Thí sinh đặc biệt ở Sài Gòn có người viết hộ và ghi âm toàn bộ quá trình làm bài thi

Kênh 14 - 02/07/2015, 08:31

"Em đọc lời giải và bạn Cương chỉ được phép ghi chép, không được hỏi lại bất cứ điều gì ngoài yêu cầu nói rõ chữ hoặc con số để viết vào bài thi. Cả hai chị em đã tập trước ở nhà nên cũng không có gì quá bỡ ngỡ trong lần đầu tiên đi thi có "trợ lý" như thế này", thí sinh Thao chia sẻ.

Ngày 1/7, hơn 1 triệu thí sinh cả nước đã chính thức bước vào kì thi THPT quốc gia 2015. Trong kì thi năm nay, thí sinh Đỗ Thị Thao (lớp 12A3 trường THPT Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP. HCM) dự thi tại cụm thi trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Tân, TP. HCM) do trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM chủ trì. Đỗ Thị Thao là thí sinh đặc biệt được nhờ người viết bài hộ trong phòng riêng, có 2 giám thị trông thi.

 
Thí sinh Thao bị gãy tay phải (áo sọc caro) nên được đặc cách có "trợ lý"  Kim Cương viết bài hộ.
 
Vì Thao bị gãy tay phải nên không thể viết được, em được đặc cách nhờ em Nguyễn Thị Kim Cương (lớp 11, cùng trường với Thao) làm "trợ lý" viết bài hộ trong ngày thi đầu tiên của kì thi THPT quốc gia 2015. Thí sinh Thao cho biết, cánh tay của mình vẫn chưa cử động được, những ngày thi tiếp theo "trợ lý" vẫn sẽ viết bài thi hộ. "Trường hợp của em, dường như được xem là hiếm có trong kì thi THPT quốc gia năm 2015. Cánh tay của em sau bị gãy trong lần tai nạn giao thông trước kì thi quan trọng, mặc dù đã xuất viện nhưng vẫn chưa cử động được. Sau khi bị tai nạn, em liền đề xuất với nhà trường hỗ trợ làm thủ tục cho phép nhờ người viết bài hộ", Thao chia sẻ.
 
Nói về vụ tai nạn, thí sinh này kể lại: "Chiều ngày 10/6, do trời mưa nên đường quá trơn, khi em đang đi thì bị té, chống tay xuống đất. Chân em cũng bị thương, nhưng xây xát nhẹ. Lúc khi té, em chống tay nhưng không có cảm giác gì bị gãy, chỉ thấy đau ở chân. Sau đó, mới phát hiện cánh tay bị cứng đơ và không thể cử động được cho đến giờ này luôn. Em được điều trị tại Bệnh viện quận Bình Tân khi bị tai nạn và chỉ mới xuất viện cách đây vài ngày".
 

Thao cho hay, khi làm đơn đề xuất nhà trường giúp đỡ đặc cách nhờ người viết bài hộ và được cho phép, Thao đã nghĩ ngay đến bạn "trợ lý" Kim Cương, một bạn học cùng trường, cũng là người bạn thân thiết ở gần nhà để giúp mình vượt qua kì thi có bước ngoặc với cuộc đời này. "Theo quy định của quy chế thi, em chỉ chọn người học lớp nhỏ hơn, vì thế em chọn Kim Cương", Thao vừa nói và nhìn sang người "trợ lý" như cảm ơn.

 
Khi được thí sinh Thao nhắc đến mình, nữ sinh Kim Cương cười hiền: "Việc giúp đỡ chị Thao là điều nên làm trong lúc chị ấy gặp khó khăn". Kim Cương cho biết, cả hai chị em chơi với nhau từ nhỏ, nên việc học tập cũng hay giúp đỡ nhau. Khi biết người chị thân thiết bị tai nạn trước kì thi 20 ngày, nữ sinh này rất lo lắng, thường xuyên tới thăm, động viên và giúp Thao viết bài hộ khi lúc lúc ôn bài để thi tốt nghiệp. 
 
Nữ sinh lớp 11 chia sẻ: "Lo lắng cho chị Thao, nên sáng sớm em đã qua nhà chị ấy để soạn những đồ dùng cần thiết cùng đi thi với chị. Phụ huynh chở hai chị em đến trường, trước khi vào phòng thi chỉ có hai chị em và hai giám thị, cảm giác run lắm, cả hai hít một hơi sâu và động viên nhau bình tĩnh để hoàn thành bài thi tốt"
 
Thí sinh Thao cùng "trợ lý" đều mệt mỏi trong cái nắng gắt.
 
Thao và Kim Cương chia sẻ, cả hai được bố trí thi riêng ở phòng đặc biệt của trường. Trên bàn của hai người được đặt máy ghi âm để ghi lại toàn bộ quá trình thí sinh Thao đọc cho nữ sinh Kim Cương ghi chép. Phần thi của thí sinh Thao được diễn ra nghiêm túc bởi sự giám sát chặt chẽ của hai giám thị coi thi. Đối với môn Toán, cần phải làm nháp trước khi ghi vào bài thi và công đoạn này cũng được thí sinh Thao đọc chi tiết từng con số để người "trợ lý" ghi vào giấy nháp. "Em đọc và Kim Cương chỉ được phép ghi chép, không được hỏi lại bất cứ điều gì ngoài yêu cầu nói rõ chữ hoặc con số để viết vào bài thi. Cả hai chị em đã tập trước ở nhà nên cũng không có gì quá bỡ ngỡ trong lần đầu tiên đi thi có "trợ lý" như thế này", thí sinh Thao chia sẻ.
 
Sau khi viết vào giấy thi theo đúng yêu cầu của mình, thí sinh Thao cũng đọc kĩ lại từng câu chữ, con số trong bài thi để tránh sai sót. Đối với đề thi môn Toán trong năm nay, thí sinh Thao nhận xét đề thi khá vừa sức với học lực của mình. "Em làm được trọn vẹn tất cả các câu hỏi, nhưng chỉ có một số câu em chắn chắn lấy trọn điểm. Dự đoán số điểm của em cũng được loại khá", Thao nhận định về kết quả bài thi. 
 
Nhờ có người "trợ lý" đặc biệt nên nên Thao đã hoàn thành tốt bài thi trong ngày thi đầu tiên.
 
Chọn thi vào ngành dược nên thí sinh Thao sẽ thi các môn thi trong kì thi THPT quốc gia năm nay gồm Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn, Sinh học và Hóa học. 
 
Trước đó, sau khi nhận được đề xuất của thí sinh Thao, ông Phạm Thái Sơn - Hiệu trưởng trường THPT Lê Minh Xuân (nơi thí sinh Thao đang học) đã có công văn gửi Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT). Cục Khảo thí đã có văn bản hướng dẫn triển khai một phòng thi riêng với 2 giám thị coi thi, hướng dẫn học sinh lớp 11 chỉ được quyền hỏi, thí sinh Thao sẽ trả lời, không được phép trao đổi qua lại. Đồng thời sẽ đặt thêm máy ghi âm khi cần thiết và sẽ xác nhận lại nếu nghi ngờ vi phạm quy chế. Sau khi làm bài thi xong phần ghi âm trong suốt buổi thi sẽ được gửi về Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM để kiểm tra.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất