Những dãy hàng bán hải sản ở chợ Hà Nội hiu hắt ế dài, họ biết kêu ai?
Những dãy hàng bán hải sản bình thường nườm nượp đông đúc thì vài ngày nay chẳng có mấy khách đoái hoài, có cố gắng giải thích nguồn cá nhập không phải từ những vùng nước nhiễm độc thì cũng chẳng ai tin...
- Trải nghiệm thú vị không không gian của quán cafe xe buýt ở Hà Nội
- Báo động ô nhiễm và phát hiện có thủy ngân trong không khí ở Hà Nội
- Giới trẻ Hà Nội đã có một ngày "quẩy" siêu vui ở hội chợ The New District
- Cận cảnh Chợ phiên Container ở Hà Nội: Đông nghịt ngay từ buổi sáng đầu tiên!
- Cuối tuần này, giới trẻ Hà Nội có nguy cơ "cháy túi" với 2 hội chợ to đùng này
Tình trạng cá chết trắng biển miền Trung, hậu quả có lẽ không chỉ người dân nơi đây phải hứng chịu mà ngay cả các tiểu thương kinh doanh cá biển ở Hà Nội cũng một phen lao đao. Những ngày này, phải ra đến chợ, người ta mới thấy là, câu chuyện cá chết ở miền Trung đang "nóng" biết nhường nào!
"Nhất định triệt để kiêng tất cả các loại hải sản"
Gần đây, thông tin về việc cá chết hàng loạt dọc ven biển từ Hà Tĩnh lan xuống các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế đang được các phương tiện truyền thông đại chúng cập nhật liên tục và nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân trên khắp cả nước.
Ngoài những thắc mắc về lý do xảy ra hiện tượng này, nhiều người đang hết sức lo sợ khi sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ biển. Lo nguy cơ bị nhiễm độc, thời gian này, nhiều bà nội trợ ở Hà Nội còn "rủ nhau" kiên quyết không mua hải sản để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.
Chị Phương cho biết, gia đình chị đang "nói không với thực phẩm biển".
" Mình sợ lắm, từ hôm đến giờ tuyệt nhiên không mua bất cứ loại hải sản nào, kể cả tôm, ngao, sò. Thậm chí đến cả nước mắm cũng sợ ", chị Phương (Nghĩa Tân, Hà Nội) tâm sự.
Cảnh vắng vẻ ở gian hàng hải sản tại chợ Nghĩa Tân.
Cùng chung thái độ lo lắng, bà Huệ (Thụy Khuê, Hà Nội) cho hay, gia đình bà vốn không thích đồ biển nên ít khi mua. Tuy nhiên, từ sau khi nghe thông tin về vụ cá chết hàng loạt, gia đình bà đã thống nhất là chỉ ăn rau, thịt và các loại cá nước ngọt, tuyệt đối không "bén mảng" đến đồ biển như tôm, cua, cá, mực...
Bà Huệ nói, gia đình bà cũng đang hạn chế tối đa các thực phẩm có nguồn gốc từ biển.
Không chỉ kiêng các loại cá đông lạnh vì sợ mua nhầm phải cá nhiễm độc chết dạt vào bờ, nhiều bà nội trợ còn kiêng cả những loại hải sản tươi sống vì lo sợ chúng đã nhiễm độc sẵn. "Mình sợ lắm, nghĩ rằng cá còn sống cũng có thể đã bị nhiễm độc ít nhiều nên tốt nhất là không ăn", chị Ngọc Lan (Nghĩa Tân, Hà Nội) nói.
Thậm chí, dịp 30/4 - 1/5, gia đình chị vốn định đi biển nghỉ dưỡng nhưng vì nghe tin cá chết nên phải chuyển địa điểm. "Vì đến biển mà không ăn đồ biển thì kì quá. Nhưng ngay tại Hà Nội này, mình còn sợ nói chi là mua cá tại miền Trung".
"Dù có gào lên là không buôn cá từ miền Trung, chúng tôi vẫn ế dài"
Dạo quanh các khu chợ như Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Bưởi, Nghĩa Đô (Tây Hồ)..., các gian hàng bán hải sản đều chung cảnh ế ẩm.
Chị Phương (một tiểu thương chuyên kinh doanh đồ biển tại chợ Nghĩa Tân) cho hay, mấy hôm nay, đồ biển bán rất chậm, nhất là các loại mực, bạch tuộc hay cá biển đông lạnh.
Gian hàng ngao, ốc của bà Đức ế dài, cả ngày không có khách hỏi mua.
Khung cảnh vắng vẻ ở các quầy bán hải sản tại chợ Bưởi.
Những khay mực tươi, ngon, cả ngày không ai hỏi đến.
Mực, ngao, cua, ghẹ đều nằm trong danh sách hạn chế của người dân Thủ đô.
"Riêng mực mỗi ngày chỉ bán được khoảng 1kg, trong khi giá nhập vào không giảm, vẫn là 200.000 đồng/kg nhưng lại ế ẩm, có lúc phải bỏ đi nên chúng tôi đang bị lỗ nặng", chị Phương nói thêm.
Tương tự, chị Ánh, một tiểu thương khác cho hay, những ngày này, người dân Thủ đô rất ngại mua cá biển. "Nhưng mình nhập đã đắt rồi nên cũng không thể bán phá giá được".
Chị Ánh luộc cua mang ra chợ ăn để chứng minh chúng không nhiễm độc như suy nghĩ của nhiều người.
Nhưng dù thế, chị vẫn phải chịu chung cảnh buồn bã, ế ẩm như nhiều tiểu thương khác.
Theo chị, ngoài những mặt hàng hải sản đông lạnh bị ảnh hưởng, ngay cả ngao, cua, ghẹ cũng ế thảm hại. "Chúng tôi lo lắm, nếu tình cảnh ế như thế này cứ kéo dài thì bọn tôi cũng phải bỏ nghề mất".
Không chỉ các tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân phải chịu nạn mà tại chợ Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội), nhiều tiểu thương bán hải sản đã phải bỏ nghề từ mấy ngày nay.
Chợ Nghĩa Đô, tiểu thương bán cá biển đã nghỉ, chỉ còn lại hàng bán cá nước ngọt.
Tiểu thương bán hải sản ở chợ Bưởi ngủ gật, không buồn bán hàng vì quá ế ẩm.
Bà Đức (72 tuổi, kinh doanh ngao, ốc tại chợ Bưởi) cho biết, gian hàng của bà, trước đây rất đông khách. Mỗi ngày, bà bán hết cả 30 - 40kg/ngao nhưng hiện nay đã giảm xuống chỉ còn 5-6kg/ngày. "Tạm thời tôi đang đẩy mạnh buôn ốc thôi còn ngao cũng phải giảm đi vì sợ ế, không bán được".
Khi được hỏi, rất nhiều tiểu thương kinh doanh hải sản ở Hà Nội đều khẳng định, hàng của họ đánh buôn từ Thanh Hóa trở ra Bắc, tuyệt đối không chịu ảnh hưởng của nạn cá chết ở biển miền Trung. "Tuy nhiên, dù chúng tôi có gào lên thì cũng không ai tin. Chúng tôi còn luộc cua, ghẹ ăn ngay tại chợ cho khách xem nhưng họ cũng không thèm nghe chúng tôi nói", chị Ánh bức xúc.
Theo chị, các tiểu thương ở Hà Nội không có lý do gì để buôn hải sản từ miền Trung ra đây vì nếu thế, chi phí sẽ đội lên rất cao.
"Người dân quên là ngoài Bắc cũng có biển, suốt dọc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định nữa thì cá đổ đi đâu. Họ cũng quên là không phải cái gì cũng độc. Nhưng tâm lý người dân chịu ảnh hưởng của đám đông nên chỉ khổ cho những tiểu thương như chúng tôi thôi", chị Ánh bày tỏ sự bất lực.
Video được xem nhiều nhất