Thầy giáo, phụ huynh, học sinh nói gì về "nụ hôn ngày bế giảng"?

Tiin - 27/05/2015, 13:43

Nhiều người cho rằng 18 tuổi thì chuyện ôm hôn là bình thường nhưng nhiều người lại thấy phản cảm.

Khi những tiếng ve bắt đầu râm ran, khi chùm phượng vĩ bung màu đỏ rực cũng là lúc báo hiệu hè về, mùa hè – mùa thi và cũng là mùa của chia ly. Những ngày qua hàng loạt những bức hình lưu giữ khoảnh khắc chia tay nhau của các bạn học sinh cuối cấp làm bất kì ai trong chúng ta cũng không khỏi bồi hồi xao xuyến.

 

Đó là những cái ôm siết chặt chẳng nỡ rời, vì ngày mai tôi và bạn chắc chẳng còn chung lối, là những giọt nước mắt khẽ lăn, là những dòng lưu bút truyền nhau… tất cả những hình ảnh ấy thật đẹp, thật trong sáng. Nó gợi cho chúng ta cảm giác được trở về với những ký ức học trò hồn nhiên.

 

Trong giây phút xúc động lúc chia xa, không ít cặp đôi đã trao nhau những nụ hôn nồng thắm ngay giữa sân trường đông thầy cô bạn bè. Những hình ảnh đó nhanh chóng được ống kính ghi lại và khi nó được chia sẻ trên mạng đã lập tức gặp phải những bình luận trái chiều.

 

Có nhiều người tỏ ra thông cảm vì cho rằng thời khắc dễ xúc động như vậy, nụ hôn thể hiện tình cảm là điều dễ hiểu. Nhiều trường ở nước ngoài, điều đó hoàn toàn bình thường và có thể chấp nhận được. Nhưng khá nhiều học sinh và các phụ huynh lớn tuổi thì cho rằng việc thể hiện tình cảm như vậy ngay ở trường giữa toàn thể thầy cô, bạn bè hoàn toàn không nên và dễ gây phản cảm.

 

Ý kiến về nụ hôn tuổi học trò trong lễ bế giảng 

Hình ảnh các bạn học sinh ôm hôn ngay giữa sân trường đang nhận được những ý kiến trái chiều.

 

Vậy những người trong cuộc hay những người đã từng trải qua cái tuổi “nhất quỷ nhì ma” họ nói gì về điều này, cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.

 

Đối với những cô cậu học trò, hầu như các em đều cho rằng hành động ôm hôn nhau “thân thiết” quá mức ở trường là không phù hợp với lứa tuổi và làm mất đi sự trong sáng vốn có của tuổi mộng mơ. Bạn Hồng Nhung lớp 11 trường THPT Lê Quý Đôn TP.HCM cho rằng: “Em nghĩ hành động đó không phù hợp với môi trường học đường. Bạn bè ôm nhau tình cảm cũng được nhưng hôn nhau thì không phù hợp lắm”.

 

Ý kiến về nụ hôn tuổi học trò trong lễ bế giảng 

Bạn Hồng Nhung chia sẻ quan điểm của mình.

 

Bạn Hoàng Anh (ĐH Bách Khoa Hà Nội) thì đưa quan điểm: "Mình thấy chuyện này là bình thường thôi vì khi các bạn lên đại học rồi thì rất khó gặp nhau. Nên có thể tranh thủ giây phút chia ly để ghi dấu kỉ niệm thời học sinh cũng bình thường mà".

 

Ý kiến về nụ hôn tuổi học trò trong lễ bế giảng

Bạn Hoàng Anh đồng tình với nụ hôn học đường.

 

Với những người lớn tuổi thì khắt khe hơn khi cho rằng hình ảnh ôm hôn trong trường thật phản cảm. Bạn Quỳnh Anh (Hà Nội) đưa ý kiến: "Theo mình khi còn đang học cấp 3 thì mọi thứ nên tiết chế chứ không nên phô diễn ra qua. Trong môi trường học đường không nên quá thoải mái với việc thể hiện tình cảm".

 

PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đưa chia sẻ: "Những cái ôm hôn này không còn là của tình cảm nữa mà tôi có thể nhận thấy đó là tình yêu đôi lứa rồi. Khi mà yêu nhau trong lúc học thì tôi cấm nhưng các bạn đã ra trường rồi thì các bạn có thể yêu đương nhưng riêng việc thể hiện nụ hôn ấy giữa sân trường thì rất không nên. Người trong cuộc có thể thấy không sao đấy nhưng người ngoài nhìn vào họ sẽ thấy ngượng thay cho họ, thấy rất phản cảm".

 

Ý kiến về nụ hôn tuổi học trò trong lễ bế giảng 

Thầy Văn Như Cương cho rằng học sinh hôn nhau tại sân trường là không nên.

 

Thế nhưng cũng có không ít bạn trẻ lại thấy nụ hôn đó là điều hết sức bình thường. Bạn Hoàng Ngọc Hà chia sẻ: “Các bạn học trò cũng có tình yêu của tuổi học trò, và ngày bế giảng cảm giác phải xa mái trường, xa nhau khiến các bạn đánh liều bộc lộ tình cảm của mình bằng một nụ hôn điều đó chẳng có gì là sai trái cả”. Bạn Nguyễn Bá Hùng (TP.HCM) cũng đồng tình lên tiếng: “Hết cấp 3 là các bạn đã 18 tuổi rồi, đủ tuổi để kết hôn rồi ấy chứ vậy nụ hôn ở tuổi này thì sao mọi người phải phán xét”.

 

Đứng dưới góc độ của mỗi người nụ hôn trong ngày bế giảng có thể phản cảm, không nên, hay là điều chấp nhận được có lẽ vẫn mãi là chủ đề tranh cãi khó đưa ra kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, tình cảm chân thành của những người bạn hay trên mức tình bạn trong khoảnh khắc chia xa là thật và vốn dĩ nó là đặc trưng của tuổi học trò. Ai cũng từng trải qua thời áo trắng, và hẳn nhiều người cũng từng rung động trước ai đó. Biết đâu đấy, nếu như bạn không nói ra, không thể hiện để đối phương biết, bạn sẽ tiếc nuối suốt một thời tuổi trẻ thì sao. Nhưng bộc lộ tình cảm ấy như thế nào, giữ tình cảm ấy trong sáng ra sao để không ảnh hưởng đến những người xung quanh mới là điều nên làm.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất