Tranh luận khi đưa người nổi tiếng vào đề thi
Nhiều ý kiến trái chiều về việc Ánh Viên, đội tuyển U23 Việt Nam, Sơn Tùng M-TP, Lệ Rơi… xuất hiện trong đề thi môn Ngữ văn.
Nguyễn Thị Ánh Viên được tờ báo uy tín The New Paper của Singapore bình chọn là vận động viên nước ngoài hay nhất SEA Games 28. Nữ kình ngư đoạt 8 chương vàng, phá 8 kỷ lục trên đường đua xanh. Ngày sau đó, "cô gái thép" xuất hiện trong đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ văn của trung tâm luyện thi ở Đà Nẵng, và đề thi vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Vũng Tàu.
Trước đó, Sở GD&ĐT TP HCM cũng đưa hình ảnh đội tuyển U23 Việt Nam trong lễ chào cờ ở SEA Games 28 vào đề thi tuyển sinh vào lớp 10.
Xu hướng ra đề mở với những câu hỏi bám sát thời sự, sử dụng hình ảnh người nổi tiếng đang có nhiều ý kiến tranh luận.
Nhiều học sinh đồng tình với việc đưa người nổi tiếng, sự kiện thời sự vào đề thi. Độc giả Tú Nguyễn nói: Một học sinh giỏi không chỉ nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, mà còn phải hiểu biết về xã hội. Nếu không, các em cũng chỉ là cái máy học.
Bạn đọc này dẫn chứng, nhiều đề văn của Trung Quốc hay các nước khác đều có xu hướng đề thi mở, không chỉ gói gọn nội dung trong sách. Bởi, học không chỉ là kiến thức mà còn để làm người.
Đồng quan điểm, bạn Mai Anh Khoa cho hay, cần phải có nhiều hơn nữa dạng đề thi mở, vì nó gần gũi với thực tế, giúp thí sinh giảm áp lực và hứng thú hơn khi làm bài. Vì vậy, học sinh sẽ có nhiều hướng triển khai, và thể hiện quan điểm cá nhân bên cạnh kiến thức căn bản.
Những ý kiến ủng hộ đều cho rằng, đề thi mở, thời sự đánh giá khả năng hiểu biết, vận dụng của thí sinh, bên cạnh những câu hỏi trong sách.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, thi vượt cấp, hay tốt nghiệp để đánh giá năng lực học sinh thông qua kiến thức được học. Việc đưa các nội dung đang thu hút dư luận chỉ hợp những trò chơi truyền hình như Đấu trường 100, Ai là triệu phú… Tại sao học sinh phải trả lời những câu hỏi không được học, không phải kiến thức trong sách giáo khoa?
Ánh Viên liên tiếp xuất hiện trong đề thi. Ảnh: Hoàng Hà.
“Em không biết chị Ánh Viên là ai. Thời gian SEA Games 28 diễn ra tại Singapore, em không được ba mẹ cho phép xem tivi, phải tập trung ôn bài”, nữ học sinh tên Nguyễn Thị Chu Hương băn khoăn.
Chu Hương cho biết thêm, thầy giáo cô chia sẻ, Ánh Viên là hiện tượng mới của thể thao nước nhà. Học sinh cũng có thể tìm thấy thông tin về Sơn Tùng M-TP, Lệ Rơi... trên mạng. Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh đều biết rõ về nữ vận động viên bơi lội đoạt nhiều huy chương vàng, anh chàng ca sĩ có phong cách giống Hàn Quốc, hay người có giọng hát bị chế giễu kia.
Bạn đọc có nickname Hủ Tiếu Bò Viên nhấn mạnh, Ánh Viên là niềm tự hào của đất nước và cô cũng rất hâm mộ nữ vận động viên này. Nhưng, học sinh thành phố có cơ hội xem tivi, đọc báo, tiếp thu thông tin trên mạng xã hội để biết về cô gái 9X, còn những học sinh miền núi làm sao biết được?
Sơn Tùng M-TP cũng từng xuất hiện trong bài thi của học sinh.
Một vị phụ huynh nêu quan điểm, với cách ra đề thi như vậy, ngành giáo dục vô tình áp đặt các em hàng ngày vừa học lượng bài vở khổng lồ, vừa phải dành thời gian đọc báo, lên mạng Internet, ngồi viết bình luận. Bổ sung kiến thức, thông tin xã hội là cần thiết, nhưng các đề tài đó chỉ nên thảo luận trong nhóm, buổi học ngoài giờ, không phải là phần thi bắt buộc.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết - giáo viên Ngữ văn, THPT Chu Văn An (Hà Nội) bày tỏ: Học sinh ngày càng chán, sợ học văn, bởi cách dạy tách rời cuộc sống. Những đứa trẻ vốn sống hồn nhiên với xúc cảm, suy nghĩ thật nhất sẽ không thể hứng thú với điều xa lạ, khó hiểu, và nhiều khi áp đặt, khiên cưỡng với logic thông thường của cuộc sống, của tâm lý con người.
Những đề luận hướng tới vấn đề uyên bác, xa xôi không thể đặt ra cho trẻ suy nghĩ chân thực, xúc cảm thấm thía. Kết quả là trẻ viết hời hợt, nhắc lại những điều các em đoán chắc là đúng lập trường, tư tưởng - chỉ không đúng với suy nghĩ của trẻ. Đơn giản vì chúng không quan tâm đến những vấn đề đó.
Video được xem nhiều nhất