Điều gì sẽ đến nếu bạn nói dối khi phỏng vấn xin việc?

10/08/2022, 01:03

Có một nguyên tắc rất rõ ràng cho ứng viên là không nói dối khi viết CV ứng tuyển cũng như khi phỏng vấn xin việc. Tuy nhiên, nhiều ứng viên vẫn muốn “thêm thắt” nội dung không đúng sự thật nhằm ghi điểm với nhà tuyển dụng. Nhưng họ không biết rằng, với kinh nghiệm phỏng vấn hàng trăm lượt ứng viên khác nhau, nhà tuyển dụng dễ dàng “bắt bài” lời nói dối tiêu cực từ ứng viên.

Vậy điều gì sẽ đến nếu bạn nói dối khi phỏng vấn xin việc, dù là tham gia tuyển dụng việc làm ở Biên Hòa, Vũng Tàu hay TPHCM…?

Bị nhà tuyển dụng phát hiện

Nhiều ứng viên cho rằng, nói dối một chút sẽ không bị phát hiện mà được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Vì thế, trình độ ở mức A thì nói lên A+, kỹ năng ở mức B thì nói B++, kinh nghiệm chưa có nhưng vẫn nói dày dặn kinh nghiệm. Nhiều bạn thì nghĩ nói dối chẳng ảnh hưởng đến ai nên làm việc ở cấp nhân viên thì nói đã từng làm quản lý, mức lương 8-9 triệu đồng thì nói lên 15-20 triệu đồng. Thậm chí có một số điều nhỏ hơn như đến muộn buổi phỏng vấn do không căn giờ chính xác nhưng bạn lại lấy cớ là kẹt xe, va chạm trên đường… 

Điều ứng viên nghĩ là không bị phát hiện, vô hại hay chỉ nói dối những điều nhỏ vụn. Nhưng nhà tuyển dụng dễ dàng nhìn ra và sẽ nhìn bạn với ánh mắt khác. Bởi với kinh nghiệm phỏng vấn, họ chỉ cần quan sát thái độ, tác phong, trắc nghiệm một vài câu hỏi đã biết đâu là sự thật trong lời nói của ứng viên. Và khi bị nhà tuyển dụng “bắt bài”, bạn sẽ bị mất uy tín với họ và sau đó là một loạt khó khăn khác phải đối diện trong buổi phỏng vấn xin việc.

Ảnh hưởng tới chất lượng buổi phỏng vấn

Dẫu chỉ là nói dối ở mức độ nhỏ, nhưng khi bị phát hiện thì thiện cảm từ nhà tuyển dụng dành cho bạn sẽ nhanh chóng tụt dốc không phanh. Thay vào đó là sự dò xét khiến không khí buổi phỏng vấn xin việc trở nên căng thẳng. 

Nhà tuyển dụng không thoải mái chia sẻ hay trao đổi thông tin với bạn. Còn bạn thì vì tâm lý sợ bị phát hiện nên căng thẳng, mất bình tĩnh và liên tiếp mắc sai lầm. Thậm chí nhiều nhà tuyển dụng muốn kết thúc sớm buổi phỏng vấn. Vì thế chất lượng buổi phỏng vấn giảm sút, cơ hội việc làm cho bạn bị thu hẹp lại. 

Bị trượt buổi phỏng vấn

Bạn đừng nghĩ, nói dối một chút về thành tích, bịa thêm một kỹ năng hay trình độ chuyên môn sẽ dễ trúng tuyển hơn. Những lời nói dối này thực tế sẽ khiến bạn bị trượt phỏng vấn.

Bởi đó đều là nội dung “cấm kỵ” mà ứng viên không được nói dối. Dù trước đó, bạn có màn thể hiện rất tốt thì không nhà tuyển dụng nào muốn tuyển nhân sự không trung thực. Khi đó, công sức bạn đã dày công chuẩn bị cho buổi phỏng vấn sẽ mất đi, cơ hội việc làm bị đóng lại.

Ảnh hưởng đến uy tín cá nhân

Nhiều ứng viên suy nghĩ đơn giản, nói dối dù có bị phát hiện thì cũng chỉ có nhà tuyển dụng biết nên sẽ không bị ảnh hưởng gì ngoài việc trượt buổi phỏng vấn đó. 

Thực tế không đơn giản như vậy. Các nhà tuyển dụng thường có mối quan hệ rộng nên việc nhà tuyển dụng các công ty quen biết, chia sẻ thông tin với nhau là bình thường. Khi đó, bạn sẽ đối diện với nguy cơ “bị lộ” lịch sử nói dối. Với lịch sử đó, bạn vô cùng khó khăn khi đi xin việc ở công ty khác.

Vì thế, bạn không chỉ bị mất một việc làm mà đối diện với nguy cơ ảnh hưởng tới sự nghiệp. Trên thực tế đã có trường hợp tự hủy hoại sự nghiệp chỉ vì một lời nói dối trong một buổi phỏng vấn.

Nguy cơ bị sa thải

Nhiều bạn “may mắn” nói dối trót lọt trong buổi phỏng vấn và trúng tuyển. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là sự không trung thực đó có tác dụng giúp bạn lọt vào vòng trong, mà thực tế nó sẽ còn tác hại nhiều hơn.

Vì trong buổi tuyển dụng bạn trót “chém gió” kỹ năng, trình độ cao nên được giao công việc vượt sức. Khi làm việc chính thức, bạn lại không hoàn thành được công việc đúng tiến độ và chất lượng công việc thấp. Đồng thời bạn có thể rơi vào trạng thái tâm lý không phù hợp như lo lắng, sợ hãi…

Với tâm trạng đó thì rõ ràng, bạn không thể hoàn thành tốt công việc chưa kể tâm lý, sức khỏe đều ảnh hưởng và có thể phải tự xin nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực này. Về lâu dài, nếu bạn không tự nghỉ việc thì nhiều khả năng cũng đối mặt với việc bị sa thải. Nguyên nhân không chỉ bởi bạn nói dối mà vì bạn không đủ năng lực làm việc. Khi đó thì cả sự nghiệp, danh dự, uy tín của bạn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trên đây là một số hậu quả bạn phải đối mặt nếu nói dối trong buổi phỏng vấn xin việc. Tất nhiên không phải việc gì bạn cũng nói “thẳng tuột” nhưng rất khó có một lời nói dối nào là vô hại. Vì thế bạn cần hết sức lưu ý và cân nhắc để không mắc phải sai lầm.

Nguyễn Lý

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất