Người cha 51 tuổi cùng thi đại học với 2 con trai: "Không bao giờ quá trễ để thực hiện uớc mơ!"
30 năm trước, ông Thọ rời bỏ giảng đường khi đang là sinh viên năm 2. Những sóng gió cuộc đời rồi cũng qua, con cái lớn khôn, ông quyết định viết tiếp uớc mơ còn dang dở của mình bằng việc cùng với 2 người con trai ôn thi đại học trong năm nay.
- Loại mặt nạ hai nguyên liệu “thần kì” giúp giải quyết hàng tá vấn đề về da
- Nữ sinh Đà Nẵng xinh xắn, đa tài, tự lập từ năm 16 tuổi
- Nếu muốn đẹp, hãy bắt chước gu thời trang của hot girl số 1 Thái Lan
- Hành trình đấu tranh sống thật với giới tính của bà mẹ một con xinh đẹp lưỡng tính
- Hà Nội: Đường nghìn tỷ biến thành nơi phơi quần áo, “đại công trường” xây dựng
Trong căn nhà nhỏ chưa đến 50 m2 nằm sâu trong hẻm đường Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TP. HCM), người cha già cặm cụi viết từng công thức toán học lên bảng đen, ngồi bên dưới, hai cậu con trai lẩm bẩm ghi nhớ rồi đọc lại đề toán, áp dụng công thức mà bố "gợi ý" rồi bắt đầu giải.
Một ngày của ba cha con ông Văn Bá Thọ (51 tuổi) đều có những giờ phút ôn tập như thế. Ai đến nhà chơi cứ tưởng ông đang dạy con học bài, nhưng thật ra, ông vừa dạy, cũng là vừa học, thậm chí còn học siêng hơn cả hai cậu con trai của mình. Bởi ông và các con đều muốn cùng nắm tay vào giảng đường đại học trong năm nay.
Ông Thọ cùng 2 người con trai đang ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (kết quả đợt thi này sẽ được d xét tuyển vào Đại học).
Hai cậu con trai của ông Thọ là Văn Bá Chương (22 tuổi, đã tốt nghiệp THPT) và Văn Thiên Tường 19 tuổi (học sinh Trung tâm GDTX huyện Hóc Môn). Năm ngoái, Bá Chương thi THPT quốc gia được 19,5 điểm, Chương nộp xét tuyển vào ngành Công nghiệp thực phẩm nhưng bị rớt vì thiếu 1 điểm. Năm nay, cậu vẫn quyết tâm phải thi đậu vào ngành này vì đó là uớc mơ, là công việc chuyên ngành mà Chương mong muốn được làm khi ra trường.
Để đỡ đần cho cha mẹ, Chương vẫn đi làm công nhân ở một xưởng may cách nhà đến 20km nên không có nhiều thời gian học. "Mình vẫn sắp xếp được giờ làm và giờ học, lại được bố mẹ và em trai động viên nên mình có thêm động lực để cố gắng" , Chương nói.
Bá Chương đã thiếu 1 điểm để đậu Đại học vào năm ngoái nên cậu rất quyết tâm "phục thù" trong năm nay.
Chương thích công nghệ thực phẩm, còn bố và em trai thì lại nuôi uớc mơ làm bác sĩ, thầy y để cứu giúp người khác. Hơn 30 năm trước, ông Thọ lúc ấy còn ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, ông là sinh viên ngành y học cổ truyền của một trường Cao đẳng của tỉnh. Chàng sinh viên ham học ngày ấy đã phải bỏ dở uớc mơ làm thầy thuốc chỉ vì gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Ông kể về quãng thời gian đầy nuối tiếc đó: "Lúc đó gia đình không đủ điều kiện cho tôi học tiếp, nên đành "giữa đường đứt gánh", lao ra đời làm thuê làm mướn phụ giúp gia đình. Sau này, tôi cưới vợ rồi vào Sài Gòn tiếp tục mưu sinh để nuôi 2 đứa con trai và người mẹ già nay đã hơn 90 tuổi".
Ông Thọ quyết viết tiếp uớc mơ dang dở thời sinh viên của mình.
Mỗi ngày ông đều lấy tập vở ra ôn luyện rất chăm chỉ.
Anh trai làm công nhân, còn cậu em Thiên Tường cũng không chịu ngồi yên một chỗ. Tường nhập quần áo để bán hàng online. Cứ đi học về là Tường kiểm tra đơn hàng khách đặt trên mạng rồi tất bật chạy đi giao. Còn ông Thọ thì làm gia sư cho một số học sinh cấp 3. Cả ba bố con họ đều học, đều làm, và đều chung một giấc mơ vào giảng đường.
Ban ngày ai đi học thì đi, ai đi làm thì đi, nhưng tối về thì quây quần ôn tập cùng nhau.
Tường còn được ba huớng dẫn học theo các bài giảng trên mạng.
Đoạn nào khó hiểu, ông sẽ đứng cạnh bên giải thích lại cho các con.
Dự kiến năm nay, ngành y học cổ truyền tại Đại học Y dược TP HCM mà ông Thọ sẽ xét tuyển vẫn duy trì đầu vào khá cao (từ 24-25 điểm ba môn thi) nhưng ông Thọ vẫn tự tin mình có thể vượt qua.
"Tôi chưa bao giờ từ bỏ uớc mơ trở thành người thầy thuốc để bốc thuốc, châm cứu, giúp đỡ người khác. 30 năm qua tôi đã quá vất vả để nuôi lớn gia đình, con cái, phải neo đậu uớc mơ ở bến đợi quá lâu rồi, đây là lúc để tôi viết tiếp uớc mơ dang dở của mình" , ông cười, chia sẻ.
Nhiều người biết tin ông đăng ký thi THPT quốc gia năm nay để nuôi mộng vào Đại học, ai cũng cười, bảo ông gàn dở, từng tuổi này không lo nghỉ ngơi mà còn cắp sách đến trường với bọn trẻ. Nhưng dù bao nhiêu người nói rằng đã muộn màng, đã quá trễ, nhưng ông Thọ vẫn khẳng định: "Không bao giờ quá trễ để thực hiện uớc mơ! Tôi sẽ không nản chí dù thất bại. Năm nay rớt, năm sau thi tiếp, đến khi nào đậu thì mới thôi".
Có lẽ ông nói đúng, chẳng ai đánh thuế uớc mơ của mình và cũng không gì là quá muộn để bắt đầu lại tất cả. Quan trọng là bạn có dám làm hay không thôi.
Video được xem nhiều nhất