Trung thu là Tết thiếu nhi, cớ sao người lớn lại đi chơi nhiều?

Afamily - 21/09/2015, 08:43

Trẻ em dường như không còn là đối tượng thụ hưởng Tết Trung thu nữa, bởi sự... xâm lấn quá đà của người lớn vào ngày lễ này.

Trung thu vốn được xem là Tết của trẻ em, nhưng dường như những người lớn càng lúc càng thích "hưởng ké", nếu không muốn nói là đang "xâm lấn" thô bạo vào ngày Tết đặc biệt này. Và dường như, Trung Thu đáng biến thành... Tết của người lớn?
 

Trung thu


Trên những con phố kinh doanh đồ trang trí, vật phẩm Trung thu ở những thành phố lớn, không khó để nhìn thấy "rừng" người nườm nượp đổ về để hưởng không khí ngày lễ. Nhưng phần đông trong số đó là người lớn, chen chúc nhau để... chụp ảnh tự sướng và check-in Facebook hơn là tham quan, mua sắm các đồ chơi Trung thu cho trẻ nhỏ. Các khách hàng nhí nếu được đưa đến phố Trung thu chơi thường bị lọt thỏm giữa đám đông người lớn trên phố và ít có cơ hội được "dung dăng dung dẻ", thoải mái cùng bố mẹ chọn mua những món đồ chơi yêu thích. 

 

Trung thu


Tết Trung thu cũng đã trở thành một cái cớ không-thể-hợp-lý-hơn để giới trẻ đổ ra đường đi chơi. Với những người có đôi có cặp, dịp lễ thơ mộng này sẽ là một trong những dịp thể hiện tình yêu, ở bên nhau lâu hơn, đi chơi về khuya hơn thường lệ. (Đúng rồi, Tết trông trăng mà, phải ngắm tàn trăng rồi mới về được chớ!). Còn với những kẻ "già đầu" mà còn lẻ bóng, chẳng thể vô tư phá cỗ ở nhà hay tụ tập rước đèn với đám lít nhít hàng xóm nữa, chỉ còn cách ngậm ngùi hồi tưởng những mùa Trung thu cũ, đăng đàn tuyển "gấu" đi chơi cùng hoặc lập đàn cầu mưa cho... bõ ghét.

 

Trung thu


Tết Trung thu đâu thể là Tết của thiếu nhi nữa, khi người lớn đã biến chúng thành một dịp để biếu xén, nịnh nọt những người "có máu mặt" bằng những hộp bánh, món quà xa xỉ. Những sơn hào hải vị, những rượu ngoại đắt tiền "đội" giá bánh Trung thu lên đến vài triệu, thậm chí hàng chục triệu/hộp. Trẻ con, có chắc chúng được phá cỗ bằng những miếng bánh xa xỉ đó không hay đó chỉ là cách người lớn làm hài lòng nhau?

 

Trung thu


Cũng bởi sự xa xỉ của bánh Trung thu thời nay và cái sự "phú quý sinh lễ nghĩa", món bánh vốn là thức quà của đoàn viên, của ấm áp gia đình nếm lúc quây quần ngắm trăng, người lớn uống trà, trẻ nhỏ chạy lăng xăng chung quanh mâm cỗ với mấy quả hồng, trái bưởi, đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi..., nay đã trở thành món quà biếu đắt đỏ không-thể-thiếu mỗi dịp trung tuần tháng Tám. Và cũng chính bởi sự đắt đỏ ấy, nó nghiễm nhiên trở thành món đồ biếu... lòng vòng từ nhà này sang nhà khác. Để trẻ con ăn những miếng bánh đắt xắt ra miếng (theo đúng nghĩa đen) đựng trong những bao bì cầu kỳ ấy, cái gì sẽ chứng tỏ cho "tấm lòng thành kính", cho đẳng cấp của người lớn đây?

 

Trung thu


Tết Trung thu cũng là dịp những hãng bánh "tấn công" các công sở bằng những mẫu thử, bằng chiết khấu hoa hồng hấp dẫn. Nhiều cơ quan có văn hóa tặng nhân viên những hộp bánh Trung thu - như một món quà cho con trẻ, như sự quan tâm ý nghĩa đến những nhân viên cả năm làm việc chăm chỉ. Đó là một nét đẹp đáng yêu; nhưng đằng sau đó, câu chuyện chọn mua bánh hãng nào không đơn thuần dựa vào uy tín của nhãn hàng hay sự ngon lành của những chiếc bánh.

 

Trung thu


Với những đứa trẻ sống trong gia đình có kinh tế không quá dư dả, Trung thu thực sự có lẽ chỉ đến sau rằm tháng Tám, khi những biếu xén, những nghi lễ bày tỏ lòng thành kính của người lớn đã hết dịp, bởi đó là lúc bánh Trung thu sẽ trở về với giá trị, ý nghĩa thuần nhất của nó: là món ăn chơi của trẻ con, và phố Trung thu sẽ trở về với nhịp sống giản dị, trầm tĩnh thường ngày.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất