"Thủ lĩnh" tiếp sức mùa thi tại Hà Nội nói gì về "rào chắn sống giữa trời 40 độ"?
Chị Chu Hồng Minh – Trưởng ban Thanh niên trường học Thành Đoàn, Phó Chủ tịch Hội SV thành phố Hà Nội, Phó trưởng ban chỉ đạo chương trình Tiếp sức mùa thi 2015 đánh giá về chiến dịch.
Chào chị Minh, như vậy là chiến dịch tiếp sức kỳ thi THPT Quốc gia tại Hà Nội đã kết thúc. Đại diện cho Ban chỉ đạo chiến dịch, chị đánh giá ra sao?
Chương trình tiếp sức mùa thi (TSMT) năm 2015 diễn ra cao điểm từ 28/6 đến 5/7. Đến ngày hôm nay, Ban chỉ đạo TSMT của thành phố Hà Nội đã có thể thông báo chương trình đã diễn ra an toàn, thuận lợi và hiệu quả.
Chị Chu Hồng Minh – Trưởng ban Thanh niên trường học Thành Đoàn, Phó Chủ tịch Hội SV thành phố Hà Nội, Phó trưởng ban chỉ đạo chương trình Tiếp sức mùa thi 2015
Chiến dịch này, Hội sinh viên – Thành đoàn Hà Nội đã triển khai những loại hình tình nguyện nào, được tổ chức ra sao?
Chương trình TSMT thành phố đã thành lập 10 loại hình tình nguyện để triển khai nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp. Mỗi đội hình có chức năng, nhiệm vụ và tầm quan trọng riêng.
Các đội TNV nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao từ các phụ huynh và thí sinh, trong đó nổi bật nhất là các đội hỗ trợ và tư vấn nhà trọ, đội đón tiếp và hỗ trợ thí sinh, đội Cùng bạn đi thi…
SVTN ĐH Kinh tế quốc dân đón tiếp thí sinh tại bàn tư vấn bên ngoài điểm thi
Định hướng của chiến dịch TSMT là gì, thưa chị?
Mục đích của chương trình TSMT là hỗ trợ thí sinh và người nhà về Hà Nội tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Yêu cầu và cũng là phương châm của hoạt động TSMT năm 2015 là: An toàn – thiết thực – hiệu quả.
Chủ trương của BCĐ chiến dịch TSMT là huy động sự tham gia của đông đảo các lực lượng trong xã hội cùng tham gia hỗ trợ cho 120.000 thí sinh và hàng ngàn người nhà trong kỳ thi này. Năm nay, chiến dịch TSMT thu hút gần 4.000 TNV cấp thành phố và 7.800 TNV cấp cơ sở. Chính sự đông đảo này (nòng cốt là lực lượng thanh niên, sinh viên) đã đảm bảo: “Ở đâu có thí sinh, ở đó có TNV hỗ trợ”.
Tính thiết thực và hiệu quả là yêu cầu quan trọng nhất trong việc tuyển chọn và điều phối tình nguyện viên. Các TNV của thành phố được tuyển chọn, tập huấn, cấp thẻ và phân công nhiệm vụ cụ thể, ca làm việc, địa bàn hoạt động… để tránh chồng chéo và lãng phí nhân lực.
Trung tâm điều phối TSMT của thành phố cũng liên tục điều chỉnh, điều phối sao cho phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế của các điểm thi.
Các bạn SVTN tham gia TSMT được tập huấn ra sao? Hội SV làm gì để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho các bạn trẻ khi tham gia TSMT?
Thành đoàn và Hội SV thành phố đã tổ chức 3 buổi tập huấn cho các bạn TNV trước khi bước vào chiến dịch. Các trường và các quận huyện cũng chủ động tập huấn cho TNV cấp cơ sở.
An toàn của các TNV là ưu tiên hàng đầu. Các biện pháp đảm bảo sức khỏe, phòng chống nắng nóng chúng tôi nhắc đi nhắc lại trong suốt quá trình tập huấn. Các TNV tham gia TSMT đều được Thành đoàn mua bảo hiểm, trang bị đồng phục, vật phẩm để đảm bảo hoạt động dưới thời tiết nắng nóng.
BCĐ TSMT từ cấp sơ sở tới thành phố chỉ lựa chọn các TNV có đủ tâm huyết, sức khỏe, cũng như kỹ năng cơ bản để tham gia. Mỗi đội hình, hay mỗi điểm TSMT đều được chia ca làm việc cho phù hợp, đảm bảo được sức khỏe trong những ngày đặc biệt nắng nóng. Bên cạnh đó, các đội y bác sĩ của thành phố luôn túc trực tại các bến xe, các điểm thi để chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe cho các TNV khi cần thiết.
Trong chiến dịch vừa qua, Hà Nội không ghi nhận những trường hợp TNV gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, đây được xem là một thành công của chiến dịch.
"Hàng rào sống" do sinh viên lập nên tại HV Nông nghiệp. Các bạn được tập huấn làm theo hiệu lệnh còi của chỉ huy, có thể đảo chiều, lùi - tiến và co giãn trong giờ cao điểm
Dư luận ít ngày qua nóng về câu chuyện "hàng rào sống" giữa trời 40 độ. Vậy việc lập “hàng rào sống” có phải là hoạt động chính thức của chiến dịch TSMT?
Trong kế hoạch TSMT của Thành đoàn – Hội SV thành phố Hà Nội không có đội hình hay nội dung thiết lập các “hàng rào sống”. Đây là một hoạt động phát sinh do các TNV tại một số điểm nóng về giao thông chủ động triển khai xuất phát từ yêu cầu và tình hình thực tế.
Vào ngày đầu diễn ra kỳ thi, hai khu vực tập trung số lượng lớn thí sinh là ĐH Bách khoa và HV Nông nghiệp xảy ra ùn tắc cục bộ do đường hẹp, lượng xe lưu thông lớn cùng với tâm lý nôn nóng của các bậc phụ huynh và thí sinh. Trước thực trạng đó, các TNV đã triển khai đội hình thiết lập hàng rào để phân luồng giao thông.
Tuy là hoạt động phát sinh nhưng các TNV đã có sự bàn bạc, thống nhất phương thức như: chỉ thực hiện hàng rào vào giờ cao điểm, thay phiên nhau tuần tự trong 15-20 phút để đảm bảo sức khỏe.
Lí do không sử dụng các công cụ rào chắn cứng là vì nhiệm vụ phát sinh trong thời gian ngắn (khoảng 15-20 phút trước khi thí sinh vào – ra khỏi phòng thi).
Thứ hai, việc TNV tạo hàng rào có tác dụng giáo dục với nhiều người dân, có thể so sánh với việc tại các nút giao thông, dù đã có vạch phân làn, đèn tín hiệu nhưng nhiều người vẫn vi phạm luật, chỉ đến khi có sự xuất hiện của CSGT thì người dân mới chấp hành.
Chị đánh giá sao về những luồng ý kiến trái chiều về hoạt động tình nguyện TSMT?
Thông qua nhiều ý kiến đóng góp về công tác TSMT trong những ngày vừa qua, có thể thấy xã hội rất quan tâm về hoạt động tình nguyện nói chung và các TNV nói riêng. Một số ý kiến còn băn khoăn, lo ngại do chưa hiểu rõ mục đích, cách thức thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này của các TNV.
Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ mọi thông tin và tiếp nhận các ý kiến đóng góp, xây dựng một cách cụ thể để hoạt động TSMT ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.
Là thủ lĩnh của phong trào, chị nhắn gửi tới các bạn SVTN điều gì?
“Tin điều mình nghĩ
Hiểu việc mình làm
Biết giữ an toàn
Làm việc hiệu quả”
Xin cảm ơn chị!
Mai Châm
(thực hiện)
Video được xem nhiều nhất