải bất ngờ chèn ép khiến xe máy bị trượt bánh. Nam thanh niên bị xe tải chèn qua sau khi ngã và tử vong tại chỗ.

Những tai nạn thương tâm đã qua là những nỗi đau khó gọi tên của dân phượt, những người thân ở lại và cũng là hồi chuông cảnh báo với những bạn trẻ yêu thích du lịch bụi cần có trách nhiệm và bản lĩnh hơn trên mỗi cung đường.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất