Từ ồn ào hậu chia tay Erik - Aiden: Không làm việc với nhau nữa, chuyên nghiệp thể hiện ở lúc này đây!

Kênh 14 - 06/03/2017, 08:37

Có lẽ đã đến lúc người trẻ nên hiểu rằng, cho tới khi họ biết cách kết thúc một mối quan hệ trong hòa bình thay vì đâm qua đâm lại, bằng đàm phán thay vì cãi vã, họ mới có thể bước trên con đường tiến lên chuyên nghiệp, như họ vẫn đang nhắc tới hàng ngày.

1. Từ chuyện tố nhau của "người trong showbiz" 

Đã từ bao giờ chuyện tấu hài "tục" của diễn viên hài cũng đủ để họ bị lôi lên mạng bình phẩm nhân cách, chuyện lạ trên thế giới mà lại đúng với showbiz Việt. Vụ Lâm Vinh Hải bị vợ cũ tố bội bạc chưa hết hút comment và phẫn nộ thì cư dân mạng lại tiếp tục xôn xao chuyện Erik rời nhóm Monstar, tách khỏi công ty St.319 mà vẫn không quên lên facebook viết một bức tâm thư. 

Facebook từ chỗ là nơi để kết nối, gắn kết mọi người gần nhau hơn bỗng chốc trở thành chiến trường khắc nghiệt, phá tan tành mọi mối quan hệ đã gầy công xây dựng trước đó. Từng đoạn chat, từng dòng tin nhắn gọi bố xưng con đầy quan tâm và thiện ý ngày nào, nay trở thành bằng chứng để tố cáo, bôi nhọ nhau. Erik kể chuyện Aiden bóc lột, Aiden lập tức có ngay bằng chứng tố Erik mải yêu đương; Eirk kêu Aiden không có trách nhiệm, Aiden cứng rắn đáp trả Erik nhân cách quá tệ.

 - Ảnh 1.

Vụ lùm xùm Erik - Aiden trong suốt tuần vừa rồi đã trở thành chủ đề bàn tán rôm rả của cư dân mạng.

Chẳng ngoa khi ví các vụ cãi nhau trên mạng giống như những bộ phim hành động kịch tính, xen lẫn tình cảm mùi mẫn được chiếu miễn phí cho khán giả. Người ta sẽ mua bỏng ngô, nước ngọt, ngồi trước màn hình máy tính vừa đọc vừa comment bình luận rất xôm mà chẳng cần ra rạp mua vé. 

Nhân vật bị chỉ trích thì không khác gì những con vật yếu ớt trong phòng thí nghiệm, bị lôi ra mổ xẻ bằng hàng ngàn lưỡi dao công lý, đạo đức, đánh giá từ cư dân mạng. Khán giả chẳng bận tâm đến ai đúng ai sai, họ chỉ thấy mình đang được xem một bộ phim hay, với nhiều nút thắt, tình tiết bất ngờ, đã chẳng mất gì lại còn được thoải mái bình phẩm. 

Chuyên nghiệp - đó là từ khóa được nhấn mạnh trong các vụ lùm xùm gần đây. Từ thế giới showbiz đầy rắc rối cho đến chốn công sở vốn cũng đã nhiều phức tạp.

Nghệ sĩ Việt tuyên bố họ đang hướng tới sự chuyên nghiệp nên không thể nương tay với sự cảm tính, mập mờ, cái gì cũng phải có hợp đồng, giấy trắng mực đen, khán giả có quyền được biết sự thật. Nhưng khi xảy ra mâu thuẫn lại lôi nhau lên mạng tố cáo, bóc phốt lẫn nhau. Vậy thì sự chuyên nghiệp được thể hiện ở đâu?

Chuyện của Erik và st.319 chỉ là một hạt cát rất nhỏ trong sa mạc showbiz nhiều thị phi. Đây cũng chẳng phải lần đầu tiên các nghệ sĩ quên mất rằng mình là người của công chúng. Vì sự thiển cận, háo thắng của mình mà những nghệ sĩ ấy đã quên mất vai trò của một người nổi tiếng. 

Thay vì kín kẽ, khéo léo trong đối nhân xử thế thì họ lại chọn cách tung hê tất cả trước khi biết được ai đúng ai sai. Và đương nhiên, đó hoàn toàn không phải cách hành xử của những người luôn tự hào là sống trong môi trường giải trí chuyên nghiệp.

2. Nhìn ra ngoài đời, người ta đánh giá "chuyên nghiệp" hay không là ở lúc không còn làm việc với nhau nữa chứ đâu! 

Mà cái sự thiếu chuyên nghiệp ấy chẳng xuất hiện ở mỗi showbiz đâu, nó cũng hiện diện ở cả công ty của bạn, văn phòng nơi bạn làm việc. Tuy tính chất công việc khác nhau, nhưng showbiz và công sở đều là nơi người ta bán sức lao động để kiếm tiền. Thế nên những mâu thuẫn về quyền lợi, lợi ích của mỗi người đều không thể tránh khỏi.

Không biết từ bao giờ và vì lý do gì, người trẻ càng ngày càng thiếu tính khiêm tốn khi làm việc và sự bình tĩnh trong giải quyết mâu thuẫn. Chỉ vì một việc không như ý, bị sếp uốn nắn là đã sưng sỉa mặt mày, cho rằng mình bị đối xử tệ bạc và sẵn sàng đòi nghỉ việc không cần suy nghĩ. Đến khi đạt được mục đích rồi lại quay ra bỉ bai, nói xấu công ty cũ - nơi mình đã từng gắn bó và cống hiến. 

 - Ảnh 2.

 

Họ không ngần ngại tố cáo công ty trả lương rẻ bèo nhưng lại bắt làm thêm giờ, ông sếp khó tính hay càu nhàu, luôn thích làm khó dễ nhân viên, hay bà chị đồng nghiệp nhiều lời, chỉ chực chờ hớt lẻo với cấp trên. Nặng thì viết một bức tâm thư đầy bức xúc, chờ bạn bè vào xoa dịu. Nhẹ thì bóng gió vài câu, lấy chuyện này - chuyện kia ra móc mỉa. Những người trẻ ấy nghĩ rằng khi mình đã thoát khỏi cái nơi tù đày ấy rồi, thì mình muốn nói gì cũng được, đấy là quan điểm cá nhân nên chẳng ai có quyền phán xét. 

Thế nhưng, họ đã nhầm.

Nói xấu công ty cũ chỉ chứng tỏ bạn thiếu chuyên nghiệp vô cùng. Nếu có gì bất mãn với cơ chế của công ty, hãy thẳng thắn đề cập với sếp để được giải quyết, chứ không phải nghỉ việc rồi mới dám lên mạng bôi nhọ danh dự và nhân phẩm của người khác. Đừng nghĩ rằng những lượt share, like, comment ủng hộ, hùa vào nói xấu cùng bạn sẽ đem lại cho bạn một công việc mới tốt hơn. Rất tiếc là sẽ không có một nhà tuyển dụng nào chấp nhận một nhân viên xấu tính và suy nghĩ hời hợt như vậy, họ không muốn mình trở thành nhân vật chính trong status tiếp theo của nhân viên này.

Thay vì đi nói xấu công ty cũ cho sướng miệng, người trẻ hãy dành thời gian đó để học tập, trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng, rồi ứng tuyển vào một công ty mới chuyên nghiệp hơn. Khi bản thân họ không đủ chuyên nghiệp thì đừng quay ra trách cái cách công ty dùng để đối xử với mình.

Chia tay trong hòa bình - Có khó đến thế?

Erik hay những nhân viên nói xấu công ty cũ đều là những người trẻ, đã từng có một công việc để gắn bó và cống hiến. Tuy tính chất và môi trường làm việc khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là cách hành xử thiếu văn minh, chuyên nghiệp khi chia tay công ty cũ. Vẫn biết không phải người trẻ nào cũng vậy, nhưng chắc chắn những người giống họ đang chiếm số đông.

Chẳng ai đánh giá cao cách làm việc ấy của họ. Người ta có thể sẽ dùng những từ ngữ nặng nề như "vô ơn", "ăn cháo đá bát" để nói về những người cạn tình cạn nghĩa ấy. Nếu công ty cũ thực sự tồi tệ như những gì các bạn trẻ vẫn hay nói xấu, thì cách "trả đũa" hay nhất là để thời gian chứng minh, bao nhiêu cái xấu xa cũng sẽ dần dần tự lộ ra hết. Người trẻ chẳng cần phải lên tiếng làm gì. Còn nếu như chỉ để nói cho sướng miệng, mà thêm mắm dặm muối vào thì câu chuyện bóc phốt, kể xấu nhau hậu chia tay này vẫn sẽ còn tiếp diễn dài dài.

Thật ra, trong tình cảm lẫn công việc, khác biệt về quan điểm, chí hướng là điều không thể tránh khỏi, ở bất cứ đâu cũng sẽ nảy sinh mâu thuẫn và xích mích giữa nhân viên với nhân viên; giữa nhân viên với sếp. Tuy vậy, chỉ vì lý do đó mà người trẻ sẵn sàng đem hết những chuyện đã qua lên mạng để tố cáo và chỉ trích thì là điều không nên chút nào. Dìm người khác xuống cũng không giúp bạn cao quý hơn, ngược lại nó còn khiến bạn trở nên kém cỏi, và đáng thương hơn trong mắt người đời.

 - Ảnh 3.

Tất cả những gì được nói ra trong lúc tức giận có thể sẽ khiến người trẻ thấy thoải mái hơn ngay khi đó, nhưng nó lại là con dao hai lưỡi khiến bạn phải khốn khổ vì những phát ngôn vạ miệng của mình. 

Thiết nghĩ, dù làm công việc nào, người trẻ cũng nên học cách hạ bớt cái tôi của mình xuống một chút. Đừng chỉ vì chút không vừa ý là đòi nghỉ việc, hay khi đã quyết định đường ai nấy đi rồi thì cũng nên chia tay trong êm đẹp. Hãy có thiện chí cùng nhau giải quyết những mâu thuẫn, xích mích đã tồn tại trước đó và gói ghém chúng lại thật kỹ càng, cẩn thận. Hãy xác định rõ một khi bạn đã bước chân ra khỏi cửa công ty, thì bạn chẳng còn liên quan gì đến họ nữa để mà nói xấu lẫn nhau.

Không có chuyện cãi nhau nảy lửa, càng không thấy nhục mạ cá nhân.  

Theo Momo - Ngọc / Trí thức trẻ

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất