Xôn xao mùa chia tay

Dân trí - 28/05/2015, 08:44

Những ngày cuối tháng 5, các trường THPT trong cả nước đồng loạt tổ chức lễ bế giảng năm học. Bên cạnh những hình ảnh khóc cười, viết lưu bút chia tay... gắn với sự trong sáng, mộng mơ của tuổi học trò, mùa bế giảng năm nay còn có những điều khiến phụ huynh sốc. >> Giọt nước mắt phút chia ...

Ngày tri ân, hướng thiện

 

Những năm gần đây, nhiều trường THPT trong cả nước tổ chức ngày hội chia tay, với sự tham dự của các phụ huynh, dành cho học sinh lớp 12 như Ngày hội Made in 12 của trường THPT Hà Nội Amsterdam, Ngày hội Tôi 18 của trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), Lễ trưởng thành và tri ân của trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội)...

 

Trong những ngày hội, các trường tổ chức hoạt động thi đua, biểu diễn văn nghệ, những tấm bảng lưu những tâm sự... tạo cơ hội cho học sinh lớp 12 bày tỏ lòng biết ơn công lao dạy dỗ của thầy cô giáo, trân trọng công sinh thành nuôi dưỡng của bố mẹ, ông bà; khắc sâu tình bạn trong sáng của những năm học chung dưới mái trường THPT.

 

Giây phút lưu luyến của học sinh lớp 12 trong lễ chia tay. Ảnh: Xuân Tùng.
Giây phút lưu luyến của học sinh lớp 12 trong lễ chia tay. Ảnh: Xuân Tùng.

 

Ngày hội còn là dịp để thầy cô nhắc nhở, động viên học trò chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới của cuộc đời. Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An chia sẻ những lời tâm huyết: “Các con học sinh lớp 12 đang sống trong những thời khắc đặc biệt quan trọng của cuộc đời. Các con đã trải qua tuổi học trò với 12 năm đèn sách, từng bước từng bước lớn khôn.

 

Giờ đây, đã đến lúc các con phải tự chọn cho mình con đường riêng để bước đi trên đó, nhằm thực hiện những ước mơ, khát vọng của đời người”.

 

Ngày đánh dấu khép lại tuổi học trò còn là dịp để mọi người hướng tới điều nhân ái, từ bi. Thầy cô giáo và học sinh trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) thực hiện hoạt động thả chim phóng sinh trong lễ bế giảng.

 

Là người khởi xướng ý tưởng, cô giáo Văn Thùy Dương (giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh) cho hay: Việc thả chim phóng sinh, ngoài những ý nghĩa to lớn theo quan điểm của nhà Phật, còn mang ý nguyện của thầy cô gửi đến các học sinh hãy sống biết hướng tới điều thiện, những giá trị nhân văn để làm nhiều điều tốt hơn cho chính mình và người xung quanh.

 

“Trước cánh cổng bước vào đời, cô trò chúng tôi làm việc thiện, hy vọng cả cuộc đời các con sẽ nhớ và cố gắng làm được nhiều việc thiện hơn nữa. Mỗi khi làm được một điều tốt, hãy biết hạnh phúc. Làm điều xấu phải biết hổ thẹn”, cô Dương bộc bạch.

 

Sốc với nụ hôn chia tay

 

Trong dịp bế giảng năm học ở trường THPT thời gian gần đây có không ít hình ảnh lưu lại kỷ niệm bằng cách “đụng chạm cơ thể”. Xuất hiện trên các trang tin điện tử, diễn đàn, mạng xã hội là hình ảnh học sinh mặc đồng phục ôm, hôn môi ngay giữa sân trường.

 

Với trường Tr.P (Hà Nội), hình ảnh “khóa môi” không chỉ riêng năm nay mới có. Năm trước, trường Tr.P sốt với hình ảnh cảnh hai học sinh mặc áo đôi và hôn nhau giữa sân trường để ghi lại dấu ấn ngày chia tay mái trường THPT và ghi dấu mối tình học trò.

 

Mới đây, cộng đồng mạng sốc hơn với trước việc nam thanh niên (tự nhận là nam sinh một trường THPT tại Đà Nẵng và là nhân vật trong ảnh) đăng tải lên facebook ảnh hôn... mông nữ sinh trong lễ bế giảng. Ngoài ra, những năm gần đây, không phải hiếm hình ảnh phản cảm là nam sinh, nữ sinh viết lưu bút, ký tên trực tiếp lên bộ đồ đang mặc trên người khác, ở những vị trí nhạy cảm của cơ thể.

 

Trước các hình ảnh chia tay nhạy cảm trên, nickname Cuongzydus thể hiện ý kiến bằng thơ: “Chắc là bọn tớ nhà quê/Hoặc là ảnh hưởng thói lề cha ông/Chia tay hôn hít mặn nồng/Theo mình như thế là không hay mà/Có câu “Nhất quỷ, nhì ma/Hồn nhiên trong sáng thứ ba học trò”/Nên giữ vẻ đẹp ngây thơ/Một thời áo trắng mộng mơ thuở nào”.

 

Giảng viên trẻ Hồng Minh (CĐ Sư phạm Thái Bình) cho rằng, đối với học sinh, nhất là năm cuối cấp, việc quan trọng nhất là học tập và thi cử.

 

Bạn bè có tình cảm và thể hiện tình cảm yêu mến nhau là điều tốt đẹp nên làm, nhưng cần có chừng mực trong giới hạn của tình cảm bạn bè. Dù trong dịp nào, hoàn cảnh nào cũng không thể ôm hôn nhau khi đang mặc áo đồng phục học sinh và ngay giữa sân trường đông bạn bè, thầy cô.

 

Từng biết và gặp trường hợp hai học sinh cùng lớp có tình cảm với nhau, nhưng cô giáo Văn Thùy Dương không cho phép việc gần gũi quá mức, luôn nhắc nhở để các bạn hiểu việc giữ khoảng cách.

 

Theo cô Dương, tùy vào đối tượng và ý nghĩa văn hóa mà nụ hôn có kiểu riêng. Nụ hôn chia tay giữa hai người bạn thường chỉ có ở phương Tây có kiểu riêng, nụ hôn giữa hai người yêu nhau lại có kiểu riêng.

 

Ở nước ta, thường thì thể hiện tình cảm, nhất là tình yêu bao giờ cũng kín đáo bởi đó là sự riêng tư. Hãy biết trân trọng nụ hôn, cái ôm để ta có thể trao nó cho người mà ta yêu nhất, không phải chỉ là cảm tính.

 

“Không ai cấm học sinh có tình cảm với nhau, nhưng làm sao để chúng ta có tình cảm, thể hiện tình cảm không bị lạc lõng trước bản sắc văn hóa và trước đám đông là điều học sinh phải học và phải có ý thức. Không phải cái gì du nhập ở nước ngoài về cũng tốt. Việc học sinh hôn môi chia tay là không phù hợp”. Cô giáo Văn Thùy Dương, Trường PTTH Lương Thế Vinh.

 

Theo Mai Xuân Tùng

Tiền Phong

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất