Vụ nam sinh tát bạn nữ trong lớp: Giới trẻ ngày càng bạo lực
“Các chàng trai đánh nhau, nữ sinh tát bạn, giới trẻ thời nay thích giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực quá”, một dân mạng nhận xét.
Có thể nói, bạo lực học đường không phải vấn đề mới nhưng chưa bao giờ hết nóng. Càng ngày, mọi người càng chứng kiến nhiều vụ việc học sinh đánh nhau, gây nhức nhối cho phía nhà trường và gia đình.
Đáng nói, hậu quả sau những việc này khá khôn lường, nhẹ chỉ bị trầy xước, nặng thì để lại di chứng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Hết nam đánh nam, lại đến nam đánh nữ
Chỉ cần gõ 4 chữ “bạo lực học đường” trên công cụ tìm kiếm, chúng ta có thể thấy hàng trăm nghìn kết quả chỉ trong vài giây. Bên cạnh nhiều trường hợp học sinh bị bắt nạt, đánh hội đồng, không ít vụ đánh nhau xảy ra chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ, không đáng có.
Những ngày đầu tháng 9 vừa qua, các diễn đàn lan truyền clip một học sinh nam tát bạn nữ cùng lớp nhiều lần, trước sự chứng kiến của các bạn trẻ.
Điều đáng nói, hành động không đẹp mắt này diễn ra ngay trong lớp nhưng không một ai can ngăn, bảo vệ nữ sinh. Thậm chí, nhóm học sinh còn quay clip ủng hộ, cổ vũ việc to tiếng, ẩu đả.
Sự việc ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dân mạng. Nhiều người cho rằng, chưa biết thực hư câu chuyện ra sao nhưng là con trai mà đánh con gái thì nhân vật nam trong clip đã sai. Tuy nhiên, cũng có người bày tỏ, bạn nữ cũng không hiền lành khi liên tục có những lời nói và hành động thách thức người bạn học của mình.
Trước đó không lâu, vào đầu tháng 4, clip quay cảnh một chàng trai bị nữ sinh “đàn chị” dồn vào góc tường đánh túi bụi với chiếc ghế nhựa trên tay khiến người xem phải không khỏi giật mình.
Theo đó, sự việc xảy ra tại trường tiểu học An Thạnh, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp). Nam sinh bị đánh tên C.V.H, còn cô gái ra tay đánh bạn là H.T.K.M. Cả hai đều là học sinh lớp 4.
Khi tìm hiểu nguyên nhân, lãnh đạo nhà trường cho hay, trong lúc đang chơi đùa, H. va trúng M. nên đã bị bạn nữ này đánh như vậy.
Sau câu chuyện trên khoảng một tháng, dư luận lại được dịp hoảng hốt khi một nữ sinh trường THCS 15/10 huyện Mộc Châu (Sơn La) tát bạn nữ cùng học 52 cái giữa lớp, trước sự chứng kiến của nhiều người.
Hành động này khiến nạn nhân chảy máu mũi và ảnh hưởng tinh thần không nhỏ. Nguyên nhân ban đầu chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ, lời qua tiếng lại trên Facebook.
Nữ sinh tát bạn học 52 cái tại Sơn La. Ảnh cắt từ clip. |
"Kẻ tám lạng, người nửa cân"
Nguyên nhân của những vụ bạo lực học đường được nhiều người cho rằng, có thể do các em vô tình bị ảnh hưởng từ các bộ phim hành động hay thực tế môi trường sống không lành mạnh.
Một số người nhận định, học sinh đánh nhau ngày càng nhiều do tâm lý thích thể hiện cái tôi cá nhân. Thế nhưng, độ tuổi xảy ra ẩu đả ngày càng nhỏ là điều khiến ai cũng phải ái ngại.
Không ít dân mạng lập luận, chưa nói đến việc ai đúng - ai sai, tuy nhiên, hầu như nạn nhân bị đánh hoặc tham gia đánh nhau đều không có ý nhún nhường đối phương.
Chị Lệ Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ từng chứng kiến sự việc hai nhóm nữ sinh hẹn nhau tại công viên gần nhà mình để giải quyết mâu thuẫn.
“Hôm đó, khi đang đi tập thể dục, tôi thấy 6 em đứng giải quyết mâu thuẫn với nhau. Toàn là học sinh nữ, cũng chạc tuổi con mình mà thấy các em ấy lời qua tiếng lại không thua kém nhau một câu nào. Về sau, do mọi người khuyên ngăn nên mới bỏ về.
Chẳng biết ai đúng, ai sai nhưng khi về nhà, tôi cũng dặn con trên lớp không nên tranh cãi hơn thua với bạn bè để tránh phiền hà”, người mẹ 35 tuổi kể.
Quay trở lại vụ việc, bạn nữ bị nam sinh tát liên tiếp giữa lớp, nhiều người cho rằng, nữ sinh này cũng không hiền lành gì qua những lời nói và hành động thể hiện trong clip.
"Mình có xem qua clip này rồi, bạn nữ kia không phải vừa đâu. Một câu nói ra được 10 chữ thì tất cả đều thô tục. Đành rằng đánh con gái là hành động không đúng, nhưng nếu ai là bạn nam kia chắc cũng nhịn không được, mình xem còn nhịn không được kiểu ăn nói như vậy", thành viên Tuan Doan Minh bình luận.
Hữu Thắng bày tỏ: "Bạn nữ kia rõ ràng là đang thách thức bạn nam. Không vênh lên cãi và chửi mà nhẹ nhàng nói chuyện thì cũng không đến mức phải chịu mấy cái tát như thế".
Tuy nhiên, một số ý kiến nhận xét, các em học sinh chưa đủ trưởng thành để hiểu được đúng đắn những hành động của mình nên trách nhiệm có lẽ thuộc về người lớn nhiều hơn.
"Mới tiểu học mà đã túm áo, cầm ghế đánh bạn, như vậy đã đủ để báo động tình trạng đạo đức của cả một thế hệ tương lai chưa? Đừng ngồi chờ thêm vài trăm, vài nghìn clip như thế này rồi mới lại bàn ra tán vào đủ kiểu. Các em học sinh có lỗi nhưng không hoàn toàn", nickname Mai Phạm nói.
Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội), một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực học đường hiện nay là do mâu thuẫn trên Facebook. Từ đó, nữ tiến sĩ gợi ý cách định hướng cho mọi người khi dùng mạng xã hội:
- Mỗi gia đình cần đặt ra những nguyên tắc để quy định cho các thành viên. Không đưa những thông tin cá nhân lên Facebook, đặc biệt thông tin về địa chỉ, thân thế, nơi làm việc thực tế ngoài đời.
- Không sử dụng ngôn ngữ thiếu lành mạnh khi bình luận hay đăng các bài viết trên mạng xã hội. Không phê phán, chỉ trích, xúc phạm cá nhân và tập thể trên mạng xã hội.
- Không chia sẻ ảnh của người thân, đặc biệt ảnh nhạy cảm của trẻ nhỏ. Điều này có thể sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho chính các em bé. Có những quy định rất cụ thể về việc trẻ nhỏ sử dụng mạng xã hội theo độ tuổi, trình độ học vấn và nhận thức của các cháu.
Video được xem nhiều nhất