Tự truyện Huyền Anh: Tôi từng nghĩ đến cái chết vì quá tin người

Ione - 24/05/2016, 09:46

"Tôi nghĩ đến cái chết, lần đầu tiên, sau những ngày dài chịu nỗi đau thể xác về phẫu thuật thẩm mỹ và nỗi đau tinh thần khi nhận ra mối quan hệ với mẹ nuôi rốt cuộc cũng chỉ là trò chơi, màn kịch của người nổi tiếng".

Cuối tháng ào tới nhanh như một cơn lốc. Đó là thời điểm tôi đối diện với nguy cơ bị tống cổ ra đường khi tiền nhà trọ không có. Tôi nhờ chị quản lý chuyển lời mong mẹ nuôi cho tôi mượn một tháng tiền nhà. Chẳng những không nhớ lời hứa như đinh đóng cột về chuyện giúp hai năm tiền nhà trọ như trước, mẹ nuôi giả lơ, coi như chưa từng biết có một đứa con gái nuôi thiếu thốn đến mức đó.

Tết năm đó, tôi muốn về quê nhưng trong túi gần như trống rỗng. Tôi tìm tới biệt thự mẹ nuôi ở. Mẹ đón tôi với nụ cười duyên đã thành thương hiệu.

- Con tìm mẹ có việc gì?

Giọng mẹ nuôi bỗng dửng dưng. Tôi lặng đi vài giây. Mọi ý định nhẹ nhàng xin xỏ, nhờ vả mẹ vừa chớm có trước đó ngay lập tức bị tắt dụi. "Hãy coi mẹ như mẹ của con. Hãy nghĩ tới mẹ, tìm đến mẹ bất cứ khi nào con muốn hay khi con khó khăn" - Mẹ nuôi đã từng nói những điều tuyệt vời như thế. Tôi nhớ như in nhưng chắc mẹ đã quên, hoặc đã cố tình quên mất. Những điều thân tình mà tôi trân trọng ấy rất có thể đã bị mẹ bỏ quên ở một xó xỉnh nào đó.

- Mẹ à, con không đòi hỏi mẹ chu cấp, giúp đỡ như mẹ đã hứa, nhưng bao lần con chụp hình quảng bá cho mẹ, con cũng phải có chút ít chi phí để sống chứ. Mẹ biết con mẹ có những bữa phải tính toán từng bữa ăn, phải nơm nớp lo đến hạn trả tiền nhà trọ - dù chỉ là một căn phòng rất chật chội không? Mẹ xem, năm hết Tết đến rồi, mà con thì…

Tôi nói liền một mạch và thở như kẻ hụt hơi khi ngừng lại. Tôi đã định nói với bà theo một cách khác. Cách thông thường của một đứa con có bà mẹ sẵn sàng dang tay khi nó khốn khổ chứ không phải bằng những lập luận rạch ròi như thế này. Cảm giác nhục nhã  ê chề, vừa cay đắng vừa căm giận xông lên khiến mặt tôi nóng bừng. Hẳn là nét mặt bất thường so với trước. Điều đó khiến mẹ nuôi bất ngờ chuyển sang thái độ thân mật, xởi lởi như trước đó. Mẹ nuôi ra chiều cảm thông, rút ví, dúi vào tay tôi xấp tiền mới tinh. Bà đếm đi đếm lại kỹ càng tới ba lần.

- Đây. Con cầm lấy. Chừng này chắc đủ để con chi tiêu.

Số tiền mẹ nuôi đưa tổng cộng 5 triệu. 5 triệu chỉ đủ cho tôi trả tiền nhà trong tháng, đến Tết, tôi vẫn không có đủ tiền để về với mẹ.

Huyền Anh trưởng thành, mạnh mẽ đứng dậy sau những vấp ngã đầu đời.

Huyền Anh trưởng thành, mạnh mẽ đứng dậy sau những vấp ngã đầu đời.

Sau này, tôi còn quay lại thẩm mỹ viện của mẹ nuôi để tháo gỡ tất cả những gì không phải của mình trên gương mặt. Đó cũng là lúc những bộ phận ấy bắt đầu có dấu hiệu biến chứng. Cũng từ sau việc tháo bỏ ấy, mối quan hệ mẹ nuôi - con nuôi gần như chấm dứt hẳn. Về sau, đến một lúc nào đó, mối quan hệ ảo ấy biến mất như chưa bao giờ từng tồn tại.

Mẹ nuôi đến bất thình lình và biến mất, thêm lần nữa để lại thương tổn cho niềm tin bị đánh mất trong tôi. Phải thừa nhận rằng, ban đầu tôi đến với mẹ như đến với một chiếc phao cứu sinh, một món hời lớn khi mình cùng đường. Nhưng những lúc gần gũi mẹ, tôi đã dần có cảm tình với bà bởi tấm chân tình mà bà dành cho. Tấm chân tình ấy thực sự chỉ là màn kịch. Phao cứu sinh lại bị hỏng. Cuộc đời có phải sân khấu đâu mà ai cũng diễn giỏi hơn cả diễn viên thế này?

Cho mãi tới sau này, tôi vẫn nhớ tới những lời hay ho của mẹ nuôi rằng: "Con phải đẹp và con phải giỏi thì  công chúng sẽ đón nhận con. Mẹ thương con và sẽ lo cho con về vật chất lẫn tinh thần". Câu nói ấy đăng đầy các báo. Càng nhớ, càng nghĩ, càng xót xa. Trong cuộc đời này, nhiều lần tôi đã gặp những lời nói không đi cùng hành động. Nhưng khi coi một người là mẹ nuôi, thực sự tôi có những suy nghĩ, tình cảm gần gũi như mẹ ruột mình. Vậy nhưng khi đã lợi dụng nhau, trong cuộc sống thực dụng này thì tình mẫu tử cũng bị đem ra lừa xảo. Và một con bé vẫn chưa qua tuổi hai mươi như tôi ở thời điểm đó thực tình không có khả năng, bản lĩnh nào để chấp nhận rằng đó chỉ là một cuộc chơi của những người muốn nổi tiếng.

Suy cho cùng, mẹ nuôi, người quản lý đến với tôi, cũng chỉ vì họ. Và đã có những lúc tôi có lợi cho họ. Ít nhất cũng là cái tiếng dính dáng đến Bi Ti. Nhưng khi Bi Ti không còn giá trị để lợi dụng, không có tình cảm thì lẽ dĩ nhiên, họ đâu cần can hệ gì vào cuộc đời của một con bé sinh viên hai mươi tuổi như hàng vạn cô bé sinh viên khác ở Sài Gòn này?

Tôi nghĩ đến cái chết, lần đầu tiên, sau những ngày dài chịu nỗi đau thể xác về phẫu thuật thẩm mỹ và nỗi đau tinh thần khi nhận ra mối quan hệ với mẹ nuôi rốt cuộc cũng chỉ là trò chơi, màn kịch của người nổi tiếng. Chỉ là nghĩ tới chứ may mắn, chưa bao giờ… thử. Khóc nữa ích gì. Khóc hoài cũng chán, mặt  mũi đã xấu sẽ lại càng xấu hơn. Gạch đá ngày ngày vẫn ném rào rào vào bất cứ hình ảnh nào, bài báo nào nhắc tới tôi. Có lần ngồi ăn trưa trong một quán cơm, hai chị ngồi  sau lưng tôi trò chuyện: "Ê, có con Bi Ti ấy, nó làm gì mà hết khoe không mặc áo ngực, vú to rồi giờ lại bị thẩm mỹ hỏng nữa chớ"; "Nghe đâu nó có bà mẹ nuôi tỷ phú tài trợ 2 tỷ để phẫu thuật đại tu toàn bộ mà?"; "Đại tu giề, có mà đại tu hú đấy"; "Ờ, loại con gái vậy có ma nào lấy"…

Đoạn hội thoại khiến miếng cơm trong miệng tôi bỗng chốc đắng nghét.

Trong những ngày bê bết ấy, có ngày tôi tìm tới một ngôi chùa. Ngồi mãi trong bóng tối cũng chán. Kết bạn với màn đêm thực sự là một tình thế bất đắc dĩ, không ai có thể như vậy mãi được.

Ở chùa, không mấy người nhận ra tôi. Đó là điều khiến tôi cảm thấy lòng mình được lắng lại, thanh tịnh và bình yên. Tôi đã ngồi rất lâu trong sân chùa thanh vắng, nhìn ngắm những đóa hoa sala đang âm thầm dâng hương. Hương hoa sala ngọt êm, màu hoa hồng dịu, như thể xoa dịu những ngổn ngang trong tôi phần nào. Tôi thắp hương cúng Phật, ngồi một lúc thật lâu trước tượng Ngài. Ánh hào quang của Phật lan tỏa. Tôi chăm chú nhìn ánh sáng kỳ diệu ấy. Và lâu lắm rồi trong tôi mới có một thứ cảm giác khác lạ. Cảm giác như có một bàn tay mạnh mẽ ân cần kéo mình lên. Không phải là cảm giác như có ai đó nhấn mình dúi dụi từ nỗi đau này qua nỗi đau khác như trước đó.

Tôi quy y, thỉnh tượng Phật về nhà để hương khói mỗi ngày. Tôi thỉnh những tập kinh Phật về, rồi ngồi chép lại. Ai đó nói rằng khi chép kinh Phật, ngẫm nghĩ về những điều Phật dạy và tặng những tập kinh mình chép cho người khác thì may mắn và bình an sẽ đến với mình. Tôi không nghĩ xa về may mắn, hạnh phúc, mà chỉ thấy cảm giác bình yên rất lâu rồi mới gặp được khi chép kinh, nghe nhạc Thiền và ngẫm nghĩ về lời Phật dạy.

Một lần lên chùa, khi suy nghĩ về cái chết vẫn lẩn quẩn trong đầu tôi thì một bác phật tử cùng ngồi bên băng ghế đá bắt chuyện.

- "Cô bé này, trẻ mà sao mắt buồn thế?".

- "Con buồn lắm bác. Buồn muốn chết".

- “Dễ gì? Nếu chết dễ như nói thế thì đâu còn gì để nói ha con. Nhìn con xem, con còn nhiều duyên nợ lắm. Rồi chuyện buồn của con sẽ qua thôi. Bác biết rồi con sẽ vượt qua, bằng chính đôi chân của mình. Xung quanh con vẫn có những người thương yêu và giúp con đứng lên mà. Rồi con sẽ đứng lên vững vàng, và lúc đó con hãy quay lại giúp đỡ người khác để trả nợ, nghen con gái?".

Giọng bác vẫn nhẹ nhẹ, đều đều. Tôi lặng đi nghe. Những tia nắng sáng mai mềm mượt rải quanh chỗ ngồi. Đôi khi thật lạ, trong lúc buồn chán, chỉ cần dăm ba câu yêu thương tin tưởng của người dưng cũng có thể khiến mình ấm lòng hơn. Chính vì thế mà mãi sau này, mỗi lúc buồn chán hay thành công, cả trên con đường đi thiện nguyện của tôi, tôi vẫn nhớ tới người lạ ấy. Bác như một ân nhân gieo ân cho tôi bằng những lời yêu thương, động viên đúng thời điểm.

Những lần lên chùa sau đó, tôi vẫn có thói quen nhìn về băng ghế đá dưới gốc cây sala ngào ngạt hương thơm để tìm lại bác mà mình từng có duyên trò chuyện. Không một lần nào gặp lại nữa. Gặp ai đó, trò chuyện với ai đó, có lẽ cũng là cái duyên. Đến tình cờ và đi tình cờ nhưng những dư âm thì còn lại mãi.

Có những khoảnh khắc rất ngắn ngủi trong cuộc đời này đến với bạn nhưng bạn  sẽ biết ơn mãi. Tôi bắt đầu tìm lại niềm  tin chỉ nhờ chữ duyên bé nhỏ với cuộc trò chuyện ngắn ngủi cùng một người lạ tốt bụng như thế.

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất