Thí sinh tâm sự sau 20 ngày kinh hoàng

Ione - 21/08/2015, 20:20

Kết thúc đợt xét tuyển đại học NV1, nhiều bạn vẫn chưa hết bàng hoàng với những cảnh tượng thí sinh, phụ huynh vật vờ nộp - rút hồ sơ diễn ra trong suốt 20 ngày qua.

"Mặt trận" xét tuyển mùa tuyển sinh 2015 đang nóng lên hơn bao giờ hết khi điểm chuẩn tạm thời được các trường công bố liên tục tăng. Nhiều thí sinh chắc mẩm mình sẽ trúng tuyển tá hỏa, vội vàng rút hồ sơ để chuyển qua trường khác. Tình trạng này càng trở nên "hỗn loạn" càng về cuối hạn nộp hồ sơ (20/8). Cả thí sinh và phụ huynh bất chấp công việc, thời gian, tiền bạc cho việc rút - nộp hồ sơ với mong muốn có được một suất vào đại học. Cảnh tượng thí sinh, phụ huynh bật khóc tức tưởi vì không rút được hồ sơ, cảm thấy quá mệt mỏi khiến nhiều người không khỏi xót xa.

tuyensinh2015-1-6626-1440141635.png

Cảnh tượng thí sinh, phụ huynh chen chúc nhau nộp - rút hồ sơ trong 20 ngày qua được nhận xét chẳng khác nào chơi chứng khoán.

Cùng nghe người trong cuộc nhận xét như thế nào về kỳ xét tuyển NV1 vừa qua:

Minh Hương: Đại học thành học đại

Không vất vả như nhiều người bạn của mình, Minh Hương (TP HCM) đã đậu vào ngành Kinh tế Đối ngoại của ĐH Ngoại thương .

"Mình không phải chạy ngược xuôi vất vả như nhiều bạn nhưng nhìn tụi nó vất vả rút rồi nộp cũng thấy thương. Hôm trước thằng bạn mình được 23 điểm đang nằm trong top đầu của Kinh tế nhưng đến hôm qua điểm chuẩn dự kiến nhích 0,25 điểm nên phải tức tốc rút hồ sơ để nộp qua trường khác liền. Nhiều đứa bạn khác còn phải túc trực ở ĐH Sài Gòn từ sáng tới chiều, đếm ngược từng phút chỉ chờ nhà trường công bố danh sách để biết số phận đang ở đâu", Hương chia sẻ.

10985025-960599753951400-42842-4881-2546

Minh Hương cho rằng cách thức xét tuyển năm nay không phải thất bại hoàn toàn mà chỉ là thiếu khoa học.

Hương nhận xét cách xét tuyển của Bộ năm nay là thiếu khoa học chứ không đến mức thất bại hoàn toàn vì cũng có cái lợi là cho thí sinh biết mình sẽ đậu hay rớt, nên tăng được tỉ lệ đậu đại học của các trường.

Theo Minh Hương, việc khiến thí sinh, phụ huynh xoay vòng 180 độ suốt 20 ngày qua là một điều Bộ cần phải nhìn nhận. "Giờ đây, thí sinh không còn nộp hồ sơ theo nguyện vọng nữa mà dựa vào điểm để kiếm trường nộp vì áp lực phải vào bằng được đại học. Đại học giờ thành học đại rồi. Vì điểm số tăng lên hạ xuống liên tục, mọi người liên tục nộp ra rút vào, dẫn đến tình trạng người thực sự thích học bị đẩy ra và người không thích học vẫn phải chấp nhận để…an toàn", Hương nói.

Hân Nguyễn: Mong 20 ngày kinh hoàng chỉ xảy ra một lần

Hân tâm sự: "Nhìn cảnh các bác phụ huynh chạy theo con, dầm mưa nắng mà rớt nước mắt. Bản thân mình khi đi nộp hồ sơ ở quậnThủ Đức để ba chở giữa nắng nóng đã thấy xót huống chi mấy bạn ở các tỉnh xa. Ngày 20 vừa qua, bố bạn mình phải xin nghỉ cả ngày để cập nhật tình hình. Ba mình thì cứ gọi liên tục, nhắn nếu có gì không ổn thì báo ngay. Mình chỉ mong 20 ngày kinh hoàng này chỉ xảy ra một lần này. Hy vọng các em 98 năm sau sẽ có một cách giải quyết mới ổn thoả, nhẹ nhàng hơn tụi mình".

Bản thân Hân thích vào trường Quốc tế nhưng gia đình định hướng vào Kinh tế luật nên cô nàng chỉ phải rút hồ sơ 1 lần. Nhiều bạn của Hân do rớt Ngoại thương nên chạy tìm trường ngang tầm để nộp mong đỗ chứ chẳng quan đó có phải là ngành yêu thích hay không.

Han-Nguyen-5419-1440152299.jpg

Hân Nguyễn mong muốn các em 98 năm sau sẽ không gặp phải tình trạng oái ăm như năm nay.

"Mình nghĩ học theo tình trạng này sẽ bị chán và dễ đào thải. Bản thân mình nếu học môn không thích sẽ bị chán và nản. Mình cho rằng không nhất thiết cứ phải đua nhau vào đại học, còn có nhiều con đường khác để thành công mà. Phải chăng cái mác đại học với gia đình Việt Nam và các công ty tuyển dụng đã gây sức ép như vậy? Cứ một sinh viên ra trường cầm tấm bằng Ngoại thương hay Kinh tế nghiễm nhiên sẽ an tâm khi đi xin việc. Không phải bọn mình không biết chọn hướng đi khác nhưng có quá nhiều yếu tố xung quanh cản trở quyết định này. Vì thế mới xảy ra sự hỗn loạn suốt 20 ngày qua”, Hân phân trần.

Hân nhận định việc thay đổi cơ chế tuyển sinh năm nay của Bộ chung quy là có ý tốt nhưng lại không lường trước hết mọi thứ phát sinh. Theo Hân không nên để thời gian xét tuyển dài đến 20 ngày vì sẽ khiến nhiều thứ phát sinh như thí sinh ở xa tốn kém, tình trạng cứ nộp rồi rút gây ra sự nhiễu loạn...

Bảo Duy: Quy chế mới khiến thí sinh không biết đi về đâu

Bảo Duy nộp giấy xét tuyển rất sớm vào Đại học Kinh tế nhưng theo dõi tình hình biết mình không có nhiều cơ hội nên đã rút hồ sơ và nộp vào ĐH Quốc tế và may mắn nằm trong số thí sinh an toàn.

Duy chia sẻ: “Mình không có vất vả như những bạn khác nhưng kỳ tuyển sinh năm nay thật sự khiến nhiều bạn và phụ huynh theo con hết sức mệt mỏi. Hôm đi rút hồ sơ, nhìn thí sinh và phụ huynh ngồi chờ la liệt mà thấy xót. Quy chế xét tuyển của Bộ có quá nhiều điểm bất lợi, đưa thí sinh không biết phải đi về đâu cho đúng”.

11807328-1047183561961509-7944-1382-6946

Bảo Duy không đồng tình về cách xét tuyển năm nay của Bộ.

Bảo Duy thẳng thắn nhận định cơ chế xét tuyển năm nay của Bộ có nhiều điều phản giáo dục, phản khoa học.

"Đại học là nhằm định hướng nghề nghiệp, tìm được người phù hợp với ngành mà xã hội đang yêu cầu nhưng mình thấy kỳ xét tuyển này không phải để đạt mục đích đó nữa rồi. Nó không giúp được thí sinh nhận ra được mình cần điều gì, cần học những gì mà chỉ là mong sao vào được đại học để không bị mất mặt là được. Phản giáo dục ở đây còn thể hiện ở việc nó tiêu tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc của những bạn ở xa", Duy nói.

Sơn Anh

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất