Tâm sự của một con nhà giàu không chỉ biết hàng hiệu và siêu xe
Không chỉ biết vung tiền như nước, những cô cậu quý tử thuộc thế hệ "phú nhị đại" tại Trung Quốc còn biết sử dụng chúng có ý nghĩa hơn.
Ngồi trong bảo tàng nghệ thuật tư nhân của mình, Lin Han cảm thấy tự hào vì những gì mình đang có và nghĩ về thời điểm 4 năm trước khi anh mới bắt đầu biết tới nghệ thuật. Thời điểm đó, những chàng công tử con nhà giàu thuộc thế hệ "phú nhị đại" luôn bị gán cho cái mác ăn chơi, tàn phá, hống hách và không coi ai ra gì.
Phú nhị đại là từ dùng để chỉ thế hệ giàu có thứ hai tại Trung Quốc với thành phần chủ yếu là con của các tài phiệt, tỷ phú Trung Quốc. Với họ, việc thừa kế nhiều tiền không phải một cái tội và tiêu tiền là cách để họ làm "vui lòng" bố mẹ.
Tuy nhiên, giờ đây, người ta đã thay đổi cái nhìn về thế hệ phú nhị đại khi họ không chỉ biết tiêu tiền hay đắm chìm trong thế giới của sự xa hoa lộng lẫy. Giới trẻ con nhà giàu, họ làm được nhiều điều hơn chúng ta có thể tưởng tượng.
Những thiếu gia vung tiền quá chán của thế hệ phú nhị đại tại Trung Quốc.
Lin Han đã chi tới 1 triệu USD cho tác phẩm nghệ thuật đầu tiên vào năm 2012, khi anh mới tròn 26 tuổi. Tác phẩm được vẽ bởi họa sĩ Trung Quốc Zeng Fanzhi và xuất hiện trên bìa một tạp chí nghệ thuật. Lin Han biết rằng, nếu anh chi tiền cho tác phẩm như vậy, giới báo chí và nghệ thuật sẽ hướng sự chú ý tới anh.
Và 4 năm sau, anh đã trở thành ông chủ của M-Woods, một bảo tàng nghệ thuật tại thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây là nơi trưng bày bộ sưu tập cá nhân của anh với nhiều các tác phẩm nghệ thuật; từ sơn dầu của Giorgio Morandi cho tới các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt hiện đại. Tại sảnh chính, Lin cho đặt một tác phẩm điêu khắc từ thời Đường với niên đại gần hơn 1000 năm.
"Trước đó, cuộc sống của tôi khá nhàm chán. Mọi thứ chỉ xoay quanh siêu xe và những thứ đồ hàng hiệu. Nhưng từ hơn 2 năm về trước, tôi bắt đầu sưu tập các tác phẩm nghệ thuật, và nó đã thay đổi cuộc đời tôi", Lin chia sẻ.
Nhiều người trẻ Trung Quốc quan tâm đến nghệ thuật hơn trước đây.
Lin chỉ là một trong số rất nhiều người trẻ tại Trung Quốc được hưởng những khoản tiền kếch xù từ cha mẹ. Tuy nhiên, thay vì chi tiền vào thương hiệu hay các món hàng cao cấp, họ đã biết dành tiền cho nghệ thuật, các tác phẩm điêu khắc và những bức tranh có giá trị.
Từ lâu, giới "phú nhị đại" tại Trung Quốc đã bị truyền thông chỉ trích và lên án với lối sống hợm hĩnh và thái độ ngạo mạn do gia thế của mình. Tuy nhiên, nhiều người đã quyết định thay đổi hình ảnh vốn không được tốt đẹp đó. Họ muốn chứng tỏ rằng mình cũng là những người được giáo dục tốt, có cơ hội được đi nhiều nơi để mở rộng đầu óc cũng như làm nhiều việc tốt hơn cho xã hội.
"Tôi cảm thấy cuộc sống của mình quá may mắn và tôi muốn đóng góp cho xã hội", Lin chia sẻ. Bảo tàng của anh cũng có khu trưng bày miễn phí cho du khách. Ngoài ra, nơi đây cũng tổ chức các hoạt động biểu diễn, mở cửa cho toàn thể người dân tới xem.
Nhiều người trẻ Trung Quốc giàu có đang không biết làm gì với số tiền mình có ngoài việc tiêu xài hoang phí.
Không chỉ có Lin Han, nhiều người trẻ giàu có tại Trung Quốc cũng quan tâm hơn về vấn đề nghệ thuật và đầu tư đúng đắn cho tương lai. Frank Lin, con trai của một tỉ phú tại Đài Loan. Mới đây, anh cũng tiếp quản một bộ sưu tập nghệ thuật và triển lãm cá nhân của gia đình tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Lin Han hy vọng sẽ chi thêm 3 triệu USD cho bộ sưu tập của mình, trong khi Frank Lin cũng muốn tăng thêm 50,000 -60,000 triệu USD. Nhiều người cho rằng đây sẽ là một xu hướng tích cực trong giới phú nhị đại. Trong khi cha mẹ họ bận rộn kiếm tiền, họ chi những khoản tiền có ích cho hoạt động nghệ thuật và cộng đồng.
Charles Tang là một đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ thành công tại Trung Quốc.
Nhiều thanh niên trong thế hệ phú nhị đại đã tạo được tiếng vang lớn khi tiếp quản cơ ngơi của gia đình và phát triển các tập đoàn còn phát triển hơn trước đó. Một trong số các "ông chủ trẻ" nổi tiếng của Trung Quốc phải kể tới Charles Tang, người kế thừa của tập đoàn Tomson khi tuổi đời mới ngoài 30. Dù được thừa hưởng hàng chục triệu USD từ cha mẹ, Tang có cái nhìn thực tế về những gì đang diễn ra và với anh, việc phát triển sự nghiệp là điều tối quan trọng, chứ không phải vung tiền vào các thú vui xa hoa.
Những người như Lin, Frank hay Charles Tang đang góp phần thay đổi hình ảnh của thế hệ phú nhị đại trong mắt người dân Trung Quốc và trên toàn thế giới. Họ sẽ là thế hệ tương lai thực sự góp phần phát triển đất nước, chứ không chỉ mang đến những điều tiếng như những phú nhị đại khác đang làm.
Theo Trí thức trẻ
Video được xem nhiều nhất