Cựu binh Mỹ và lớp học tiếng Anh 0 đồng ở Việt Nam
Hơn 40 năm sau khi trở về nước từ cuộc chiến tại Việt Nam, cựu chiến binh người Mỹ Paul George Harding không lúc nào thôi day dứt, cho rằng việc tham chiến tại Việt Nam là sai.
Không lúc nào thôi ám ảnh
Paul George Harding (SN 1948) từng là lính nhảy dù thuộc Lữ đoàn không quân 173, tham chiến tại chiến trường Bình Định - Lâm Đồng từ 1969 đến 1970.
Dù quãng thời gian tham chiến ở Việt Nam không nhiều, nhưng nó đã trở thành nỗi ám ảnh suốt đời của người cựu binh già, phá hủy sự bình yên trong tâm hồn ông.
“Khi đó tôi còn quá trẻ, và đối với một người lính trong quân đội thì họ luôn tin rằng lý tưởng của đất nước, của quân đội họ là đúng, và vì vậy tôi đã sang Việt Nam”.
Ảnh: An Ninh Thủ Đô.
|
Sau hơn 1 năm tham chiến, chứng kiến sự đau thương, mất mát của cả quân đội Việt Nam và Mỹ, Harding dần nhận ra sự tàn bạo của đế quốc Mỹ, sự sai lầm của mình và ông đã quyết định rút khỏi Việt Nam.
Đến giờ, những hình ảnh lính Mỹ tra tấn, hành quyết, giết chóc người Việt Nam vẫn rõ mồn một trong tâm trí ông: “Tôi ám ảnh nhất là hình ảnh một đứa bé được một người thân cõng trên lưng chạy khi bị lính Mỹ truy đuổi. Người thân của đứa bé ấy đã bị lính Mỹ giết rất tàn bạo trước mặt bé.
Vốn rất yêu trẻ con, nên khi thấy đứa bé gào khóc thảm thiết, tôi đã đến gần với ý nghĩ dỗ dành nó. Nhưng đứa bé coi tôi là kẻ thù, nó vô cùng tức giận, căm thù tôi.
Trong cuộc đời mình, tôi chưa từng thấy đứa trẻ nào tức giận với tôi như thế. Sau này khi lập gia đình, có con, tôi càng thấm thía nỗi đau của cô bé, càng day dứt hơn vì bất kỳ đứa trẻ nào cũng không đáng phải chứng kiến cảnh đó. Suốt từ đó đến nay, tôi luôn ám ảnh và tự hỏi không biết bây giờ cô bé đó thế nào” - Paul kể.
Sau khi trở về nước Mỹ, ông tham gia các hoạt động phản đối Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Cũng từ đó, ông luôn nuôi ý định sẽ trở lại đất nước nhỏ bé ấy để làm một việc gì đó bù đắp những sai lầm của mình. Sau khi nghỉ quản lý ở công ty riêng, tháng 12/2014, ông đáp chuyến bay tới Việt Nam để thực hiện ý định của mình, vợ cũ và các con cũng ủng hộ quyết định của ông.
“Mới đầu, tôi đã định đặt một khách sạn ở gần Thư viện Quốc gia để có thể đến đây đọc sách, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Nhưng cuối cùng, tôi đặt nhầm một khách sạn (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy). Ở đây, mọi người rất chào đón tôi, một cô bé ở trường Đại học Y đã dẫn tôi đến Thư viện Quốc gia để nghiên cứu”.
Ông cũng chia sẻ rất bất ngờ khi đến Việt Nam, bởi ông không thể hình dung một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh nặng nề như vậy lại có thể phục hồi và phát triển nhanh đến thế.
Người Việt Nam rất tốt bụng, bao dung, họ không hề oán hận gì người Mỹ. “Tôi đã gặp rất nhiều cựu chiến binh Việt Nam, ngay một ông làm ở tổ dân phố, rồi ông chủ nhà tôi đang thuê trọ, đều là cựu binh chống Mỹ. Họ rất chào đón, còn mời tôi uống nước và giúp đỡ rất nhiều. Tết năm vừa rồi, tôi có về Nghệ An, người dân ở đây rất vui, họ chào đón và đều mời tôi đến đón giao thừa cùng”.
Ông kể thêm: “Tôi đi thăm thú một số nơi ở Hà Nội, trao đổi với một số bạn trẻ và nhận thấy nhu cầu học tiếng Anh của người Việt Nam rất lớn, nhưng để có thể được học với người bản địa họ phải bỏ ra một số tiền rất mà không phải ai cũng có.
Vì vậy ở các khu vực có nhiều khách nước ngoài, các bạn trẻ rất muốn đi theo, trò chuyện với khách nước ngoài chỉ để luyện tiếng Anh. Tôi nghĩ mình sẽ mở một lớp tiếng Anh miễn phí ở đây.
Trong một lần ăn cơm bụi, tôi gặp Huyền (quê Nghệ An), sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân. Tôi đã trao đổi ý định này với Huyền, và cô ấy cũng rất ủng hộ. Huyền đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày, cũng như việc tổ chức các lớp học. Hiện, cô ấy là trợ lý cho tôi” - Paul kể tiếp.
Ảnh: An Ninh Thủ Đô.
|
Chưa bao giờ mệt đến thế, chưa bao giờ hạnh phúc đến thế
Giờ đây, những người dân sống quanh khu vực phường Trung Hòa đã quá quen với hình ảnh một ông Tây già cao lênh khênh với nụ cười rất dễ mến, thân thiện, cứ chiều chiều lại đi bộ đến phòng họp tổ dân phố để dạy tiếng Anh miễn phí cho bất cứ người nào.
Cũng bởi thế mà khi chúng tôi đến, dù không được hẹn trước, nhưng chỉ hỏi đến ông Tây dạy tiếng Anh là chúng tôi đã dễ dàng được chỉ vào tận nhà trọ ông thuê trong con ngõ ngoằn nghoèo.
Ông Paul kể: Được sự ủng hộ, giúp đỡ của cô bé Huyền, ông đã bắt tay ngay vào việc, mới đầu là một nhóm chỉ có vài người lấy địa điểm ở một quán cà phê được chủ cho mượn. Thấy được sự nhiệt huyết và hiệu quả của những buổi học, số người biết và theo học ngày một đông, ông quyết định thuê một căn nhà với nhiều phòng để dạy nhưng vẫn không đủ.
Cuối cùng, nhờ sự trợ giúp của UBND phường Trung Hòa, ông mượn được một địa điểm ở phòng họp tổ dân phố số 9. Đến nay, số người tham gia lớp học lên tới hàng trăm người, mỗi tuần ông dạy trung bình 8 buổi.
Học viên lớp học của ông nhỏ nhất là 4 tuổi, lớn nhất có người đã ở tuổi thất thập, đa phần là người dân quanh phường Trung Hòa, nhưng có rất nhiều người lớn tuổi từ tận phố cổ cũng hằng ngày đến đây học, ai cũng hào hứng, chăm chú lắng nghe. Chứng kiến một buổi học của ông Paul mới thấy hết sự nhiệt huyết không vụ lợi của ông.
Để tăng hứng thú cho người học, và phát triển khả năng nghe nói, ông luôn cố gắng tạo nên không khí vui vẻ, gần gũi, thậm chí sẵn sàng hóa thân thành những con vật, miêu tả bằng những hành động thậm chí có vẻ kỳ quặc để học viên dễ hình dung và tự tin hơn trong giao tiếp.
Điều đặc biệt là ông rất thích các đề tài liên quan lịch sử Việt Nam, và ông đã bỏ ra rất nhiều công sức để nghiên cứu về lịch sử Việt Nam các giai đoạn kháng chiến để truyền đạt lại cho học viên. Số học viên tìm đến lớp học ngày càng đông, không chỉ vì lớp học là miễn phí, mà còn bởi sự nhiệt huyết đặc biệt của người thầy kỳ lạ này.
Paul rất chú trọng phần phát âm tiếng Anh, vì vậy tự ông cầm micro tới vị trí ngồi của từng học viên để nghe họ đọc và chỉnh sửa cho từng người.
“Tôi luôn muốn truyền cảm hứng cho mọi người, nên chân tay tôi luôn phải hoạt động. Tính ra mỗi buổi học tôi đi bộ khoảng 4 km.Tôi chưa từng nghĩ nó lại mệt đến thế, từ khi đến Việt Nam tôi đã giảm mất 15 kg cân nặng rồi.
Tôi thấy công việc chưa bao giờ vất vả như thế, chưa bao giờ kiếm được số tiền ít như thế, đó là con số 0 nhưng chưa bao giờ thấy hạnh phúc như thế. Tôi yêu công việc này, tôi yêu Việt Nam. Tôi sẽ ở đây cho đến khi nào Chính phủ các bạn đuổi tôi, tôi có rất nhiều thứ muốn làm cho các bạn” - Paul hào hứng chia sẻ.
Hiện nay, lớp học tiếng Anh của Paul lên đến gần 400 học viên, và vì vậy ông đã phải tạm dừng để xin giấy phép. Trong thời gian lớp học bị gián đoạn, ông và một số tình nguyện viên đã tiến hành ghi hình những video dạy tiếng Anh để phổ biến trên mạng Internet với mong muốn có nhiều người được tiếp cận học tiếng Anh hơn.
Khi chúng tôi đến, giữa cái nắng gần 40 độ như đổ lửa của Hà Nội, người thầy giáo đặc biệt mồ hôi đầm đìa, dù không bật quạt vì sợ ảnh hưởng đến việc ghi hình, nhưng vẫn vui vẻ hoàn thành công việc của mình. Ông nói đùa, ở Việt Nam ngại nhất là thời tiết quá nóng.
Ông Paul cũng chia sẻ thêm dự định của mình trong tương lai, không chỉ duy trì lớp học miễn phí này mà còn muốn mở thêm nhiều lớp học tương tự trên địa bàn Hà Nội, thậm chí ở các địa phương khác, với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên của mình. Ông muốn làm hết mình, để dự định ấy sớm thành hiện thực, bởi theo ông thì “tôi không còn nhiều thời gian nữa”.
Video được xem nhiều nhất