Bí ẩn về 36 phố phường mang tên đầu chữ "HÀNG" ở HÀ NỘI
Mấy ai đến Thủ đô lại không ghé thăm 36 phố phường của đất kinh kì. Nó vẫn nhộn nhịp vốn là phường buôn bán của Hà Nội như ý nghĩa tên của chúng từ ngày xưa. Kể cả qua ngàn năm hay cả ngàn năm nữa
Hà Nội 36 phố phường gắn với lịch sử phát triển hàng ngàn năm của mảnh đất kinh kì nghìn năm văn hiến. Trải qua nhiều thăng trầm biến cố của lịch sử nhưng những tên gọi của các con phố này vẫn không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên về ý nghĩa tên gọi cũng như nguồn gốc của những con phố này không phải ai cũng biết.
Để hiểu rõ hơn điều này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. Nguyễn Bích Hà, chuyên giảng dạy về văn học dân gian và văn hóa, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội để tìm hiểu về tên các con đường cổ Hà Nội.
|
|
Hà Nội xưa qua những bức ảnh cũ. |
Theo PGS. Nguyễn Bích Hà, đặc điểm chung của các phố cổ Hà Nội là nhiều tên phố bắt đầu bằng từ "Hàng". Tiếp đó là một từ chỉ một nghề nghiệp nào đó như Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Thiếc, Hàng Mã... Mà muốn biết được nguồn gốc ý nghĩa của tên gọi 36 phố phường Hà Nội, trước hết phải nói về sự hình thành của phố.
Khi nhà Lý rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long thì Hà Nội chưa có phố. Nó mới chỉ là các làng. Mà từ làng lên phố là sự biến đổi diễn ra rất nhanh, trong lần đô thị hóa thứ nhất.
Đến lúc Hà Nội trở thành kinh đô thì nơi đây tập trung rất nhiều trí thức quan lại. Có thể nói đây là những tầng lớp biết hưởng thụ, rất thích hưởng thụ, vì họ là tầng lớp trên và có tiền.
Giờ nó đã thay da đổi thịt nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống |
Sự biến đổi từ làng lên đô thị nhanh như vậy nên sự phát triển của nơi đây thu hút rất nhiều hàng quán, các dịch vụ từ khắp các địa phương khác nhằm cung ứng cho mọi nhu cầu của kinh đô. Vì vậy một vòng xung quanh Thăng Long có rất nhiều các làng nghề xuất hiện như ở Sơn Tây, Thường Tín, Hưng Yên, Hải Dương.
Lúc đầu người dân từ khắp nơi mang hàng đến Thăng Long để bán và cuối ngày họ sẽ trở về. Thế nhưng còn có những người mang hàng đến Thăng Long bán nhưng nếu chưa bán xong. Họ sẽ dựng các lều quán để hôm sau bán tiếp, bán hết hàng mới trở về. Và cũng có những người họ trụ lại ở Thăng Long để bán.
Như vậy, dần dần những người đến nơi đây buôn bán họ tụ tập lại với nhau gồm những người cùng làng, cùng họ, cùng buôn bán mặt hàng.
Dù cho phố cổ Hà Nội mới đã không còn giữ được đúng những mặt hàng mang tên chúng. |
Việc họ tụ tập lại với nhau thứ nhất là để tránh những nạn trộm cắp cướp giật ở nơi mà họ khá là xa lạ. Dần dần những nơi như vậy trở thành một điểm mà rất nhiều người cùng bán một loại hàng và trở thành phố.
Theo PGS.TS Nguyễn Bích Hà, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về Hà Nội thì những phố khá cổ của Thủ đô xưa cũ thường bắt đầu bằng tên “Hàng” như Hàng Cót, Hàng Chiếu, Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Hòm, Hàng Quạt, Hàng Gà ... Mà bây giờ vẫn còn những phố tập trung những người cùng làng trước đây, cho đến hiện nay đã trải qua mấy đời sinh sống trên mảnh đất này.
Như phố Hàng Gà, Hàng Khay, Hàng Than, Hàng Bồ,... |
Tên gọi của các phố này bắt nguồn từ việc trước đây họ bán gì thì họ lấy luôn tên gọi để đặt cho nơi đó. Từ đó xuất hiên hàng loạt các tên phố bắt đầu bằng tên “Hàng”.
Để thành phố thì phải trải qua thời gian khá lâu dài. Từ thời nhà Lý đã có một số tên phố gắn với chữ hàng và đặc biệt là ở thời Trần, thời Lê rất phát triển. Cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi cũng đã nói về Hà Nội 36 phố phường là có2 phường mỗi phường có 18 phố.
Nhưng thực ra số phố có tên “Hàng” là nhiều hơn con số 36, Hà Nội ngày càng phát triển, các mặt hàng ngày càng phong phú hơn nên các phố có tên gọi là hàng cũng ngày càng nhiều.
Nhưng vẫn có những phố vẫn còn truyền thống như Hàng Thiếc, Hàng Mã,... |
Các phố bắt đầu từ tên là “Hàng” không chỉ Hà Nội mới có mà Hải Dương, Hải Phòng cũng có.
Bởi thực ra tên gọi đó nó dùng để chỉ địa điểm bán những mặt hàng đó. Nhưng Hà Nội khác biệt ở chỗ có những phố bán những mặt hàng đặc trưng của kinh đô như phố Hàng Lọng, Hàng Kiệu chỉ bán cho quan lại mà quan lại thường ở kinh đô. Có những phố của Hà Nội chuyên sản xuất và bán những thứ đó. Và cũng chỉ có Thăng Long kinh kì mới bán những đặc trưng như vậy.
Bây giờ hầu hết các phố Hà Nội mang tên hàng như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Lược ... vẫn còn nhưng không sản xuất những mặt hàng như tên gọi của nó nữa. Như phố Hàng Hòm không sản xuất Hòm nữa. Phố hàng Khoai không bán khoai nữa, thay vào đó phố Hàng Khoai lại bán bát đĩa, phố Hàng Đường nổi danh với Ô mai, phố Hàng Gà thì in thiệp cưới,...
Nó vẫn tồn tại song hành cùng lịch sử Hà Nội. |
Bên cạnh đó, vẫn còn những phố bán những mặt hàng như tên gọi của nó như thời xa xưa, phố thuốc Bắc, hàng Thiếc vẫn bán thiếc, hàng chiếu hiện nay vẫn nổi tiếng về bán chiếu... nhưng số tên phố mà vẫn bán mặt hàng như xưa còn rất ít.
Hiện nay, những khu phố trên không chỉ vẫn lưu giữ những dấu tích xa xưa, mang đậm dấu ấn văn hóa xưa cũ của mảnh đất kinh kì mà còn trở thành địa điểm ưa thích của khách du lịch trong và ngoài nước. Những nét đặc trưng thu hút của Hà Nội không chỉ đối với những du khách lần đầu đến Hà Nội mà còn trở thành niềm tự hào của những người nơi đây.
Dấu xưa vẫn còn hiện diện qua những căn nhà cổ của Hà Nội, nhắc đến phố cổ Hà Nội là không thể không nhắc tới những con phố nhỏ, ngõ nhỏ với những căn nhà mái ngói hình ống, rêu phong bao phủ. Cho dù, sự hiện đại đang giết dần, giết mòn những di tích đã cấu thành nên Hà Nội.
Dù vậy, mấy ai đến Thủ đô lại không ghé thăm 36 phố phường của đất kinh kì. Nó vẫn nhộn nhịp vốn là phường buôn bán của Hà Nội như ý nghĩa tên của chúng từ ngày xưa, kể cả qua ngàn năm tuổi hay cả ngàn năm nữa.
Du Du
Video được xem nhiều nhất