Trông mặt mà chặt chém, thói quen xấu khó bỏ của không ít hàng quán ở Hà Nội
Câu chuyện bát phở gà 300 nghìn khiến cư dân mạng dậy sóng tuần vừa rồi đã làm người Hà Nội, hay ít ra cũng sinh sống và làm việc ở mảnh đất này một thời gian - chợt nhớ đến phong cách bán hàng độc nhất vô nhị của không ít quán xá vỉa hè: "Trông mặt mà đọc bill".
Dù đã "lên sóng" cách đây vài ngày, nhưng câu chuyện bát phở gà 300 nghìn vẫn được bàn tán, bình luận trên các diễn đàn hoặc trang cá nhân. Các ý kiến trái chiều vẫn rôm rả như mọi khi, người thì bức xúc với bát phở thịt đùi, có vài quả trứng và kê lại có giá hẳn như nồi lẩu. Người thì trách khéo sự "ăn nhiều", muốn ăn ngon mà lại không muốn chi đậm. Nói chung, mỗi người một ý và ai cũng có cái lý cả.
Thế nhưng, có một sự thật mà chúng ta phải thừa nhận, rằng ở Hà Nội, vẫn còn tồn tại một kiểu tính tiền cho khách không theo bất cứ quy chuẩn nào, mà thuộc về… hình dáng hay gương mặt vị khách đó. Trường hợp này rơi vào các quán xá bình dân, từ phố cổ nổi tiếng cho tới những khu vực gần trung tâm.
Chúng ta đều biết rằng, ở mảnh đất này, việc ăn uống ở hàng quán vỉa hè, bình dân đã trở thành thói quen khó bỏ của người Hà Nội. Hầu như các quán phở bò, phở gà, bún riêu, bún miến ngan, cháo tim gan bầu dục, mỳ vằn thắn ngon.v.v... đều nằm trên vỉa hè hay một căn nhà ọp ẹp được thuê tạm bợ. Người ta sẵn sàng ngồi chật, ăn nhanh, chờ lâu, để thưởng thức bằng được món ngon.
Khách hàng luôn mong được đến những nơi ăn uống có niêm yết giá rõ ràng.
Văn hóa ăn hàng quán vỉa hè, bình dân cũng thật có lắm thứ để nói. Từ việc bà chủ sẵn sàng cho khách một bài chửi tơi bời hoa lá, hay "Tao đ… thích bán cho mày", thế là khách phải nhịn, phải cười, hay phải lủi thủi đi về mà chẳng được ăn. Cho tới việc xếp hàng khoảng 40 phút để ngồi trong góc thưởng thức một đĩa bún chả thơm lừng, đều là chuyện bình thường đối với dân Hà Nội.
Và một điều nữa, với riêng các hàng quán vỉa hè, bình dân, thì đa số giá thành đều không theo quy chuẩn mà phụ thuộc hoàn toàn vào giá báo miệng của người chủ. Thế mới có những chuyện dở khóc dở cười, khi mà hàng thì bình dân thật đấy, nhưng giá thì không hề bình dân chút nào. Có khi với người này, bát phở 50 nghìn còn với chị kia mặt hoa da phấn, giá lại đội hẳn lên thành 80… Chuyện tưởng vô lý như thế nhưng thật ra ở Hà Nội lại không hề khó gặp.
Khách lạ - tăng giá
Nếu là khách quen, hàng ngày đều đến "đóng họ" ở quán thì mọi chuyện đều trở nên dễ dàng. Được ưu ái, được bà chủ thêm ít thịt, lọc nước trong, hoặc được ăn nhanh hơn các khách khác… Nhưng nếu là khách lạ, lạ nước lạ cái, lần đầu tiên hoặc lần thứ 2 đặt chân vào quán, rất có thể bạn sẽ được trả một cái giá hơn đâu có mấy chục cho tới 2,3 lần so với bình thường mà thôi.
Nhân chuyện này mới chợt nhớ tới một người bạn ở Đà Nẵng ra Hà Nội chơi. Cô bạn đi bộ tới phố Hàng Muối thì đói bụng nên dừng chân ở một hàng phở bình dân, cũ kỹ, đậm chất hàng ăn phố cổ. Trước khi ăn cô bạn đã cẩn thận hỏi phở đùi giá bao nhiêu, và được bà chủ báo giá 50 nghìn.
Ăn xong tô phở, lúc tính tiền thì bà chủ thản nhiên báo giá 150 nghìn. Cô bạn tôi ố á, sao lúc nãy như này, giờ lại như kia?! Bà chủ vẫn bình thản: thịt đùi thì 50 nghìn/bát, còn cô cắt cho cháu cái đùi rồi lóc thịt, mà con gà thì đắt nhất là cái đùi, 150 nghìn giá chung rồi cháu ạ.
Cô bạn tôi vẫn không phân biệt được sự khác nhau giữa thịt đùi và cái đùi lóc thịt, nhưng tiền thì vẫn phải trả một cách ấm ức. Buồn cười nhất là cũng hàng phở ấy, ông bán café bên cạnh vào ăn gọi phở đùi thì giá chỉ 50 nghìn. Có lẽ, vì cô là khách lạ nên mặc nhiên giá cũng khá lạ hơn chăng...
Khách sang chảnh, đi ô tô trả giá riêng
Cũng giống với những vị khách lạ mặt, 1 năm mới ghé 1 lần hoặc tình cờ đi qua vào ăn thử, thì việc "ưu ái" giá cao hơn bình thường còn thuộc về khách… sành điệu nữa. Không có bất cứ quy chuẩn nào trong định giá, cũng chẳng treo bảng giá chung, các bà chủ có thể tăng vài chục so với giá bình thường. Còn khách thì rút ví ra trả mà ít khi thắc mắc bởi chẳng lẽ lại hỏi rành mạch từng bát phở, từng cái quẩy hay ly trà đá… Chính cái sự ngại ngần hỏi ấy, hoặc chút sĩ diện khi đi cùng bạn gái, ngồi xe hơi mà lại thắc mắc vài chục, lẽ nào đã tạo nên phong cách "mỗi khách 1 giá" của vài bà chủ bán hàng bình dân, vỉa hè?
Nhìn mặt mà chặt chém là thói quen xấu của không ít hàng quán? - (Ảnh minh họa)
Cũng cùng một bát phở bắp bò, nhưng khách đi xe máy thì tính giá 70 nghìn, còn khách đi ô tô thì giá đội lên khoảng 20-30 nghìn nữa. Cách tính tiền "nhìn mặt mà bắt hình dong" này thuộc một hàng phở chuyên bán đêm trên phố P.H. Quán này về đêm khá đông khách vì nước phở ngon, và ở Hà Nội không có nhiều hàng bán đêm. Vài ba vị khách khi không đi ô tô xịn đỗ xịch trước cửa, mới phát hiện ra sự chênh lệch khi rút ví thanh toán.
Hay như một hàng bún mọc giò khá nổi tiếng, cũng ở khu vực phố cổ, đã khiến nhiều người phải hoa mắt chóng mặt khi chị chủ đồng bóng tự động nâng hẳn 30 nghìn cho khách đi xe hơi vì "đỗ xe chắn hết cả vỉa hè, khách không nhìn thấy mẹt bún của chị". Đừng tưởng đi ô tô là chị đon đả, vào mà không khéo tìm ghế, chị còn chửi cho tối mặt…
Và bởi vì chẳng có lấy một quy chuẩn nào cho việc kinh doanh hàng quán vỉa hè, bình dân, nên chủ quán hoàn toàn có quyền ra giá cho mỗi khách khác nhau, tuỳ theo hứng của họ. Chẳng biết có phải vì dăm ba cái sự 5"bất công" như thế mà người Hà Nội hay bảo nhau lượn xe đạp điện, xe máy đi ăn hàng bình dân cho tiện, đỡ loanh quanh tìm chỗ đỗ và đỡ bị "một mình một giá" nếu chẳng may gặp bà chủ "lạ tính"?!
Video được xem nhiều nhất