Sinh viên và những kẻ trọ quái tính: Ở chung phòng, dùng chung đồ, đến ngày tổng vệ sinh hay đóng tiền thì... mất hút!

Kênh 14 - 03/11/2017, 08:10

Có những căn phòng trọ "nhân khẩu" khá đông đúc, tấp nập. Khi đó ở chung phòng với nhau, dùng chung đồ nhưng cứ hễ cuối tháng, từ tiền nhà tới đủ mọi khoản khác thì chẳng hiểu sao chúng nó biến đâu mất tiêu...

Cuộc sống ở ghép của sinh viên, vui thì vui nhưng đi kèm với nhiều tình huống oái oăm. Sống với nhau tận 4 năm, thậm chí lâu hơn nữa mà 5 người 10 tính chẳng hề dễ dàng. Lắm khi cũng phát điên vì đứa này sống tính toán, chi li. Rồi lại "khổ sở" vì đứa kia lười biếng, chây ì. Cao hơn nữa là những kẻ khốn khổ phải "bỏ nhà lang bạt" nếu không may bạn cùng phòng dẫn người yêu về tá túc.

Có những căn phòng trọ với những "nhân khẩu" đông đúc, đồng nghĩa với việc chi phí ăn ở, tiền phòng gì cũng phải đếm đầu người mà chia đều ra. Vậy mà có những tên ở trọ quái tính: Chung phòng, dùng chung đồ nhưng cứ hễ đề cập tới vấn đề tiền bạc thì chẳng hiểu sao chúng nó biến đâu mất tiêu.

 - Ảnh 1.

Phòng trọ của hai bạn sinh viên tại khu vực Chùa Láng.

"Mình không làm thì đứa khác làm!" - Cuối cùng là chẳng đứa nào làm

Bản thân mỗi sinh viên không thích việc sống quá đông đúc bởi có nhiều điều bất tiện. Nhưng trong nhiều trường hợp vì hoàn cảnh không cho phép, có những căn phòng trọ nhồi nhét 5 - 6 người trong diện tích khoảng 50m2. Đây thường là chung cư đủ lớn hoặc một căn nhà được thuê sẵn rồi các bạn tự chia phòng cho nhau. Những lúc như này vì "nhà đông con" mà nếu chưa có quy định ràng buộc ngay từ đầu thì rất khó để... sống hòa thuận.

Chưa nói đề vấn đề tiền và tình - vốn là hai thứ dễ tác động đến tâm lý của bất kỳ ai, kể cả sinh viên, chỉ riêng thói quen sinh hoạt và giữ vệ sinh cũng nảy sinh nhiều câu chuyện "dở khóc dở cười" mỗi ngày. "Chúng mình cùng sống ở trong 1 căn nhà nhiều phòng ở Chùa Láng, chủ yếu các bạn đi tắm toàn không tắt máy nóng lạnh nên dễ gây nguy hiểm. Dù mình đã nhắc nhở nhiều lần nhưng tình trạng vẫn cứ như thế" , Khánh Linh (SV năm cuối ĐH Ngoại Thương) chia sẻ.

 - Ảnh 2.

 

Thông thường, để dễ sinh sống với nhau nhất là xung quanh có quá nhiều bạn cùng ở ghép, việc đầu tiên cần phải thẳng thắn. Đơn giản như đồ ai người nấy dùng, quần áo ai người nấy giặt, trừ một số vật dụng buộc chung thì mới chung. Ngoài ra cũng cần phân công công việc rõ ràng, nếu người này đi chợ, nấu cơm thì người kia rửa bát, dọn dẹp nhà cửa. Tình trạng thường thấy tại những hộ dân đông đúc là việc chây ì và đổ thừa cho nhau. Những lúc như này suy nghĩ của 4 - 5 đứa đều tăm tắp như một:

"Yên tâm, mình không làm thì có đứa khác làm!". Và như thế, tất nhiên chả đứa nào làm cả...

"Nhà 5 người mà lúc nào cũng bừa bộn vì không ai chịu dọn dẹp cả như kiểu "cha chung không ai khóc". Có những lúc cô chủ bất ngờ tới kiểm tra đã rất bực mình và dọa đuổi cả phòng. Về sau bọn mình phải quy định lại rõ ràng với nhau chứ như này thì ôm đồ "đầu đường xó chợ" từ lâu rồi" , Mai Thu (SV năm 2 ĐH Ngoại ngữ) tâm sự.

 - Ảnh 3.

 

Sống với nhau ngày qua ngày chả sao nhưng hễ cứ cuối tháng nhận hóa đơn tiền điện, tiền nước thì đứa nào đứa nấy "méo xệch" cả mặt. Việc nhiều bạn dùng hoang phí, bình nóng lạnh bật chả bao giờ tắt, máy sấy tóc cứ vô tư sấy cả tiếng, máy tính xách tay sáng điện cả ngày lẫn đêm. Có lẽ vì sống đông quá nên giờ cũng chẳng thể nói được ai, cả phòng họp nhau quán triệt đôi ba câu, phải thật tiết kiệm nhưng rồi tháng sau, tháng sau nữa lại cứ như thế.

"Ở với nhau phải biết tiết kiệm cùng nhau chứ. Bản thân mình trước cũng từng trải qua chuyện như này sau chuyển ra ở riêng cho thoải mái. Ngày đó bài ca muôn thuở mãi cất lên: tại sao tôi dùng ít mà bạn dùng nhiều thế???", Minh Tâm (SV ở Hà Nội) chia sẻ.

Những sinh viên "hành tung bất định", cứ hễ đến ngày đóng tiền thì... mất hút!

Trước cả chuyện tình cảm, bạn cùng phòng dắt người yêu về ngủ qua đêm thì tiền nong được xếp vào hạng "thượng thừa". Bằng một cách thức nào đó, chuyện tiền bạc không rõ ràng sẽ là cách thức chia rẽ tình bạn nhanh nhất. Trong đủ thứ khoản phải nộp thì tiền nhà có lẽ là câu chuyện được xem là "muôn thuở". Cá nhân ai thì không rõ chứ riêng sinh viên có cả kho bí kíp để "trốn tiền nhà", cứ hễ đến ngày lại không thấy tăm hơi nhau đâu.

Đó là những khi bố mẹ chưa kịp gửi tiền, tiền lương làm thêm chưa nhận được hoặc lắm khi lỡ "vung tay quá trán" cho những nhu cầu bản thân. Thế là tiền nhà tháng này lại khất rồi! Cũng thương cho cô bác chủ trọ "réo" từ cách đây cả tuần nhưng sinh viên cứ "nhây", tìm kế thoát lui khỏi "vòng chiến sự". "Đa phần các bạn đều nộp muộn tiền nhà 2, 3 ngày hoặc có những khi vì mình quên nhắc nên việc thu tiền cũng khó khăn" , Khánh Linh kể.

 - Ảnh 4.

Cuốn sổ chi tiêu liệt kê rõ ràng các khoản thu chi khác nhau để cuối tháng "hạch toán".

Có những bạn "kinh nghiệm" hơn chia sẻ rằng việc trốn nhà "đi chơi xa" là thường tình mỗi khi đến ngày cuối tháng. Đây là lúc phòng của đứa bạn nào đó là "mái nhà thứ hai", cứ qua đó trốn 2, 3 ngày chờ khi nào có "quỹ" rồi mới hiên ngang về nhà. Thậm chí còn hài hước hơn khi cả lũ ở trong phòng khóa trái cửa, nghe ngóng tiếng cô chủ nhà tới là tắt đèn, im thin thít coi như... "vườn không nhà trống", thế là lại qua được một ngày bình yên.

"Hành tung bất định" của nhiều bạn sinh viên lắm khi còn khiến mấy đứa cùng phòng méo mặt. Một tháng 30 - 31 ngày, mới qua tháng này tháng sau đã lũ lượt kéo tới mà tiền nhà thì chưa có kịp. Vì bạn liên tục "quên" gửi lại tiền phòng nên cách tốt nhất là cứ hãy "biên sẵn một lá thư" như sau: "Ngày 10 rồi làm ơn để lại tiền nhà trước khi đi làm" để nhắc khéo những đưa hay "đãng trí" như thế!

 - Ảnh 5.

Thường thì nước mắm, đồ gia vị phục vụ nấu ăn...

 - Ảnh 6.

... hay những chai lau sàn, chùi nhà vệ sinh sẽ được các bạn mua chung và chia tiền cuối tháng.

Ở trọ ngoài những vật dụng cá nhân, vật bất ly thân mỗi đứa dùng riêng thì cũng có nhiều thứ phải mua chung. Thu Hoài (SV ĐH Ngoại thương) kể cô với bạn cùng phòng có cuốn sổ nhỏ để ghi chép mọi thứ chi tiêu trong nhà, từ chuyện đi chợ hôm nay hết bao nhiêu đến việc ai nợ ai, mọi thứ đều thật rõ ràng và cuối tháng chia đều cho nhau.

"Mình nghĩ đây là cách hợp lý nhất khi sống trọ. Tiền nong là thứ cần phải thẳng thắn với nhau, đừng để hôm sau hai đứa không thể nhìn mặt nhau chỉ vì từng gói bột canh, chai nước mắm".

 - Ảnh 7.

 

Theo Trí thức trẻ

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất