Nhớ quán bánh trôi tàu của bác Phạm Bằng
Chúng tôi - những người trẻ Hà Nội - vẫn luôn coi quán bánh trôi tàu góc phố Hàng Giầy của bác Phạm Bằng là nơi chốn hẹn hò quen thuộc mỗi khi đông về.
Quán nhỏ nơi góc phố Hàng Giầy bao nhiêu năm qua đã trở thành địa chỉ quen thuộc của dân Hà thành. Mọi người đến vì tò mò muốn gặp người nghệ sĩ già nổi tiếng cũng có, đến để nói dăm ba câu chuyện với một người Hà Nội cũng có.
Hay có một thế hệ trẻ như chúng tôi tìm tới quán bác đơn giản vì muốn thưởng thức món bánh trôi tàu nóng hổi, cảm nhận vị ấm trong lòng bàn tay, trên đầu lưỡi để như thấy sao mình giàu có quá, sở hữu cả con phố thân quen ấm áp.
Bác Phạm Bằng hay nói đùa, kiểu pha trò nhẹ nhàng mà đầy thấm thía. Nhiều khách đến ăn tưởng gia đình bác có nghề bán chè gia truyền.
Hình ảnh nghệ sĩ Phạm Bằng khi còn trẻ. |
Nhưng không, hàng bánh trôi tàu "già" 25-26 tuổi này thuở ban đầu mở vì thu nhập nghề diễn viên của bác không đủ nuôi gia đình. Thế nên bác hay nói, đây là quán "gia truyền đời đầu".
Vài hôm quán vắng, có thời gian nói chuyện, bác trêu đám con gái 19-20 tuổi, nếu bây giờ còn trẻ, có khi bác cũng là "dân chơi" phố cổ.
"Tôi một thời là cậu ấm của đất Hà Thành đấy chứ. Gia đình làm ăn phát đạt cũng có của ăn của để.
Tôi theo nghề diễn từ cái thời mà cả Hà Nội này chỉ có một đoàn nghệ thuật hoạt động năm 60. Hồi đấy kịch, phim, múa, cải lương đều sinh hoạt chung. Mà ngày xưa, Hà Nội bé tí, hội làm nghệ thuật ai cũng biết nhau", bác nói.
Khí chất của người con phố cổ còn đầy ăm ắp trong ánh mắt của bác: tinh nhanh, chắc chắn và kiên định. Giọng nói trầm, ấm áp, ít nhấn nhá, hay như một nhà văn nữ từng viết "phát âm nhẹ như tiếng gió thổi qua chiếc lá mỏng tang". Đó là điều đến tận bây giờ tôi vẫn thường thấy ở những chàng trai Hà Nội gốc.
Nhóm trẻ chúng tôi thích đến quán bác vì ông chủ vui tính. Khác với hình ảnh cường hào ác bá thời phong kiến trên sân khấu, hay ông sếp khó tính ngày bé thường xem trong Gặp nhau cuối tuần, ngoài đời bác giản dị, điềm tĩnh, nhưng vẫn mang vẻ dí dỏm thường có của các nghệ sĩ hài.
Chúng tôi đến đơn giản vì chè ngon. Quán 30 Hàng Giầy chỉ bán độc 3 loại: bánh trôi tàu, lục tàu xá, chí mà phù. Cứ tầm đầu tháng 9 đến tháng 4 hàng năm, quán đắt hàng lắm.
Bác Bằng cũng không giấu bí quyết làm bánh riêng cho mình. Nhà bác chỉ đặt mua loại gạo cũ, loại gặt từ năm trước để dành tới năm nay. Loại này rất khó mua mà giá thì cao, nhưng khi lên bánh dai, không bị cứng hay nát.
Bát lục tàu xá có hạt sen, đậu xanh, vỏ quýt, vào sâu mùa đông có thêm mã thầy đưa vị. Nhiều quán bán thêm cả long nhãn, nhưng bác Bằng sợ giá cao, không khách nào dám ăn.
Chí mà phù chỉ có hạt vừng đen và đường nhưng lại là loại chúng tôi hay chọn nhất vì mùi vị thơm thơm, man mát, béo béo của hạt vừng xay nhuyễn hấp dẫn đến khó quên.
Nhiều người trẻ thích bánh ở quán vì ít nhân, vị không ngọt nhưng thanh đạm, dễ ăn, không ngấy. Vỏ bánh dẻo, thơm, ăn với nước chan sanh sánh dễ vào.
Nhớ biết bao mùa đông, buổi chiều trời lạnh căm, hai bàn tay buốt giá cứ xoắn xuýt vào nhau, 4-5 đứa lên đây ngồi ăn bát bánh trôi giữa xung quanh tấp nấp gió mùa.
Bát bánh trôi tàu thanh đạm, nhân dừa xào, vỏ dẻo mềm với nước chan sóng sánh phù hợp cho những ngày chuyển mùa. |
Nhiều bạn gái rỉ tai nhau, thích lên quán bác vì được nghe kể chuyện tình. Mà có đâu xa, là chuyện của bác với người vợ "thương một đời, khó quên một đời" - người đã qua đời 15 năm trước.
Bác Bằng kể bà chăm chỉ chịu khó, dáng vẻ hiền lành, ánh mắt có gì đó cam chịu và luôn dõi theo cuộc đời bác.
Quán nhỏ dựng ngoài vỉa hè này cũng chính là ân tình của vợ để lại cho bác. Ngày đấy, phố Hàng Giầy chủ yếu là người Hoa. Bà đã tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của bao hàng quán xung quanh rồi tạo nên món bánh trôi đặc biệt của riêng gia đình.
Quán đơn sơ với đôi bàn tay của người vợ tần tảo chính là động lực giúp bác hoàn thành biết bao vai diễn để đời. Những tháng năm nghèo khổ, vất vả, nếu như không phải là bà cùng những hy sinh ấy, sẽ chẳng có diễn viên Phạm Bằng hôm nay.
Từ ngày bà qua đời, bác cứ ở vậy, lủi thủi trong ngôi nhà đơn sơ, đến ốm đau cũng không muốn phiền con cái mà lẳng lặng với thuốc men. Bác nhớ bà, bao nhiêu tâm huyết lại dành cho quán nhỏ.
Sự hy sinh của người vợ thương yêu đã giúp tạo nên diễn viên tài năng Phạm Bằng. |
Đối với những người trẻ sinh năm 80 - đầu năm 90 tại Hà Nội, tới quán bánh trôi tàu của bác Phạm Bằng vào thời điểm giao mùa và mỗi khi trời trở lạnh dường như đã trở thành một thói quen.
Chúng tôi không cần nói địa điểm, chỉ cần "bánh trôi tàu nhé" là đứa nào đứa nấy tự đi tới 30 Hàng Giầy. Đứa bạn du học xa về, chiêu đãi gì nhau cũng không bằng bát chí mà phù 15.000 đồng.
Lắm đứa, chuyển công tác vào tận miền Tây, mỗi lần ghé về Hà Nội, cũng cố í ới nhau qua quán bác Bằng, ăn liền hai bát bánh trôi.
Rồi bạn bè vùng khác tới chơi, tiệt chẳng nghĩ ra mời món gì ngoài bát lục tàu xá ấm áp của mùa đông Hà Nội.
36 phố phường có bao nhiêu quán bánh trôi tàu, như Chè bốn mùa - Hàng Cân, Chè Điệp Béo - Hàng Điếu, Chè Hương Hải - Hàng Bạc, nhưng chúng tôi cứ lưu luyến quán bác Bằng, chắc tại quen, hoặc có khi vì những điều xưa cũ chẳng muốn xa rời.
Tầm tháng 11/2014, những tưởng quán đóng cửa vì bác ốm một trận, lại thêm hai cuộc phẫu thuật lớn, bao đứa trong chúng tôi đã buồn.
Sau đấy một năm, khoảng tháng 8/2015, lại có tin bác mở quán lại thì chúng tôi đã kịp mỗi đứa một nơi. Tôi vào Sài Gòn, một đứa du học rồi định cư luôn ở Pháp, hai đứa trong nhóm theo gia đình đi Đà Nẵng, đứa ở lại cũng có mái ấm riêng.
Hôm nay, nghe tin bác qua đời, cả nhóm lại nhắn nhau: " quá. Nhớ Hà Nội của chúng mình quá"
Video được xem nhiều nhất