Sau khi bị cô giáo Mỹ tạt mắm tôm, bé gái lại nhận "hình phạt" đáng sợ hơn từ cư dân mạng

Kênh 14 - 29/06/2016, 17:39

"Gặp tui là tui... vặn cổ!", "Trẻ con hư đốn, tạt mắm tôm là còn nhẹ rồi!", "Cho nó ăn tương ớt với ớt bột luôn đi!, "Tát vập mặt nó ra".... Và đó là cách mà đám đông hung hãn nói về việc nếu-được- trừng- phạt một bé gái 5 tuổi?!

Tối 22/6 vừa qua, bé Bùi Ánh Nguyệt (5 tuổi) ở nhà với mẹ tại tầng 3, tòa nhà 16B, Nguyễn Thái Học, Hà Đông, Hà Nội. Đối diện căn hộ của hai mẹ con bé Nguyệt là một phòng ở và dạy học của cô giáo người Mỹ. 

Cửa phòng của cô giáo bị hư nên cô thuờng xuyên để cửa mở trong lúc dạy học. Và thế là các bé sống ở tòa nhà cứ thay nhau chạy ra chạy vào, đùa giỡn trong lúc cô giáo đang dạy, trong số những đứa trẻ tinh nghịch ấy, có cả bé Nguyệt.

Sau khi bị cô giáo Mỹ tạt mắm tôm, bé gái lại nhận hình phạt đáng sợ hơn từ cư dân mạng - Ảnh 1.

Bé Nguyệt sau khi bị cô giáo người Mỹ tạt mắm tôm lên người.

Bé Nguyệt mới 5 tuổi, cũng là độ tuổi bắt đầu có nhiều thay đổi về sinh lý, trí tuệ và tâm lý, nhưng vẫn chưa ý thức được việc mình làm nếu không có sự dạy dỗ từ người lớn. 

Mẹ của bé đã thanh minh với cô giáo sau khi bé quậy phá lớp học của cô, rằng: "Dù cháu có làm gì thì cũng chỉ là trẻ con". Nếu mẹ của bé nói một cách đầy đủ hơn, thì phải là "Dù cháu có làm gì thì cũng chỉ là trẻ con chưa được dạy dỗ đúng đắn!". Đó cũng là cách "giảm tội" cho một đứa trẻ hiếu động nhưng trong đó, người mẹ vẫn nhận lấy một phần trách nhiệm về mình.

Sau khi bị cô giáo Mỹ tạt mắm tôm, bé gái lại nhận hình phạt đáng sợ hơn từ cư dân mạng - Ảnh 2.

Một tài khoản phân tích rằng, nếu không cho đứa bé "nếm mùi hậu quả" do chính nó làm ra thì nó sẽ không bao giờ lớn. Và cách mà người này đưa ra để dạy dỗ bé là: vặn cổ nó!

Cứ hình dung bạn sẽ làm gì nếu là một đứa trẻ 5 tuổi đi: Bạn về nhà thì thấy cô giáo và các anh chị lớn tuổi đang học ở phòng đối diện, cảnh tượng có vẻ rất sinh động vì có nhiều người, có giọng nói, tiếng cười, chắc chắn là vui hơn căn nhà chỉ có mình mẹ của bạn đang chú tâm nấu bữa tối rồi. 

Thế là bạn chạy tót qua phòng học của cô giáo, bạn đâu biết cô đã dán giấy cảnh báo lên cửa, đã dặn dò ba mẹ bạn không được cho bạn sang đây nghịch phá, vì mẹ bạn có nói cho bạn biết đâu (hoặc có nói nhưng bạn quên mất rồi!). Cứ thế bạn chạy tới chạy lui, chạy ra chạy vào, bạn lấy bánh quy để ăn, lấy phấn viết bảng của cô để nghịch, vui chơi tự nhiên như ở nhà vậy đó. Cho đến khi cô giáo bỗng hất mắm tôm uớt hết cả người, bạn mới hoảng sợ và chạy về nhà... mách mẹ!

Nếu bạn 15 tuổi, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự ngỗ nghịch của mình và tự nhận ra một bài học về việc tôn trọng sự riêng tư của người khác. Nhưng với một đứa bé 5 tuổi, điều mà nó học được chỉ là: Cứ chạy nhảy đi, cứ quậy phá đi, và mắm tôm sẽ lại tung tóe lên người, vậy thôi! Chưa kể, nó còn hoảng sợ không biết vì sao sau khi mình bị tạt mắm tôm, thì mẹ lại nổi đóa lên rồi phi sang tận phòng cô để lại tiếp tục tranh cãi, giằng co, và những cuộc đấu khẩu của người lớn cứ thế diễn ra từ ngày này qua ngày khác. Này mọi người ơi, có ai ngồi lại giải thích cho con hiểu sự tình đúng sai thế nào không?

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, trên mạng xã hội, nhiều người thay vì nhìn nhận thiếu sót từ người lớn, từ cô giáo người Mỹ, thì họ đổ mọi tội lỗi lên người bé gái 5 tuổi và đưa ra các "gợi ý" về hình phạt để răn đe đứa bé như: bạt tai, vặn cổ, tạt tương ớt, ớt bột, thậm chí có người còn bảo, với những đứa con nít hư hỏng này thì phải... bưng nó đi làm mắm!

Sau khi bị cô giáo Mỹ tạt mắm tôm, bé gái lại nhận hình phạt đáng sợ hơn từ cư dân mạng - Ảnh 3.

"Đồ của mình, nhà của mình mà vào phá, mình không chửi không đập mới lạ!".

Sau khi bị cô giáo Mỹ tạt mắm tôm, bé gái lại nhận hình phạt đáng sợ hơn từ cư dân mạng - Ảnh 4.

Rất nhiều người ủng hộ hành động của cô giáo người Mỹ.

Chúng ta đã từng rất nhiều lần đau đầu với bọn trẻ con, chúng chạy ầm ầm trên tàu lửa hay khóc điếc cả tai trên máy bay, chúng kéo nhau ra ngõ bày đủ các trò chơi ồn ào đến phát ngán vào mỗi buổi chiều, thậm chí chúng còn thản nhiên lấy bánh kẹo nhà mình ăn ngon lành. Chúng vô tư vì chưa đủ ý thức về môi trường xung quanh để biết những hậu quả do mình gây ra và trách nhiệm của người lớn là chỉ ra thế giới của bé không thể là bất cứ nơi đâu được, chứ không phải trói tay trói chân hoặc buông những lời đe dọa kinh khủng để bọn trẻ sợ phát khiếp và ngồi im với nỗi ám ảnh lớn dần theo năm tháng.

Và nếu tuổi thơ bạn cũng một lần hư hỏng để phải nhận những trận đòn roi, hy vọng đó là cách những người lớn muốn bạn trưởng thành chứ không phải chỉ để đánh cho... hả giận!

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất