Ít ai biết ở gần Hà Nội có ngôi làng cổ hơn 200 năm tuổi, đẹp như tranh!
Yên bình, tĩnh tại và đẹp đến nao lòng là ấn tượng của nhiều du khách khi lần đầu tiên đặt chân đến làng Nôm (Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên), một trong những ngôi làng Việt cổ đặc trưng xứ Bắc.
- Hà Nội: Lạ miệng, lạ mắt món gỏi sứa đậu phụ mắm tôm trên phố Hàng Chiếu
- Xúc xích Vietfoods chứa chất gây ung thư hầu như vắng bóng ở thị trường Hà Nội
- Sở Văn hóa Hà Nội làm rõ vụ thiếu nữ mặc bikini quảng cáo
- "Ăn" hoài niệm, ngắm ngày xưa với những quán cơm kiểu bao cấp ở Hà Nội
- Những dãy hàng bán hải sản ở chợ Hà Nội hiu hắt ế dài, họ biết kêu ai?
Ngày nhỏ, mỗi khi nghe câu ca dao "Đồng nát thì về cầu Nôm/Con gái nỏ mồm về ở với cha", tôi cứ thấy nó sao mà ác cảm với phụ nữ đanh đá. Một phần không thích, một phần thì tôi thấy khó hiểu vì chẳng biết địa danh cầu Nôm là ở đâu.
Mãi cho đến gần đây, vào một buổi chiều cuối tháng 4 mưa như trút nước, tôi mới có dịp theo chân một người bạn, về thăm làng Nôm (Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên), ngôi làng cổ đã sinh ra câu ca dao ngày nào.
Ngôi làng in hằn sắc màu thời gian qua 200 năm
Từ Hà Nội, đi theo Quốc lộ 5 chừng 20km, rẽ trái khoảng mươi cây số nữa là đến làng Nôm. Bước qua cánh cổng làng uy nghi, dáng điệu hoài cổ, một bức tranh thủy mặc hiện lên. Làng Nôm đẹp mộc mạc, yên bình và có phần hơi trầm buồn.
Cổng làng Nôm.
Ở đây, người ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, những ngôi nhà mái ngói đơn sơ...
... với vườn tược rộng rãi, mướt xanh như ngọc.
Vẻ mộc mạc mà từ lâu, đã khó tìm thấy ở những làng quê khác vùng châu thổ sông Hồng.
Điều đáng quý là ngôi làng này lưu giữ được rất nhiều di tích cổ kính có niên đại ít nhất là 200 năm. Tất cả đều nguyên dạng, phủ bụi thời gian. Về đây, người ta có cảm giác như, 200 năm qua chỉ như một giấc mộng ngắn ngủi. Thời gian qua đi, để lại cho nơi đây những nếp gấp với nhiều sắc màu khác nhau nhưng không hề thay đổi bất cứ điều gì.
Theo nhiều người già trong làng, ngay cả cánh cổng làng với bốn trục vuông chạm khắc nhiều họa tiết tinh xảo này cũng có tuổi đời hơn 200 năm.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nó vẫn chưa từng trải qua đợt trùng tu nào thực sự lớn lao.
Bước qua cổng làng là đến chợ Nôm. Những ai chưa mấy khi đi chợ quê, hẳn sẽ phải cả buổi say sưa ở đây. Chợ bán đủ mọi thứ, từ rau cỏ, thịt cá, còn có cả đồ rèn, quần áo, vật dụng gia đình. Những ngày phiên, vào các ngày có số cuối là 1, 4, 6, 9, chợ càng đông vui hơn. Xưa kia, nơi đây là một trong những trung tâm buôn bán sầm uất nhất vùng Văn Lâm.
Chợ Nôm.
Chợ Nôm với những hàng gạch đỏ au, lở vỡ theo thời gian.
Khác với chợ ở thành phố, chợ Nôm họp bên trong những gian nhà xây gạch không trát vữa. Màu gạch đỏ au, lở vỡ theo thời gian như một nét gì đó rất hoài cổ, xưa cũ. Giữa không gian tấp nập người nói cười, đâu đó những ánh lửa đỏ rực từ lò rèn duy nhất ở chợ phát sáng bập bùng.
Thế nhưng đến làng Nôm mà chỉ đi chơi chợ thôi thì uổng quá. Nghi đến câu ca dao ngày xưa thường nghe, tôi phải tìm cho được cây cầu Nôm. Hóa ra đó là chiếc cầu bắc qua sông Nguyệt Đức chảy quanh làng, gồm có 9 trụ xây bằng đá. Trên mỗi trụ cầu còn chạm khắc đầu rồng tinh xảo, người dân còn quen gọi nó với cái tên dân dã là cầu 9 đầu rồng.
Một chiều hạ khi mưa vừa tạnh, những bông hoa gạo đỏ rực phủ kín một vùng sân gạch cổ nhòa ướt nước. Cây gạo này bị bão đánh gãy ngọn nên dáng hình khá kì dị. Ấy thế mà hơn 100 năm qua, nó vẫn trổ hoa rất đều đặn. Mùa hoa năm nào, cây cổ thụ này cũng biến thành một mâm xôi gấc, đỏ rực một góc trời nhờ hàng trăm bông hoa gạo to xù xếp chồng lớp lên nhau.
Ánh chiều tà sương chiếu xuyên qua tán cây gạo, tạo nên những vòng sáng rất ảo huyền. Đi theo vùng nắng chiếu ấy, một ngôi chùa với Tam quan thuộc dạng to, cao nhất nhì Đông Nam Á hiện ra trước mắt tôi.
Cổng chùa Nôm.
Tháp đặt trống chùa.
Chùa có tên tự là Linh thông cổ tự, tương truyền xưa kia được xây dựng giữa một đồi thông bạt ngàn. Theo các tài liệu bằng văn tự chữ Hán, chùa được xây từ đời Hậu Lê. Thế nhưng, dựa vào hơn 100 bức tượng đất nung do chùa sở hữu, nhiều nhà khoa học cho rằng, rất có thể, ngôi chùa này đã có tuổi đời cả ngàn năm.
Thầy Thích Đồng Huệ (sư trụ trì), nói rằng, hơn 100 bức tượng điêu khắc tinh xảo ấy là báu vật của nhà chùa. Trải qua mấy trận lụt bão lớn vào các năm 1945, 1971 và 1986, nước ngập đến nóc chùa, cả trăm pho tượng đất này đã bị ngâm trong nước.
Chùa Nôm hiện đang sở hữu 122 pho tượng đất nung.
Mỗi bức tượng đều được chạm khắc với biểu cảm gương mặt phong phú, ấn tượng.
Ngoài chùa thiêng, làng nôm còn có di tích nổi tiếng khác là đình Tam Giang - một vị tướng của Hai Bà Trưng. Theo truyền thuyết kể lại, sau khi mất, vị tướng này có tâm nguyện được lập miếu thờ ở làng Nôm - nơi ông từng đóng quân và ngôi đình này cũng ra đời từ thuở ấy.
Đình có kiến trúc cổ với cây đa, giếng nước, sân đình rất đặc trưng của quê hương Bắc bộ. Ngay cả những cây đa ở đình cũng đã hơn 100 năm tuổi nhưng vẫn xanh tốt quanh năm. Buổi chiều muộn, đám trẻ con trong làng thường hay níu rễ đa làm đánh đu, nhào lộn, chơi đùa cùng nhau.
Ông Đông cho hay, năm 1924, đình trải qua đợt đại tu bổ. Từ đó đến nay, chưa có bất cứ chỉnh sửa nào. Đình và chùa của làng Nôm được công nhận di tích lịch sử Quốc gia năm 1994.
Cây đa cổ thụ hơn 100 năm ở sân đình.
Ánh nắng rọi chiếu qua những tán cây cổ thu, chiếu lên thành tường đình rêu phong cổ kính.
Ở làng Nôm thì hình như cái gì cũng cổ. Những cột đá, hay giếng cổ 200 năm, làng vẫn bảo tồn nguyên vẹn. Nhất là dọc bên hồ là những ngôi nhà cổ, hay nhà thờ tổ của tộc họ Nguyễn, Lê, Tạ, Đan tạo nên một vượng khí muôn thuở của thời gian và nói lên nét văn hóa độc nhất vô nhị ở cái đất kinh kỳ phố Hiến xưa nay.
Những ngôi nhà thờ của các dòng họ lớn trong làng.
Cuộc sống giản dị, đậm nét hoài cổ
Theo lời ông Phạm Bá Đông (49 tuổi, trưởng thôn Nôm), "tổ sư" nghề đồng nát cũng là từ làng này mà ra. Xưa kia, làng còn từng được vua nhà Nguyễn giao cho đúc tiền đưa về kinh thành, bởi dân ở đây có nghề đúc đồng tinh xảo vào loại sớm nhất nước ta.
Đến làng Nôm, tôi cứ tự hỏi chắc xưa kia làng này giàu có lắm. Bởi những mái nhà cổ khang trang, đình, chùa sơn son thiếp vàng uy nghi không thể không khiến người ta nghĩ đến quá khứ "vang bóng một thời".
Gian nhà của cụ Đích (một trong những ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi).
Nhà cổ của gia đình cụ Phùng Văn Long. Các ngôi nhà này đều có chung lối kiến trúc 5 gian, mái ngói thấp, sân rộng và lát gạch cũ. Ảnh: Thu Hường.
Ông Đông nói, xưa kia làng có nhiều người học hành thành đạt. Những ngôi nhà cổ còn lưu giữ đến hiện nay đều là nhà của các ông khóa, ông lý giàu có. Đình, chùa xây được đều nhờ có con em vinh quy bái tổ, gom góp tiền của xây cất mà thành.
Bây giờ thì cả nghề đồng nát, nghề đúc đồng đều bị mai một. Cả thôn chỉ còn 2 xưởng làm đồng và 1 vài nhà thu mua đồng nát nhỏ, lẻ. Nghễ cũ không còn, nếp gia trưởng cũng đã bớt đi nhưng nhịp sống ở đây thì vẫn còn nguyên dáng vẻ hoài cổ.
Chị Tâm hào hứng giới thiệu về ngôi nhà mới xây theo kiến trúc cổ của gia đình mình.
Chị Phùng Minh Tâm (một người dân trong làng) kể với tôi rằng, dù mới xây dựng nhà cửa nhưng gia đình chị vẫn lựa chọn kiến trúc nhà cổ, mái ngói, cột gỗ đặc trưng của xứ kinh Bắc.
Trong khi đó, ông Phùng Văn Long (88 tuổi, chủ một căn nhà cổ 200 năm tuổi) lại tâm sự, dù điều kiện kinh tế khá giả nhưng ông vẫn quyết không tu sửa căn nhà cũ vì muốn giữ lại những nét nguyên sơ quý giá. "Có người trên tỉnh về đây trả giá cả tỷ bạc căn nhà này mà tôi nhất định không bán".
Ông Đông tự hào nói rằng, làng Nôm là một trong những nơi sản sinh ra nhiều danh sĩ Bắc kì.
Nói về chuyện lưu giữ những kiến trúc cổ, ông Đông kể rằng, vài năm trước, làng xây mới lại trục đường chính. Tuy nhiên, dân làng vẫn thống nhất chọn lát gạch chứ không đổ bê tông, dù điều đó có thể làm đội chi phí lên cao hơn. "Thậm chí, chúng tôi còn không dám tôn nền đường vì nhà dân ở đây đều rất thấp do xây dựng từ rất lâu đời".
Năm 2014, dân làng cùng góp tiền xây dựng rất nhiều ghế đá vòng quanh làng, khiến nơi đây như một công viên, tiện cho người đến tham quan.
Nhịp sống yên bình ở làng Nôm. Mọi thứ ở đây đều rất mộc mạc, xưa cũ. ngay cả con đường mới làm lại cũng lát gạch chứ không bê tông hóa như nhiều nơi.
Ông Long tâm sự, hơn 80 năm qua, từ khi ông nhận thức được mọi thứ xung quanh, ông thấy làng Nôm ít có biến đổi. Đời sống tuy có phát triển nhưng nếu nói về cách sống của người dân thì dường như vẫn vậy. Họ vẫn sống nền nếp, gia phong, vẫn thật thà chân chất và chứa chan tình người. Con cháu ai cũng chăm ngoan, học giỏi và đi thoát ly rất nhiều. Ra thành thị, họ đều là những người thành đạt và mang tiếng thơm về cho ngôi làng cổ nổi danh đất Bắc này.
Video được xem nhiều nhất