Vụ 10x đi bar: Lỗi đâu phải chỉ mình các em

2 sao - 07/06/2016, 08:52

Chỉ "một phút" lơ là, những đứa trẻ hoàn toàn có thể bị dụ dỗ một cách dễ dàng, làm nên những điều "không tưởng". Thế nên trước hết, giáo dục trong gia đình là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên những đứa trẻ ngoan.

Đành rằng khó kiểm soát 

Những ngày qua, chùm ảnh nhóm học sinh mới chỉ học cấp 1, cấp 2 vào bar chơi được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Theo như một số thông tin ghi nhận, các em học sinh này vào bar M.D.B (Sài Gòn) để "quẩy" nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6. Hình ảnh những cô cậu học sinh nhỏ tuổi ăn mặc "mát mẻ", "lên tới nóc" gây ra nhiều luồng ý kiến phản đối, nhất là sự bức xúc của các bậc phụ huynh trong xã hội. 

 

Hình ảnh những cô cậu học trò "quẩy tới nóc" như người lớn trong vũ trườnggây ra nhiều tranh cãi.
 

Sau khi những hình ảnh này được chia sẻ rộng rãi trên mạng, hàng loạt những thắc mắc về nguyên nhân của vụ việc được nêu ra: Các em nhỏ này đạo đức như thế nào? Đi chơi có được gia đình cho phép không? Tại sao quán bar lại chào đón trẻ nhỏ?... 

Trước hết, không thể phủ nhận lỗi nằm ở chính những người trong cuộc, đó là các em học sinh. Trong khoảng độ tuổi 9-13, đại đa số học sinh đều là những trẻ em có suy nghĩ trong sáng, chỉ biết ăn và học, sống lành mạnh. Vì thế việc lên bar để "quẩy" được xem là một quyết định táo bạo của nhóm học sinh Sài Gòn. Trong khi người lớn luôn khao khát có được "một vé đi tuổi thơ" để được sống lại với những hoài niệm đẹp, thì những trẻ em này lại sống và hành động như người lớn, lên bar nhảy nhót, ăn mặc "mát mẻ", thậm chí hút shisha khiến nhiều người phải tròn mắt kinh ngạc.   

Việc các em nhỏ đi bar chơi trước hết là xuất phát từ mong muốn của bản thân, cũng có thể nghe theo lời rủ rê của một, hoặc một vài bạn bè trong nhóm. Vì thế nên hành động này thực sự khó kiểm soát, bởi rất có thể thầy cô và gia đình các em không biết được. 

Lỗi không chỉ ở trẻ nhỏ

Nếu chỉ định lỗi cho những học sinh thì còn có phần chủ quan và thiếu sót. 

Trên thực tế, các hộp đêm, bar sàn, vũ trường cả trong nước lẫn trên thế giới cũng đều có những quy định nghiêm ngặt về tuổi tác tham gia. Chẳng hạn như các quán bar, hộp đêm không bao giờ tiếp đối tượng khách là trẻ em, mà quy định rõ ràng độ tuổi được phép tham gia từ 16 hoặc 18 trở lên, tùy theo tính chất và hoạt động riêng. Thế nên, việc bar M.D.B cho phép nhóm học sinh vào trong là sai sót lớn. 

Theo như lời giải thích quản lý bar M.D.B: "Sự thật là các bạn trong hình chỉ xin vào quán để chụp hình thôi chứ quán không phục vụ các bạn ấy... Ngay khi đi qua quán thì các bạn ấy thấy có nhiều khách Tây bên trong nên ngỏ ý xin vào chụp hình. Lúc đó tôi nghĩ chỉ là chụp hình chơi nên cho chụp, chứ thật ra quán chủ yếu chỉ phục vụ khách Tây, không tiếp những bạn nhỏ tuổi... Shisha trong hình là của khách hút còn thừa, nên các em đến chụp làm màu, check-in cho vui đấy, chứ quán làm gì bán shisha cho trẻ con". 

 

 

Tuy nhiên, lời giải thích từ phía người này dường như không đủ sức thuyết phục dư luận. Bar đã quá dễ dãi khi đồng ý cho trẻ em vào trong. Hậu quả của việc này chính là chùm ảnh "thác loạn" xuất hiện và làm mưa làm gió trên mạng. 

Nếu bar không cho trẻ em vào trong thì câu chuyện nhức nhối đã chẳng thể xảy ra. Trong mỗi vũ trường, hộp đêm..., sự xuất hiện của những đối tượng xấu không còn là điều xa lạ. Giả sử nếu các em học sinh gặp chuyện, bị dụ dỗ, lợi dụng hay sàm sỡ... thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Cho phép trẻ em vào vũ trường ăn chơi chính là yếu tố làm bùng phát sự dạn dĩ, nổi loạn, "tiếp tay" tạo thói quen xấu cho thế hệ tương lai.  

 

 

 

Bên cạnh đó, việc dạn dĩ vào bar "xõa" ở độ tuổi "ô mai, xí muội" đã ngầm cho thấy những em học sinh ấy đang bị ảnh hưởng bởi những tiêu cực trong lối sống của giới thanh niên trong xã hội, ít nhiều chưa có được một nền tảng giáo dục hoàn cần thiết. Các em hoàn toàn biết được mình đang làm gì, nhưng lại không thể nghĩ một cách sâu xa về việc mình làm là đúng hay sai, phải hay trái... Đơn giản vì đã là trẻ em, cách suy nghĩ vấn đề đương nhiên còn nhiều nông cạn. Việc dễ dàng bị lôi kéo vào những thói hư tật xấu cũng rất dễ dàng.  

Ở một góc nhìn khách quan, xã hội hiện đại với nhiều tiêu cực, thái hóa đạo đức đã và đang làm cho trẻ em nhanh chóng bị "già hóa" so với thế hệ trước. Lối sống tôn thờ thần tượng cũng có thể khiến cho trẻ em bị "hư" một cách vô tình. Chẳng hạn những MV ca nhạc có những cảnh đấu đá, chém giết, yêu đương nông cạn, nhảy nhót bar sàn... hoàn toàn có thể tác động tới tâm tính và hành động của trẻ nhỏ. Trong tư duy của một số bộ phận các bạn trẻ thì cứ đánh nhau giỏi sẽ là anh hùng, cứ lên bar "quẩy" thì mới là hiện đại, hoặc cứ yêu đương là sẽ hơn bạn hơn bè...

Vai trò tối cao của gia đình

Câu chuyện học sinh cấp 1, cấp 2 đi "quẩy" trong bar cũng là hồi chuông cảnh tỉnh tới các bậc phụ huynh. 

Chỉ "một phút" lơ là, những đứa trẻ hoàn toàn có thể bị dụ dỗ một cách dễ dàng, làm nên những điều "không tưởng". Thế nên trước hết, giáo dục trong gia đình là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên những đứa trẻ ngoan. Khi trẻ em đang trong tuổi ăn, tuổi học, tuổi lớn, gia đình là nơi định hướng đạo đức tốt nhất, điều chỉnh những hành vi sai trái, suy nghĩ lệch lạc của con trẻ. 

Các bậc phụ huynh hãy tiếp xúc với con em mình một cách gần gũi nhất, hiểu được cách nghĩ của chúng và đưa ra những lời giải thích, lời khuyên chân thành để không tạo nên "phản ứng ngược", khiến con em ngày xa cách cha mẹ.

 

ĐT
Theo Vietnamnet

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất