Cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam nói về “người đàn ông tiêu xài giản dị nhất”

Afamily - 21/07/2015, 08:28

Đằng sau công việc nhiều người mơ của cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam Nguyễn Quang Đạt, ít ai biết rằng đó là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ và những bài học sâu cay mà anh chàng sinh năm 1991 học được từ chính gia đình mình.

So với bạn bè cùng trang lứa, chàng trai 9X Nguyễn Quang Đạt nổi lên như một hiện tượng bởi mặc dù ở độ tuổi rất trẻ nhưng đã nhận được sự tín nhiệm để trở thành "cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam”. Phía sau những mỹ từ mà mọi người hay nhắc về mình, Quang Đạt cho rằng tất cả thành công có được cho đến ngày hôm nay, phần lớn đều từ nỗ lực của chính bản thân. Ngoài ra, những bài học từ gia đình, đặc biệt là của cha mẹ đã giúp cho chàng trai 24 tuổi này nắm bắt được cơ hội quý giá để vươn lên.
 
Có một chi tiết khá thú vị không nhiều người biết về tổ ấm của chàng cơ trưởng điển trai này, đó là Đạt không phải là người đàn ông duy nhất trong nhà làm việc trong ngành hàng không. Bố của Đat từng là phi công quân sự, sau đó chuyển sang làm phi công thương mại, hay nói cách khác, chàng trai Hà Nội may mắn khi có một người bạn lớn, một “đồng nghiệp lớn” để cùng chia sẻ nhiều thứ trong cuộc sống. Nói về bố, Nguyễn Quang Đạt không giấu được sự nể phục tới “người đàn ông tiêu xài giản dị nhất” mình từng biết. 
 
cơ trưởng trẻ nhất việt nam

Ở tuổi 24, Quang Đạt đã trở thành cơ trưởng trẻ nhất việt nam.

Nhìn vào những gì bạn đang có hiện nay: ngoại hình, công việc tốt, thu nhập ổn... nhiều người liên tưởng đến một cậu thiếu gia con nhà giàu có với cuộc sống sung túc, được mọi người bệ đỡ từng chút một. Thực tế cuộc sống của bạn có được “trải lụa hồng” như vậy?
 
- Tất cả những gì mình có ngày hôm nay chắc phải có đến 98% là có được từ những nỗ lực của chính bản thân. Trong 6 năm mình gắn bó với công việc này, những căng thẳng trong thi cử, những áp lực về tài chính là những thứ mình và gia đình phải đối mặt. Không thể phủ nhận những sự giúp đỡ của anh em bạn bè người thân của gia đình trong thành công ban đầu của mình, nhưng không có nỗ lực bản thân thì công việc của mình thực sự sẽ không đi tới đâu hết.
 
Những người biết về gia đình mình, chắc không ai dám dùng từ "thiếu gia nhà giàu" cho mình. Mẹ mình giờ 53 tuổi, mỗi ngày vẫn phải đi làm gần 20km bằng xe máy. Bố thì cũng thức khuya dậy sớm về công việc, và là người tiêu xài giản dị nhất mà mình biết. Cả gia đình mình ai cũng phải làm việc, và làm việc vất vả, để có một cuộc sống tốt. Nên chắc từ "đại gia" là quá xa xỉ để sử dụng.
 
Bạn có chia sẻ khi đang học Đại học Ngoại thương thì bạn bỏ ngang để theo đuổi con đường trở thành phi công và được cả gia đình ủng hộ. Bạn nhớ và biết ơn nhất điều gì từ bố mẹ về quyết định của mình?
 
Bố mẹ dạy cho mình bài học về thời cơ. Nếu như ngày cơ hội học phi công đến với mình mà mình ko chớp lấy, chắc không biết giờ mình đang ở đây. Rất có thể là cuốn theo dòng các bạn trẻ thử việc, nhảy việc và mông lung với cuộc sống. 
 
Quá trình theo học đào tạo phi công tại nước ngoài của bạn có gian nan, vất vả lắm không? 
 
- Không phải vất vả, mà là cực kỳ vất vả. Mình không nói là vấn đề ăn ngủ nghỉ rồi làm thêm này kia, vì để nói thì môi trường học tập là rất tốt. Nhưng kiến thức thì rất khó. Mình học ở New Zealand - một trong những quốc gia đòi hỏi cực cao về kiến thức chuyên môn khi lấy bằng phi công. Trong gần 2 năm ở New Zealand, mình thường xuyên có cảm giác như mình đang luyện thi đại học. Học ngày học đêm là chuyện bình thường. 
 
Lý thuyết có phần khó thì thực hành thì rất căng thẳng. Hàng không mà, an toàn là tuyệt đối nên nhất nhất cái gì cũng phải chuẩn mực. Mỗi ngày đi bay cũng giống như một ngày đi thi, vì nếu không hoàn thành tốt thì sẽ phải bay lại, đồng nghĩa với mất tiền giống như thi lại.
 
Bạn đã tự xoay sở ra sao nơi đất khách khi không còn được bố mẹ bao bọc, nhất là khi còn ở độ tuổi trẻ như vậy?
 
- Mình chưa bao giờ là đứa trẻ được bao bọc nên khi sống một mình, mình thấy tự tin và thoải mái. Từ bé học cấp 1, vì bố mẹ đi làm cả ngày, mình và chị đã thay nhau nấu cơm và làm việc nhà. Trong 12 năm đi học phổ thông, chưa lần nào mình có bố mẹ đưa đi đón về. Cho nên lớn lên bị đưa tới một môi trường tự lập, mình thấy thích nghi rất đơn giản.
 
Bố và mẹ, ai là người có ảnh hưởng đến bạn nhiều nhất trong nhà?
 
- Chắc là mẹ. Vì thời gian mình chia sẻ với mẹ nhiều hơn.
 
cơ trưởng trẻ nhất việt nam

Quang Đạt bên mẹ và chị gái

 
Vậy còn bố bạn thì sao? Hình ảnh của bố trong mắt bạn từ trước đến nay là gì?
 
- Bố mình là đồng nghiệp của mình, cũng là người gắn với nghiệp bầu trời. Hình ảnh của bố trong mắt mình như mình nói là một con người giản dị. Nếu như mình cực kỳ may mắn trong công việc, sự nghiệp của mình cho đến nay cảm ơn ông trời phù hộ đã thẳng băng như đường cao tốc. Còn cuộc đời bố thì gập ghềnh gian nan hơn nhiều lần. Bố giản dị từ cách ăn uống chi tiêu cho đến đối nhân xử thế, lúc nào cũng mở lòng giúp đỡ người khác nên bố đi đâu cũng có bạn bè. 
 
Có kỷ niệm nào khiến bạn không bao giờ quên khi nhắc về bố?
 
- Hồi mình còn bé, bố hay xa nhà, cả tháng về một lần nên thời gian ở cạnh bố cũng cho mình những cảm giác rất “tuổi thơ”. Như những ngày mùa đông Hà Nội rét căm, ba bố con nằm chung một chiếc giường, đắp chung một chăn ấm ơi là ấm. Hay những lần không nhiều đi chơi với bố, được bố đưa đi chỗ này chỗ kia...
 
Nhưng về kỷ niệm không bao giờ quên thì chắc là những cuộc nói chuyện khi hai chị em lớn hơn một chút. Bố là người nghiêm khắc, lúc nào cũng rắn rỏi và không bộc lộ tình cảm. Nhưng cũng có đôi lần bố thể hiện con người ở bên trong cái lớp vỏ "xù xì" hàng ngày của mình, thì những câu chuyện lúc ấy, cử chỉ và cảm xúc của bố, mình rất khó có thể quên được. Lúc ấy giúp mình hiểu tình cảm và những lo lắng trằn trọc của bố để lo cho hai chị em, nỗi buồn của bố khi hai đứa thiệt thòi so với những người khác trong chuyện này chuyện nọ. Mình đã hiểu được những khó khăn của bố, cuộc đời và câu chuyện của bố. 
 
Với những quyết định quan trọng của cuộc đời, bố có giúp bạn định hướng? Bạn học hỏi được điều gì từ bố của mình?
 
- Nhìn vào những câu chuyện của bố, mình học được cực kỳ nhiều điều. Mình học bố cách sống hòa đồng giản dị với mọi người, rằng hãy cứ mở lòng ra giúp đỡ cuộc đời, thì sẽ có lúc tất cả những phúc đức ấy sẽ quay trở lại với mình. Không ai nghèo vì cho đi cả.
Nhưng cũng từ những gian nan của bố, mình có những bài học riêng từ những điều mình có thể làm tốt hơn, rút kinh nghiệm cho bản thân từ những câu chuyện của bố là người đi trước. Những bài học cả tốt lẫn xấu là những kinh nghiệm sống quý giá mà bố cho mình, giống như hành trang để bước vào đời vậy. 
 
Theo bạn, bố là người có vị trí ra sao trong cuộc đời của mỗi đứa con?
 
- Với một đứa con, đặc biệt là con trai, mẹ là người yêu thương, bố là người định hướng. Với mình thì bố giống như những dây buộc để uốn nắn những cành cây từ lúc bé, mẹ giống như ánh nắng và dòng nước cho cây lớn lên. Thiếu một trong hai, không thể tạo nên một cái cây vừa khoẻ mạnh vừa có thế đứng đẹp, có giá trị. 
 
Bố còn giống như một trang sách cuộc đời, con trai đọc nó để mà tự rút ra kinh nghiệm cho cuộc sống của mình, để rồi lại trở thành trụ cột của gia đình, lại được những đứa trẻ mới âu yếm gọi là Bố.
 
Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện! 
 
cơ trưởng trẻ nhất việt nam

Bố của Quang Đạt cũng là người gắn với nghiệp bầu trời

 
cơ trưởng trẻ nhất việt nam

Đạt và chị gái thời còn nhỏ

 
cơ trưởng trẻ nhất việt nam

Cơ trưởng trẻ nhất việt nam thuở ấy...

 
cơ trưởng trẻ nhất việt nam

....và bây giờ

 
cơ trưởng trẻ nhất việt nam

 

cơ trưởng trẻ nhất việt nam
 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất