Đàn ông Việt thấp hơn so với chuẩn quốc tế 11cm

Kiến thức - 11/10/2015, 08:53

Mặt bằng chung về tầm vóc, chiều cao nam, nữ thanh niên Việt Nam, đặc biệt là đàn ông Việt thấp hơn rất nhiều so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

Tại Chương trình “Sữa học đường- Vì tầm vóc Việt” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức tối 9.10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ thực tế: Trẻ em lứa tuổi học đường ở Việt Nam, nhất là trẻ ở độ tuổi từ 2 tới 12 tuổi có tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi còn khá lớn. Đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi.
 
“Những ai đã từng đi tới các xã vùng 3 đặc biệt khó khăn đều lo ngại khi thấy những đứa trẻ lớp 4, lớp 5 nhưng vẫn nhỏ bé như học sinh lớp 1, 2 ở thành phố do thiếu dinh dưỡng”, bà Tiến chia sẻ.
 

 Chiều cao của trẻ em Việt Nam chỉ có thể cải thiện nhờ chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thể lực. Ảnh: D.Thu.

Theo bà Tiến, qua so sánh mặt bằng chung về tầm vóc, chiều cao thanh niên Việt Nam, trong đó có đàn ông Việt, kết quả cho thấy, chiều cao của người Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
 
Cụ thể: Chiều cao trung bình của đàn ông Việt Nam là 1,62 mét, của phụ nữ là 1,468 mét, đứng gần áp chót trong khu vực ASEAN. Trong khi đó, chiều cao trung bình của dân số thế giới là 1,73 mét đối với đàn ông và 1,6 mét đối với phụ nữ.
 
Do đó, các chuyên gia đã biên soạn ra Đề án "Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030” theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, mục tiêu đặt ra là nâng cao tầm vóc người Việt với chiều cao trung bình sẽ tăng thêm 2,5 – 3,5cm vào năm 2030.
 
Trong Đề án, các chuyên gia chú ý đến "Chương trình sữa học đường cho học sinh mẫu giáo và tiểu học". Bởi theo đánh giá của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đây là Chương trình dinh dưỡng rất hiệu quả và cần thiết đối với trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học.
 
Tại Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn TH đã xây dựng mô hình điểm Chương trình Sữa học đường tại Nghệ An với các đề xuất khả thi về cơ chế tài chính, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ mọi trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học uống sữa tại trường.
 
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mô hình này có ý nghĩa nhân văn và có thể nhân rộng. Bộ sẽ xem xét chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp triển khai Chương trình trên cơ sở đồng thuận, tự nguyện, vì lợi ích tốt nhất của học sinh.
 
Bộ trưởng Bộ Giục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định: “Đóng góp này giúp đẩy mạnh tiến trình đổi mới giáo dục toàn diện. Đổi mới không chỉ về chương trình học, thi cử mà còn đổi mới giáo dục thể chất”.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất