Sinh viên mới ra trường tìm việc, cần lưu ý điều gì???
Trước tiên, hãy xác định 5 điều sau đây, bạn sẽ biết mình nên hướng đến đâu, làm gì, làm thế nào… để có được công việc mơ ước.
Sinh viên mới ra trường tìm việc có thể gặp nhiều thách thức nhưng đó cũng là cơ hội để bạn rèn luyện bản thân, trau dồi các kỹ năng và trưởng thành hơn trong nghề nghiệp và cuộc sống. Nếu bạn không nằm trong số những người may mắn vừa ra trường đã có việc làm chờ sẵn, bạn có thể cảm thấy hơi bối rối và căng thẳng, không biết mình nên bắt đầu từ đâu. Điều này là bình thường và bạn cũng đừng quá vội vàng để rồi tự tạo thêm áp lực cho mình.
Trước tiên, hãy xác định 5 điều sau đây, bạn sẽ biết mình nên hướng đến đâu, làm gì, làm thế nào… để có được công việc mơ ước.
Xác định công việc mà bạn mong muốn
Nếu bạn không biết mình muốn làm việc ở đâu và muốn làm gì, bạn sẽ nộp đơn cho mọi công việc bạn nhìn thấy. Điều này sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian, công sức và sẽ sớm chán nản, dù là tìm việc làm ở Sài Gòn, Hà Nội hay nhiều nơi khác.
Do đó, đầu tiên hãy hình dung về nơi bạn mong muốn làm việc, loại công việc bạn muốn làm và mức lương bạn cần có để đủ sống. Từ đó, bạn có thể tìm kiếm các công ty phù hợp với yêu cầu của mình.
Biết kỹ năng nào giúp bạn có được công việc mơ ước
Bạn đã hình dung về công việc mơ ước của mình, với các tiêu chí về mức lương, môi trường làm việc, văn hóa công ty và tập trung ứng tuyển vào những công việc đáp ứng toàn bộ hoặc hầu hết các tiêu chí đó. Tuy nhiên, trong thời gian đầu tìm việc, đôi khi bạn sẽ phải chấp nhận những vị trí thấp hơn tiêu chí mà bản thân đặt ra. Bởi lẽ, bên cạnh trình độ chuyên môn, các nhà tuyển dụng mong muốn tìm kiếm những ứng viên có kinh nghiệm và sở hữu một số kỹ năng mềm cần thiết.
Do đó, trong quá trình làm việc hoặc tham gia các kỳ thực tập sau tốt nghiệp, bạn nên chú trọng bổ sung và cải thiện các kỹ năng của mình, để dễ dàng có được công việc mơ ước đồng thời vững vàng hơn trên con đường sự nghiệp.
Tuy nhiên, cũng đừng quá cứng nhắc, nếu bạn tìm thấy một công việc ổn định, nhưng bạn thiếu một vài kỹ năng, bạn vẫn nên nộp đơn - nhà tuyển dụng có thể sẵn sàng đào tạo những ứng viên phù hợp.
Nhận ra những điểm mạnh có thể thay thế cho kinh nghiệm làm việc
Thực tế là hầu hết sinh viên mới ra trường đều chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng đừng vì thế mà mất tự tin và từ bỏ cuộc chạy đua việc làm trước khi bắt đầu.
Hãy suy nghĩ về những điểm mạnh của bạn. Trình độ chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ, các bằng cấp khác… Ngoài ra, bạn có những hoạt động tình nguyện, xã hội khi còn ở trường đại học; hay bạn từng tham dự các cuộc thi tài năng dành cho sinh viên; bạn đạt thành tích cao trong kỳ thực tập; hoặc bạn sở hữu những phẩm chất như chăm chỉ, năng động, sáng tạo…? Tất cả những điều này có thể trở thành thế mạnh nếu bạn biết đề cập đến chúng một cách khéo léo trong CV.
Kỹ năng viết CV
Hãy nhớ rằng CV là bộ mặt của bạn, là tấm vé thông hành giúp bạn vượt qua “cửa ải” đầu tiên của nhà tuyển dụng, để đến với vòng phỏng vấn. Nhiều sinh viên mới ra trường tìm việc chưa thấy được tầm quan trọng của tấm vé thông hành này nên viết CV một cách cẩu thả, hời hợt, thậm chí chỉ dùng một CV để gửi đến hàng chục công ty khác nhau.
Để tránh sai lầm này, bạn nên đầu tư viết CV một cách cẩn thận, làm sao để nêu bật được các thế mạnh của bản thân và tạo ấn tượng chuyên nghiệp, khiến nhà tuyển dụng để mắt đến hồ sơ của bạn. Điều đó cũng có nghĩa là bạn sẽ phải dành một chút thời gian để chỉnh sửa lại CV của mình cho phù hợp với từng công việc. Ngoài ra, bạn đừng quên đọc lại CV nhiều lần để sửa lỗi chính tả, lỗi diễn đạt…, tránh để hồ sơ của bạn bị nhà tuyển dụng cho ra rìa bởi những sai lầm không đáng có.
Sẵn sàng cho buổi phỏng vấn
Cuộc phỏng vấn là một trong những thời khắc quyết định trong quá trình tìm việc. Thông thường, rất khó để sinh viên mới tốt nghiệp không vấp phải sai lầm khi lần đầu tham gia phỏng vấn. Và ấn tượng ban đầu có thể là ấn tượng cuối cùng của nhà tuyển dụng về bạn.
Do đó, hãy chuẩn bị tốt tâm lý và đừng quên luyện tập trả lời các câu hỏi phỏng vấn ở nhà. Trước hết, hãy nghiên cứu về công ty, sau đó tự đặt ra các câu hỏi cụ thể cho vị trí mà bạn đang muốn nhận được, rồi tập trả lời trước gương, hoặc nhờ bạn bè, gia đình lắng nghe và góp ý. Càng luyện tập nhiều, bạn càng cảm thấy thoải mái hơn khi đến các cuộc phỏng vấn thực sự.
Đừng học thuộc lòng các câu trả lời của bạn để rồi tuôn ra một cách máy móc, mà thực hành để làm quen với những gì bạn muốn nói. Hãy tập kể ra những ví dụ, các tình huống trong quá khứ, để nêu bật các phẩm chất hoặc kỹ năng của bạn, về kỹ năng giải quyết vấn đề, tinh thần hợp tác, khả năng đàm phán, sự khéo léo trong giao tiếp… Đó là cách để giúp sinh viên mới ra trường tìm việc thành công.
Kiều Giang
Video được xem nhiều nhất