Nước mắt âu lo của người mẹ về tương lai của nữ sinh lớp 10 bị cưa chân

Kênh 14 - 17/03/2016, 10:40

"Buồn lắm! Đau lắm! Nhưng mình đau một thì con gái đau mười. Nếu cháu nhìn thấy tôi khóc thì sẽ xót hơn gấp nhiều lần. Nên đau đớn cỡ nào tôi cũng đâu dám khóc", người mẹ nghẹn ngào nói.

Được hỗ trợ lắp chân giả trong vài ngày tới

Ngày 16/3, Ban giám đốc Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng TP. HCM ngỏ ý muốn giúp đỡ em Lê Thị Hà Vi lắp chân giả để em được đi lại bình thường sau khi biết được thông tin em phải cưa một chân do sự tắc trách của Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin trước đó.

Theo gia đình, dự kiến trong vài ngày tới, Vi sẽ được chuyển đến để được hỗ trợ chăm sóc và điều trị tâm lý. Sau đó, các bác sĩ sẽ làm chân giả cho em tập luyện.

 - Ảnh 1.

 Chân phải bị hoại tử trước đó do sự tắc trách của bệnh viện tuyến huyện.

Bác sĩ Đỗ Lê Hoàng Sơn (Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, Vi được bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk chuyển đến vào tối 11/3. Lúc nhập viện, chân phải đã bị hoại tử nặng. Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, giảm đau, truyền máu và theo dõi.

Kết quả chụp phim cho thấy động mạch cẳng chân phải có nhiệm vụ chuyển máu nuôi cơ thể từ chân trở xuống đã bị tắc. Dù cố gắng chữa trị nhưng tình trạng hoại tử không giảm, nguy cơ nhiễm trùng đe dọa tính mạng người bệnh tăng cao.

 - Ảnh 2.

 Hình ảnh cô nữ sinh xinh đẹp tạm gác lại giấc mơ sau khi mất một chân do bác sĩ.

Sau khi tư vấn cho gia đình, ekip mổ được thực hiện với ý định còn nước còn tát. Tuy nhiên, trong quá trình mổ khám sát, chân phải của bệnh nhân đã chết, không còn khả năng hồi sinh. Do đó, chỉ có một lựa chọn cuối cùng là cắt bỏ 1/3 dưới đùi bên chân phải.

"Buồn lắm! Đau lắm! Nhưng mình đau một thì con gái đau mười"

Có mặt tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM), chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến bà Nguyễn Thị Lan (39 tuổi, mẹ em Vi) ngồi tại hành lang mà nước mắt lưng tròng. Bà nghẹn ngào khi nghĩ về tương lai của con gái sau khi bị cưa chân.

Bà Lan khóc: "Con tôi mới 15 tuổi, cắt cụt chân thì phải làm sao? Tương lai của cháu sẽ sống như thế nào khi còn đang ở tuổi ăn học. Mỗi khi nhìn vào chiếc chân cụt của con gái, tôi lại không cầm được nước mắt". Sợ con gái buồn, mắt ngân ngấn nước, chị lại chạy ra hành lang hay vào nhà vệ sinh để khóc.

"Buồn lắm! Đau lắm! Nhưng mình đau một thì con gái đau mười. Nếu cháu nhìn thấy tôi khóc thì sẽ xót hơn gấp nhiều lần. Thương mà cũng không dám khóc", người mẹ xót xa.

 - Ảnh 3.

 Người mẹ tâm sự rất lo lắng cho tương lai của con gái sau khi bị cưa chân.

Thở dài trong tuyệt vọng, bà Lan chia sẻ về thời điểm kinh hoàng khi nhận tin con gái bị tai nạn. Bà kể: "Trưa 6/3, tôi đang ở trên rẫy thì nhận được điện thoại thông báo con gái bị tai nạn giao thông nhẹ, đang được điều trị tại bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk). Gác lại công việc, tôi chạy vội đến bệnh viện và được bác sĩ cho biết cháu Vi bị gãy chân, vỡ mâm chày chân phải bó bột và gia đình chúng tôi đồng ý chỉ mong con không có gì nghiêm trọng".

"Trong thời gian được bó bột, không hiểu sao cháu Vi liên tục kêu đau. Vợ chồng tôi nhiều lần nhờ bác sĩ xem xét. Nhưng bác sĩ luôn bảo, tình trạng đau khi bó bột là điều bình thường, không có gì phải lo ngại cả", bà Lan chia sẻ thêm.

Ngày hôm sau, người mẹ thấy chân của con gái ngày càng phồng to, tím tái. Hoảng hốt, gia đình tìm đến giám đốc bệnh viện cầu cứu.

 - Ảnh 4.

 Hiện tại tình hình sức khỏe của em Vi tạm thời trong tầm kiểm soát và vài ngày tới sẽ lắp chân giả.

Đáp lại lời thỉnh cầu của người nhà bệnh nhân đang bị nặng là thái độ dửng dưng xem nhẹ của vị bác sĩ. "Ông bác sĩ vẫn khẳng định, chân con tôi phồng to, tím tái chỉ là do dị ứng với thạch cao bó bột và sẽ được phẫu thuật vào ngày 8/3. Vợ chồng tôi là nông dân có biết gì đâu, nói sao nghe vậy nên tất cả lòng tin đặt vào cái tâm với người bệnh của vị bác sĩ đó", bà Lan nói trong đau đớn.

Tuy nhiên, theo bà Lan, trong ngày 8/3, em Vi vẫn không được mổ. Tối cùng ngày, cô bé vẫn khóc rất nhiều vì quá đau đớn khi vết thương hành hạ. Lúc này, bác sĩ xuống khám, sau đó tiêm cho em Vi một mũi thuốc giảm đau nên mới chợp mắt được.

Khi vợ chồng bà Lan nhiều lần thắc mắc, bệnh viện mới bỏ phần thạch cao thay bằng nẹp vải ở chân cho em Vi. Nhưng tình trạng vẫn không hề khuyên giảm, chân của em Vi vẫn ngày càng phồng to, tím tái hơn. Đặc biệt, năm ngón chân phồng rộp, xuất hiện bỏng nước.

Sau nhiều lần xin chuyển viện lên tuyến trên nhưng bất thành vì bác sĩ cố giữ lại, mãi đến ngày 11/3, em mới được chuyển vào phòng mổ nhưng lúc này chân bị quá nặng do đã hoại tử nên bác sĩ mới chấp nhận chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Sau đó lại chuyển tiếp vào TP. HCM vì bệnh viện tuyến dưới không thể làm gì được.

"Khi đến bệnh viện Chợ Rẫy, tôi chết ngất khi được thông báo động mạch chủ chân phải của Vi đã bị tắc. Bác sĩ chẩn đoán chân của con tôi đã bị hoại tử không thể giữ lại vì mạch máu hoại tử có thể ảnh hưởng đến tính mạng nên không thể loại trừ trường hợp phải cưa chân. Tôi đã lặng người đi khi nghe bác sĩ ở đây thông báo phải cưa chân con mới mong giữ được tính mạng", người mẹ rùng mình nhớ lại giây phút suýt mất con.

Đình chỉ công tác 4 người liên quan đến vụ nữ sinh bị cưa chân

Ngày 16/3, bác sĩ Trịnh Đức Lam, Phó giám đốc kiêm trưởng khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin và điều dưỡng Lê Thị Long bị đình chỉ công tác 15 ngày.

Trước đó, bác sĩ Y Tâm (người trực tiếp bó bột cho em Vi) và điều dưỡng Vũ Thị Kim Len (cùng công tác tại Khoa ngoại - Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin) cũng bị đình chỉ công tác 15 ngày để phục vụ công tác điều tra, xác minh.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất