Phượt thủ Việt chia sẻ kinh nghiệm leo núi an toàn
Tuyệt đối không đi một mình, cần có người bản địa đi cùng, chọn thời gian - địa điểm hợp lý, nhất thiết phải có dụng cụ bảo hộ... là những điều cơ bản một phượt thủ muốn leo núi cần biết.
- Có hay không việc cứu hộ chậm, mãi 6 ngày mới tìm thấy thi thể phượt thủ người Anh ở Fansipan?
- Nơi phượt thủ người Anh gặp nạn là vực sâu hiểm trở nhất Fansipan
- Chân dung "phượt thủ" người Anh thiệt mạng ở Fansipan
- Facebooker đồng loạt tìm kiếm phượt thủ Anh mất tích ở Sa Pa
- Hà Nội: Bạn bè tiếc thương nam phượt thủ 25 tuổi ra đi vì tai nạn giao thông
Sự việc một vận động viên leo núi người Anh tên Aiden Webb leo đỉnh Fansipan và mất tích gây đau lòng. Thi thể của Webb vừa được tìm thấy sau nhiều ngày. Thông tin ban đầu, Webb đã để bạn gái ở khách sạn và một mình leo núi sau ngày 2/6 khi đặt chân đến Sa Pa. Những hình ảnh trên trang cá nhân cho thấy Webb thường chinh phục nhiều vách núi bằng tay mà không cần nhiều đến dụng cụ bảo hộ như giày, găng tay, dây thừng...
Du khách người Anh - Webb đam mê chinh phục các vách núi. |
Từ câu chuyện của Webb, iOne có có cuộc trò chuyện với 2 phượt thủ có nhiều năm leo núi để chia sẻ kinh nghiệm đảm toàn tính mạng. Đó là bạn Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Trọng Tú (cùng sinh năm 1992) đến từ Hội những người thích leo núi Việt Nam.
Chọn thời gian và địa điểm
Thanh Sơn và Trọng Tú bật mí khoảng thời gian đẹp nhất để leo núi là từ cuối tháng 9 đến tháng 3 năm sau vì thời tiết khô ráo, ít xảy ra những trường hợp như mưa, sương nhiều, lũ quét... Cần nắm bắt thời tiết bằng cách theo dõi các dự báo, thăm hỏi người dân bản địa... trước khi lên đường. Tuyệt đối không có chuyện "nổi hứng" kiểu thích là "xách ba lô lên và đi".
Về địa điểm đi, Thanh Sơn, Trọng Tú khuyên nên chọn những ngọn núi quen thuộc, không có độ nguy hiểm quá lớn, ít vực sâu, có review từ những người đi trước... Thanh Sơn bật mí những ngọn núi phổ biến mà dân phượt hay lựa chọn hiện nay là: Fansipan, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên, Pu Ta Leng, Lảo Thẩn, Tà Xùa...
Trọng Tú tiết lộ khoảng thời gian an toàn nhất cho việc leo núi thường là 2 ngày 3 đêm hoặc 2 ngày 1 đêm. "Thời gian như thế này là hợp lý để bạn kịp thích nghi và cân bằng được sức lực sau khi trở về. Nếu như đi quá dài ngày dễ bị sốc và sức khỏe khó được đảm bảo", Tú cho hay.
Khi đã quyết định chọn cung đường đi, bạn cần phải xin phép, thông qua chính quyền, khai báo rõ ràng với đồn biên phòng ở khu vực về số lượng người, ngày đi, ngày về... Thanh Sơn cho biết, hiện nay các bạn trẻ muốn chinh phục các ngọn núi đều phải book tour qua một công ty du lịch nào đó. Thông qua hình thức này bạn sẽ không phải lo các thủ tục khai báo và được mua bảo hiểm cho chuyến đi.
Đừng leo núi một mình
Cả Thanh Sơn và Trọng Tú đều không tán thành việc leo núi một mình. Cho dù bạn là một người giàu kinh nghiệm đi chăng nữa thì chưa chắc bạn đã nắm vững địa hình ở ngọn núi muốn chinh phục.
Khi leo núi cần đi theo đoàn, hạn chế tối đa việc đi một mình vì dễ gặp nguy hiểm. |
"Trong mỗi chuyến leo núi nhất thiết bạn phải có một người dân bản địa am hiểu địa hình đi theo để hỗ trợ. Như bọn mình, mỗi lần đi thì trung bình cứ 3 du khách sẽ phải có một người bản địa đi theo. Họ sẽ giúp bạn mang hành lý và xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra trên cung đường đi", Thanh Sơn chia sẻ.
Rèn luyện thể lực
Việc leo núi đòi hỏi người chinh phục phải có thể lực tốt, bền bỉ. Chính vì thế, bạn cần phải chuẩn bị một sức khỏe tốt để đảm bảo chuyến đi diễn ra tốt đẹp. Theo Thanh Sơn, cần phải có kế hoạch leo núi từ trước đó ít nhất một tháng. Như thế bạn sẽ có thời gian tập luyện, nâng cao thể lực của mình trước khi lên đường.
"Một người leo núi nhiều năm cũng phải tuân thủ nguyên tắc này chứ không phải đùng cái là đi được. Điều đó thật sự nguy hiểm", anh chàng nói.
Chuẩn bị dụng cụ
Trong các chuyến phượt, đặc biệt là leo núi thì phải luôn đặt sự an toàn của bản thân lên hàng đầu. Các dụng cụ cần thiết cho một chuyến leo núi cần phải có: Giày chống trơn trượt, găng tay, quần áo thoải mái cho việc di chuyển, bó gấu quần, dây thừng (thường có hai loại là dây thừng bình thường loại 8 hoặc 10 và loại dây cáp có móc neo)...
Khi leo núi nhất thiết phải có dụng cụ bảo hộ như giày, gang tay chống trơn trượt, dây thừng... Ảnh: Climber |
Ngoài ra cần chuẩn bị các loại thuốc men như đau bụng, đau đầu, chống côn trùng... Với những bạn có bệnh riêng biệt thì cần trang bị thuốc cá nhân đầy đủ, hợp lý.
Sẵn sàng tâm lý
Trọng Tú chia sẻ, một người muốn leo núi phải là người thật sự tự tin, không sợ độ cao. Nếu không đáp ứng được yếu tố này thì trong quá trình lên cao sẽ bị ngợp, chân tay bủn rủn... dễ đánh mất tinh thần.
Trong quá trình leo núi
Là một người từng chinh phục gần 10 ngọn núi cao ở Việt Nam trong 3 năm, Trọng Tú chia sẻ một số kinh nghiệm khi leo núi bằng dây và leo qua các vách đá:
- Leo từ từ ở những vách núi khó, cố gắng bám thật chặt rồi mới di chuyển.
- Tìm những điểm tiếp vách quen thuộc từ những người đi trước trên đường leo.
- Trong trường hợp phải leo bằng dây thì nhất thiết phải có 2 dây: một dây bám để di chuyển, dây kia cột vào người như là dây bảo hiểm.
Xử lý tình huống bất ngờ
Khi gặp sự cố thì người trưởng đoàn phải thật sự bình tĩnh để trấn an mọi người để tránh tạo cảm giác hoang mang, lo sợ.
Trường hợp dễ gặp phải nhất khi leo núi là chuột rút hoặc trật khớp chân. Lúc này cần di chuyển chậm lại để xem xét.
Nếu gặp tình trạng ngất xỉu thì hô hào người có hiểu biết về y khoa trong đoàn xem xét (nếu có). Sau đó nhờ người bản địa dìu người này về trạm dừng chân nghỉ ngơi hoặc đưa xuống chân núi nếu không thể tiếp tục theo đoàn.
Trong trường hợp bị trật chân trong khi leo thì phải tìm cách bấu víu, bám chặt vào một cành cây chẳng hạn. Sau đó cần hô lên để người khác biết và giúp đỡ. Nếu không tiếp tục di chuyển được thì sẽ làm cáng để đưa về trạm dừng chân nghỉ ngơi.
Trường hợp bất ngờ và nguy hiểm hơn cần kêu gọi người bản địa, nhờ lực lượng chức năng hỗ trợ.
Trọng Tú - bạn trẻ có kinh nghiệm nhiều năm leo núi. |
Một số tips khác:
- Tuyệt đối tuân thủ người hướng dẫn.
- Không tách đoàn hay có thái độ bất mãn trong quá trình leo núi.
- Không hấp tấp, hồ đồ trong việc lựa chọn và quyết định. Ví dụ: Nên chinh phục các ngọn núi dễ đến khó để làm quen thay vì muốn thể hiện, thích "đốt cháy giai đoạn".
- Tuyệt đối không leo núi khi có thời tiết xấu như mưa, tuyết, sạt lở, lũ quét...
Video được xem nhiều nhất