Lượm lặt 20 điểm ăn vặt ngon-bổ-rẻ ở Sài Gòn
Bún vịt đường Lê Văn Sỹ, bún riêu chợ Bến Thành, bánh mì Huỳnh Khương Ninh... là những địa chỉ ẩm thực quen thuộc với nhiều thế hệ người dân TP HCM mà du khách không nên bỏ qua.
- Bộ kỷ yếu "nông dân Nam bộ" nhí nhảnh của teen Sài Gòn
- Lo sợ dãy nhà cổ 100 năm tuổi có nguy cơ đổ sập, người Sài Gòn kêu cứu
- "Người nghèo cứ phải mặc quần áo cũ mãi sao?" - Và gian hàng 5.000 đồng ra đời ở Sài Gòn như thế
- Có một Amanda Huỳnh "đi đi về về giữa Sài Gòn và Paris"
- Hành động xấu xí của nhóm sinh viên trên đường phố Sài Gòn
Bún vịt đường Lê Văn Sỹ: Quán bún vịt này nằm cuối hẻm 281 đường Lê Văn Sỹ. Quán bán từ 15h hàng ngày, nhưng từ 14h30 đã có người đứng chờ. Quán phục vụ bún và gỏi vịt. Điểm hút khách của quán là khả năng xử lý tốt mùi đặc trưng của vịt, khiến món ăn thơm, ngon, hấp dẫn.
Bún riêu chợ Bến Thành: Gánh bún riêu truyền kỳ trong lòng bao thế hệ người Sài Thành tọa lạc trên vỉa hè đường Phan Chu Trinh, đơn giản với nồi nước dùng bốc khói, một ít gia vị và kệ tô. Gánh hàng không có bàn cho khách ngồi, nên hầu hết mọi người sau khi nhận tô đều ghé lên xe, hì hụp húp. Tuy không thoải mái, bún riêu ngon, đậm đà nên nhiều người chỉ ghé đây khi muốn thưởng thức món ăn này.
Bánh mì Huỳnh Khương Ninh: Là tên gọi khác của bánh mì Bảy Hổ, xe bánh mì gần 80 năm tuổi thọ của Sài thành. Bánh mì tại đây khá nhỏ. Phần nhân chính là thịt luộc cùng nước sốt chế biến theo công thức gia truyền. Hiện gánh bánh mì này bán từ 7h-9h và 15-18h hàng ngày.
Mì cật Trương Định (Gần ngã tư Trương Định - Lê Thánh Tôn, quận 1): Là một trong những địa chỉ ẩm thực quen thuộc của thực khách Sài Thành, quán có cách bài trí khá đơn giản. Điểm nhấn của món ăn là phần cật được xử lý kỹ, nước dùng ngọt thanh và sa tế cay thơm.
Bún mọc Thanh Mai (ngã tư Trương Định - Nguyễn An Ninh, quận 1): Là quán bún mọc có tiếng ngay chợ Bến Thành, quán bán 5-14h. Từ khi mở bán đến lúc đóng cửa, quán chẳng mấy khi vắng khách. Điểm nhấn của món ăn chính là sự phong phú về hương vị của các loại chả, mọc ăn kèm.
Bánh mì Huỳnh Hoa (Nguyễn Thị Riêng, quận 1): Là một trong những tiệm bánh mì trứ danh của Sài thành. Theo đánh giá của nhiều người, giá một ổ bánh mì tại đây thậm chí mắc hơn tô phở. Bù lại, phần nhân bánh rất đầy đặn. Người khảnh ăn chỉ cần 1/2 ổ đã no bụng. Ảnh: Banhmiomoi.
Bún thịt nướng Bà Tám (Võ Văn Tần, quận 3): Ra đời từ năm 1945, đến nay quán vẫn chinh phục thực khách với miếng thịt nướng cháy cạnh được tẩm ướp vừa miệng, nước mắm đậm đà. Ngoài thịt nướng, quán cũng có các món như bún tôm, bún chả giò (ram)...
Chuối nướng (Võ Văn Tần, quận 3, gần ngã ba Võ Văn Tần - Cao Thắng): Dù quán chỉ trang bị một chiếc ghế phục vụ khách, số lượng chuối bán ra của quán phải tính đến hàng ngàn. Có được điều này nhờ khâu chọn chuối, chọn nếp và nướng đều được tiến hành cẩn thận, công phu.
Cháo lòng (Cô Giang, quận 1): Cháo tại đây được nấu theo kiểu Sài Gòn xưa, cho huyết vào khi nấu. Nhờ được xử lý kỹ nên cháo không có mùi tanh mà còn thơm đậm.
Cháo lòng Cô Ba (Nguyễn Huy Tự, quận 1 - gần ngã tư Nguyễn Huy Tự - Nguyễn Văn Giai): Quán có hơn 30 năm. Cháo được nấu theo phong cách miền Nam. Điểm nổi bật nhất trong phương pháp này là dồi heo không được nhồi bằng huyết mà dùng thịt thăn đã chế biến kỹ. Sau khi hấp chín, thành phần này cũng được chiên vàng để tăng thêm hương vị.
Cháo Tiều chợ Bàn Cờ (Bàn Cờ, quận 3): Cháo ở đây còn được nhiều người gọi vui là cháo giải cảm. Tên gọi này xuất phát từ việc người bán bỏ khá nhiều hành lá vào tô. Món cháo ở đây được nấu theo kiểu sơn thủy (gạo và nước tách riêng). Ăn kèm món cháo là thịt bằm, lòng heo, trứng gà...
Gà hấp muối Lão Mã (Lý Thường Kiệt, quận 11): Được xem như địa chỉ ăn gà ngon nhất nhì Sài Gòn, song quán gà hấp muối Lão Mã rất khó tìm. Quán có bán nhiều món, nổi tiếng nhất là món gà hấp muối với vị thơm, ngon của gia vị, dai chắc của gà.
Mì sủi cảo Hà Tôn Quyền: Con đường Hà Tôn Quyền, quận 5 còn được gọi la phố sủi cảo của TP HCM. Tại đây có hàng chục quán bán món ăn này. Đánh giá chủ quan, các quán đều lấy nguyên liệu, thành phần cùng một chỗ nên tạo hình, hương vị món ăn tương tự nhau.
Chè chảnh Nguyễn Phi Khanh (quận 1, gần ngã tư Nguyễn Phi Khanh - Trần Quang Khải): Là tên thực khách dành cho xe chè chỉ bán từ 14h hàng ngày. Xe chè chuyên phục vụ các món chè truyền thống như chè đậu xanh, đậu đen, bánh lọt... với độ ngọt, béo vừa phải. Tuy nhiên nếu đã ăn, bạn sẽ khó có thể quên được hương vị ở đây.
Bánh canh 60 phút Nguyễn Phi Khanh (quận 1, từ Đinh Tiên Hoàng quẹo vào, quán nằm bên tay phải): Quán phục vụ bánh canh giò heo chế biến theo kiểu Sài Gòn xưa. Bánh canh được cho vào nồi nước dùng có màu đỏ nhẹ. Khi khách gọi món, tùy yêu cầu mà người bán chọn miếng giò thích hợp (giò gân, giò nạc, móng).
Kem nhãn đường Trương Hán Siêu (quận 1, gần ngã ba Trương Hán Siêu - Định Tiên Hoàng): Đây là quán kem gắn với nhiều thế hệ người Sài thành. Ban đầu, quán chỉ phục vụ kem nhãn, sau đó, bán thêm cá và bò viên. Kem nhãn tại quán sử dụng nhãn tươi mang đến độ giòn, ngọt, lạnh lạ miệng.
Ốc Vĩnh Khánh (quận 4): Con đường Vĩnh Khánh được biết đến như nơi tập trung nhiều quán ốc nhất TP HCM. Tại đây, bạn có thể tìm thấy hàng trăm món ốc được chế biến theo nhiều cách khác nhau.
Cơm cháy Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần ngã tư nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi, quận 1): Hàng cơm cháy trứ danh của TP HCM đơn giản với chiếc bàn nhỏ kê dọc hàng rào của tòa nhà đang xây. Mỗi phần cơm cháy tại đây đầy ắp với cơm cháy, mỡ hành, ruốc, chà bông và có giá 35.000 đồng. Nếu mua gửi đi nước ngoài, bạn có thể yêu cầu người bán ép chân không. Ảnh: Tôn/ Yeah1.
Hủ tiếu càng cua chùa Thanh Xuân (Tôn Thất Thiệp, quận 1): Quán có tuổi thọ hơn 70 năm.
Quán bán nhiều dòng hủ tiếu và bún vàng. Theo chia sẻ của người bán, món được yêu thích nhất là hủ tiếu càng cua khô nhờ vị chua đặc trưng của nước sốt ăn kèm.
Hủ tiếu cá Nam Lợi (Tôn Thất Đạm, quận 1): Quán bán các món như hủ tiếu gà, bò kho..., song được yêu thích nhất là hủ tiếu cá. Điểm nhấn của món ăn là vị ngọt thanh của nước dùng, những lát cá lóc mỏng đến mức có thể trụng chín nhờ nước dùng.
Video được xem nhiều nhất