Một ngày bán được cao nhất là 2 đôi, có khi nhiều ngày liền chẳng bán được đôi guốc mộc nào, nhưng cụ Liên vẫn bám trụ với nghề suốt hơn nửa thế kỉ, với mong muốn lưu giữ nét văn hóa dân tộc qua đôi guốc mộc.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chẳng còn nhiều người nhớ về những tiếng lộc cộc của guốc mộc khi mang vào chân, thay vào đó là những đôi giầy cao gót hay giày búp bê với nhiều kiểu dáng và màu sắc bắt mắt khác nhau. Thế nhưng, có người lại quyết tâm gắn bó, bám trụ với nghề bán guốc mộc đến hơi thở cuối cùng, mặc dù biết chẳng còn ai chọn mua mặt hàng này.
Có nhiều ngày chẳng có khách nào mua guốc nhưng cụ Liên vẫn muốn bán để lưu giữ nghề.
Cụ Nguyễn Thị Liên (72 tuổi), là người bán guốc mộc cuối cùng ở mảnh đất Sài Gòn với bề dày lịch sử hơn 55 năm tồn tại. Giữa không gian rộng lớn xen lẫn với hàng trăm mặt hàng giày dép các loại, sạp guốc mộc vỏn vẻ 2m vuông nằm lọt thỏm trong chợ Bến Thành (quận 1, TP. HCM) của cụ Liên vẫn đìu hiu khách mua hàng. Đôi tay gầy gò, xương xẩu đã điểm những nếp nhăn theo thời gian, cụ Liên xếp lại số guốc mộc trong bao để lên giá bán.
Cụ bảo: "Trưng bày những đôi guốc này lên để cho khách đi qua lại ngắm cũng được, bấy nhiêu cũng đủ làm tôi vui rồi, vì ít ra nhiều người còn được thấy đôi guốc mộc một thời gắn bó với người phụ nữ Việt vẫn còn tồn tại mãi".
Đã biết bao năm tháng đi qua, với vô số mẫu mã thời trang giày dép ra đời nhưng tình yêu của cụ đối với những đôi guốc mộc vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Cốt cách của người phụ nữ Việt Nam trước đây đã in sâu trong tâm trí của cụ Liên qua tiếng lộc cộc của đôi guốc.
Guốc mộc chẳng còn ai mặn mà với nó nhưng cụ Liên vẫn muốn lưu giữ nó đến mãi về sau.
Cụ Liên kể: "Năm tôi 16 tuổi, đã theo một người cô ra chợ bán guốc vì quá mê loại hàng này. Sau khi cô mất thì toàn bộ sạp hàng này được chuyển nhượng lại cho tôi tiếp tục nối nghiệp. Gắn bó với nghề từ năm 1970, đến nay tôi đã đóng tới hàng ngàn đôi guốc cho khách, cũng từng chứng kiến mọi thăng trầm, lên xuống của nghề. Hiện tại, tôi chủ yếu đứng bán chứ không còn đóng nhiều như trước đây nữa vì mắt mờ, tay run hết rồi...".
Cụ Liên cho biết thêm, vào thập niên 80 được xem là thời kì thịnh hành nhất của guốc mộc vì nhiều yếu tố đem đến sự thành công rực rỡ của mặt hàng này. Thời này phụ nữ rất ưa chuộng bởi sự tiện lợi khi mang guốc mộc rất êm chân và tiếng kêu cũng khiến nhiều người thích.
Nhưng chỉ sau đó khoảng 10 năm thì chẳng còn mấy người mặn mà với nó nữa, vì thế sạp hàng guốc của cụ Liên ít khách hẳn cho đến ngày nay. "Một ngày tôi bán được cao lắm chỉ 2 đôi, có nhiều ngày chẳng bán được đôi nào, nhưng tôi vẫn cứ bán, vì còn có mình tôi trụ lại ở đất Sài Gòn này với nghề đóng guốc", cụ Liên bày tỏ.
Tại sạp của cụ Liên, guốc có rất nhiều mẫu mã để lựa chọn.
Nhiều người thấy cụ ngồi cả ngày nhưng chẳng có vị khách nào hỏi han, muốn khuyên cụ chuyển đổi mặt hàng kinh doanh nhưng cụ Liên nhất quyết không chịu. Cụ Liên muốn lưu giữ một nét gì đó thật xưa để người Việt trẻ sau này còn nhớ đến. Bên cạnh đó cụ cũng muốn đôi guốc của người phụ nữ Việt Nam được nhiều bạn bè quốc tế biết đến, chính vì thế cụ bám trụ mãi với sạp guốc ở chợ Bến Thành này đến nay.
"Bắt đầu từ năm 2000 trở lại đây, khách du lịch nước ngoài qua đây nhiều, và người ta rất thích guốc mộc Việt Nam bởi sự độc đáo rất riêng với các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, nên tôi mới ráng giữ được nghề cho tới bây giờ. Chí ít cũng quảng bá sản phẩm mang hồn dân tộc Việt Nam”, cụ Liên tâm sự.
Giá một đôi guốc cao nhất là 150.000 đồng.
Theo cụ Liên, mang guốc mộc sẽ thoải mái đôi chân hơn.
Chị Hà, cũng bán giày dép thời trang gần sạp guốc mộc của cụ Liên chia sẻ: "Cụ không có gia đình hay con cái gì, một mình lủi thủi làm bạn với hàng trăm đôi guốc mộc mỗi ngày. Ở đây ai cũng quý và ngưỡng mộ cụ lắm, vì chỉ còn mình cụ lưu trụ với nghề bán guốc này. Nhiều khi thấy cụ ngồi cả ngày không bán được đôi nào, nhưng vẫn không muốn chuyển đổi hay cho thuê lại sạp. Mong sao cụ được mạnh khỏe để còn nhìn thấy đôi guốc trường tồn mãi về sau".
Hiện tại cụ Liên sống với những người chị em, hàng ngày mở bán sạp guốc lúc 10h - 19h. Những đôi guốc được cụ Liên làm từ nhiều loại gỗ, nhưng chủ yếu là gỗ thông và gỗ xoan. Guốc có nhiều mẫu mã để khách hàng dễ lựa chọn. Đặc biệt mỗi đôi có khắc hai chữ "Sài Gòn" thân thuộc. Giá một đôi guốc từ 80.000 - 150.000 đồng. Tiền lời nếu bán được guốc cũng chỉ đủ trang trải cho những bữa ăn hàng ngày.
Cụ Liên cố gắng dùng vốn tích góp của mình để duy trì sạp guốc của mình suốt thời gian dài.
Guốc mộc như là một minh chứng để lưu giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc nhưng ngày nay nó dần bị quên lãng bởi sự xuất hiện của nhiều mặt hàng có thương hiệu, chất lượng. "Sau này già yếu không đi được không đến chợ bán được, cũng chỉ mong sao có người nối nghiệp với đôi "lốc cốc" này. Với tôi, đã xem như "hồn dân tộc" thì không muốn đôi guốc bị lãng quên". cụ Liên chia sẻ.
Gửi bình luận, thích và chia sẻ trên
Gửi bình luận, thích và chia sẻ trên
Video được xem nhiều nhất
Bình luận