Hà Nội: Lạ miệng, lạ mắt món gỏi sứa đậu phụ mắm tôm trên phố Hàng Chiếu
Không phải món cao lương mỹ vị nhưng gỏi sứa có lẽ cũng chỉ hợp với người sành ăn. Món ngon đặc sản Hải Phòng này khá dễ kiếm tại Hà Nội nhưng để tìm cho ra một hàng sứa chuẩn vị, chắc địa chỉ trên phố Hàng Chiếu, nổi danh mấy chục năm qua vẫn là nơi được nhiều người ưu tiên.
Lạ miệng gỏi sứa đậu phụ dừa non nổi tiếng đất Hà thành
Gỏi sứa đậu phụ, dừa non không phải món ăn khởi sinh ở mảnh đất Kinh Kỳ. Thế nhưng, kể từ khi được du nhập từ Hải Phòng về đây, món ăn vặt lạ miệng có màu đỏ quạch này đã làm say lòng biết bao người.
Những ngày Hà Nội chuyển nắng nhanh chóng khiến người ta cảm thấy ngột ngạt, bức bối, được ăn một đĩa sứa thanh mát, làm tan chảy cái nóng bên trong cơ thể... thật là tuyệt.
Hàng gỏi sứa ở Hà Nội không thiếu nhưng muốn được ăn một miếng ngon, nhiều người hay mách nhau đến ngõ 70, phố Hàng Chiếu để thưởng thức cái vị sứa độc đáo, lưu truyền hàng chục năm nay.
Thau sứa ngâm với nước nấu từ các loại lá có màu đỏ đặc trưng.
Theo lời bà Nguyễn Thị Minh (SN 1962, chủ hàng gỏi sứa), món ăn vặt này tuy nhìn đơn giản nhưng thực chất được làm rất kỳ công. Sau khi mua sứa từ biển về, người ta bắt đầu làm sạch rồi ngâm chúng trong nước lá lăng, vỏ sú vẹt, củ nâu, nước lá ổi.
Sứa sau khi ngâm có thể đem ra ăn ngay. Khi có khách gọi, người bán hàng dùng những thanh nứa sắc, cắt sứa thành từng miếng mỏng vừa ăn. Món này dùng kèm với đậu phụ nướng vàng, dừa non thái miếng mỏng, rau kinh giới, tía tô và mắm tôm.
Món sứa tươi bao giờ cũng được ăn kèm với đậu phụ nướng vàng và dừa non thái mỏng.
Thêm ít rau thơm, mắm tôm, ớt và chanh, món ăn này mới thực sự đầy đủ.
Mỗi lần ăn một miếng sứa, thực khách phải dùng đủ các thực phẩm đi kèm thì món ăn mới toát hết lên mùi vị của nó. Miếng sứa mát như thạch, giòn giòn, có vị hơi chát của lá lăng, lá ổi. Khi ăn kèm với đậu phụ, dừa lại có thêm vị bùi, béo ngậy và thơm. Thêm một chút rau xanh, món ăn sẽ trở nên thanh mát, không hề bị ngấy.
Đem miếng gỏi sứa ấy chấm cùng mắm tôm chua cay, có lẽ thực khách quên luôn mình chỉ đơn thuần đang ăn một miếng sứa đỏ và tanh nữa. Món ăn giờ đây đã được trộn lẫn từ rất nhiều thành phẩm với mùi vị đa dạng và bỗng nhiên, cái chất tanh, chát của sứa biến đi đâu mất.
Một người chưa bao giờ ăn sứa tươi, mới nhìn thấy thau sứa đỏ au, hẳn sẽ có chút e dè. Nhưng nếu mạnh dạn ăn thử, cảm giác sợ hãi ban đầu sẽ tan biến và nếu ăn lâu, nhiều người còn mắc nghiện, cứ đến mùa sứa vào tháng 3-4 hàng năm là phải "nhao lên" đi tìm.
Hàng sứa gia truyền tồn tại đã mấy chục năm
Quán gỏi sứa trên phố Hàng Chiếu thực ra chỉ là một gánh hàng rong vỉa hè do cụ Nguyễn Thị Gái (năm nay 90 tuổi) mở ra, truyền lại cho con gái là bà Nguyễn Thị Minh.
Trước kia, cụ Gái một mình theo chân người Hải Phòng học cách làm sứa. Đến năm gần 20 tuổi, cụ xin gia đình cấp vốn, bày một gánh hàng rong bán ở địa chỉ 62 Hàng Chiếu rồi sau đó lui về gốc cây xà cừ ngay đầu ngõ gia đình ở số 70.
Quán ăn của gia đình cụ Gái, hàng chục năm qua vẫn chỉ là gánh hàng rong nhỏ xíu bán vỉa hè.
Quán ăn nhỏ, chẳng có gì quá đặc biệt nhưng nhờ cách gia giảm vừa miệng, thực khách gần xa nô nức kéo đến. Ăn mãi thành quen, nhiều thực khách tâm sự rằng mỗi mùa sứa về, lúc lên cơn thèm, họ nhất định phải đến đây ăn mới đã.
Chẳng thế mà bà Minh nói, mỗi ngày, dù diện tích hàng quán chỉ rộng chừng 2 - 3m2 đất quanh cây xà cừ nhưng bà vẫn bán hết cỡ 60-70kg sứa tươi.
"Hôm nào tôi cũng bán từ 9h sáng đến 6h chiều mà chẳng bao giờ ế".
Để có món ăn ngon, tất cả các nguyên liệu từ chanh...
... Ớt.
... Hay dừa tươi đều được chuẩn bị rất kỹ càng.
Giá cả một đĩa gỏi cũng khá rẻ. Suất ăn đầy đủ với đĩa sứa đầy chỉ 30.000 đồng. Nếu đi hai người, bà Minh bán chỉ 20.000 đồng/suất. Giá rẻ nhưng nếu thực khách muốn gọi thêm một vài miếng sứa hay đậu phụ nướng, dừa non, bà Minh cũng chẳng lấy thêm đồng nào.
Khi có khách gọi, bà Minh và chị gái Nguyễn Thị Lập nhanh tay cắt sứa...
... Chuẩn bị thức ăn kèm.
Theo bà Minh, ăn sứa ngon nhất là ăn miếng bìa dày (bìa là thân sứa).
Bây giờ, cụ Gái đã già yếu, thi thoảng mới ra hàng phụ việc. Gánh hàng rong, cụ nhường lại hết cho bà Minh trông coi. Suốt từ đời cụ, truyền sang đời bà Minh, hàng chục năm qua, hương vị sứa tươi ở đây vẫn chẳng hề thay đổi.
Bà Minh nói nghề này chẳng nhàn nhã tí nào. Mùa sứa về, mình bà lặn lội về tận Hải Phòng lựa những miếng sứa ngon. "Sứa mua đã được ngâm sẵn rồi, mình đem về chỉ việc bảo quản và dùng dần nhưng nghề này còn phải mua bán rau cỏ, nướng đậu và quan trọng nhất là pha mắm tôm ngon".
Mùa sứa, quán ăn nhỏ của bà rất đắt khách. Thế nhưng, sứa chỉ có vài tháng nên dù bảo quản tốt cách mấy, bà cũng chỉ bán được đến hết tháng 6 dương lịch. Sau đó, quán ăn nhỏ này lại chuyển thành quán bún đậu mắm tôm vỉa hè.
Nhịp sống cứ thế qua đi bình lặng. Và năm nào, cứ đến mùa sứa, quán ăn nhỏ này lại trở nên đông đúc lạ thường, khơi dậy nỗi nhớ, cơn thèm ăn trong lòng không ít thực khách Hà thành.
Video được xem nhiều nhất