Ngọt ngào những bức thư không tem gửi tới bố
Bỏ qua những ngại ngần, ngượng nghịu thường thấy khi bày tỏ tình cảm với những người đàn ông trong gia đình, hàng nghìn độc giả đã "dũng cảm" dám bày tỏ tình yêu với bố, với người đàn ông trong nhà, cuộc thi "Bố là tất cả" trở thành cầu nối yêu thương...
- Cảm động bức ảnh “nụ hôn cho con”, dân mạng sôi sục tìm ông bố lạ mặt
- Câu nói rung động về "ngôi nhà và những đứa trẻ" của các ông bố nối tiếng
- Ông bố xăm trổ nổi tiếng gây sốc khi trang điểm, mặc váy cô dâu
- Ông bố Việt có tài sản "kếch xù" là hàng nghìn bộ ảnh chụp con gái
- Ông bố gây chú ý trên mạng với cách chăm con độc đáo
"Tôi chưa từng nói với bố rằng “con yêu bố”, nhưng tôi hy vọng với bài viết này, mặc dù biết bố sẽ không bao giờ đọc được, nhưng tôi muốn chia sẻ tình cảm của mình với mọi người, rằng tôi đã may mắn có được người bố tuyệt vời như thế nào" - một độc giả đã viết như thế trong bài dự thi Bố là tất cả của mình. Đó có lẽ cũng là tâm tư chung của hàng nghìn độc giả đã gửi bài dự thi về chiến dịch.
Với nhiều người, để nói lời yêu thương, thổ lộ tình cảm đến những người thân trong gia đình, đặc biệt là những người đàn ông, là một việc khó khăn. Cái "ngài ngại", ngượng nghịu khi nói rằng: "Con yêu bố" hay "Cảm ơn bố" đôi khi ngăn cản chúng ta trao gửi tình cảm tận đáy lòng đến người cha, người đàn ông của gia đình mình.
"Bố à, con yêu bố!" - hình xăm độc đáo của độc giả Nguyễn Thị Hà Thu đã thay lời muốn nói.
Có những lời gọi, lời thổ lộ tình cảm muộn mằn, đầy nước mắt được các độc giả gửi đến chiến dịch, như một lời nhắn nhủ: Đừng tiết kiệm với yêu thương, khi ta còn có cơ hội nói trực tiếp điều đó với cha mình, như bài viết đầy khắc khoải của độc giả Đặng Thị Tuyết Vân: Con nhớ ba. Chị viết: "Giờ đây, con biết đi tìm ba ở đâu đây? Con thèm được gọi ba: "Ba, Ba, Ba ơi!”. Lâu rồi con chưa được gọi ba. Ba đang ở đâu vậy ba? Ba có khỏe không? Phải làm sao thì con mới được gặp ba đây? Con gái …nhớ ba. sao lâu rồi ba không gọi cho con nữa? Không có ai nhắc nhở con, không ai la con không biết giữ gìn sức khỏe, không ai mỗi ngày hỏi con ăn cơm chưa?… Rồi đây trên đoạn đường phía trước ai sẽ nắm tay con, dìu dắt con đi nữa đây ba? Con sợ, sợ lắm ba! Sợ cái cảm giác ba nằm đó mà con gọi ba không nghe, con sợ lúc người ta đưa ba đi, con đã gọi ba rất nhiều, sao ba không trả lời, ba để người ta đem ba đi mất, ba để chị em con mất ba mãi… Ba ơi, về lại với mẹ con con được không ba?"
Cũng có những "lời thú tội" muộn mằn như bài dự thi của độc giả Nguyễn Thị Hồng Duyên. Trong câu chuyện về bố của mình, chị kể: "Tôi còn thấy bố có những sở thích “kì quặc”, ai cũng thích ăn ngon mặc đẹp, vậy mà bố tôi cứ đôi dép tổ ong, vẫn chiếc áo sờn quanh năm suốt tháng. Đã vậy nhà có đồ ăn ngon, bố ít khi ăn, toàn bảo hai mẹ con ăn. Món cơm khô với mắm, không ăn canh dường như lúc nào cũng trở thành món chính của bố", ta tưởng tượng ra một ông bố có phần "ki bo" như lời chị nói, nhưng phảng phất trong đó là tình yêu dành cho vợ con. Nhưng sự thật đằng sau cái thói quen ngộ nghĩnh, chỉ ăn cơm khô mà không chan canh của người bố, khi được phát hiện, cũng là lúc ông bỏ nhà ra đi sau khi bị lừa hết vốn liếng, lại khiến chúng ta không khỏi sửng sốt: "Một lần, có dì của bố tới thăm hai mẹ con, tôi đã nghe được những câu chuyện đầy xúc động về bố. Bố mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ, thiếu tình thương vô bờ bến, rồi những cơn bạo bệnh mà bố phải tự chống chọi. Lúc bé khi sang nhà dì ăn, bố múc cơm không ăn, đến khi người ta múc canh vào chan thì bố khóc bởi lẽ, “Chan canh rồi thì ăn cơm không no”. Đói tới mức như thế, nên thói quen ăn đạm bạc ấy theo suốt tới giờ. Thế mà có lúc tôi bảo với mẹ: "Bố chỉ thích ăn đồ dở thôi, đồ ngon không bao giờ bố ăn đâu", ngẫm lại tôi hối hận vô cùng!"
Ảnh dự thi "Kho báu của cha" do độc giả Nguyễn Minh Quang gửi về Bố là tất cả.
Nhiều bài dự thi Bố là tất cả khác, không chạm đến nỗi đau mất mát, sự thiếu vắng hơi ấm bàn tay của bố mà truyền cảm hứng bởi sự đáng yêu và ngọt ngào trong ký ức. "Bức thư không tem" của độc giả Võ Thị Như Trang là một bài viết như vậy.
Tên chiến dịch "Bàn tay của bố" cũng là một gợi ý để các độc giả chia sẻ tình cảm, suy nghĩ của mình. "Có lẽ sau này ở bất kì giai đoạn nào của cuộc đời, nếu con cho phép bản thân được bình tâm và nhớ nhung về quá khứ thì đôi bàn tay ba sẽ là bức ảnh đẹp nhất trong trí nhớ con. Đôi bàn tay ấy, mẹ khen đẹp. Nhưng thời gian và gánh nặng cuộc đời đã khiến nó lấm lem màu khổ cực, màu lo toan. Bàn tay ba to với nhiều vết chai sần, da tay thô ráp, đầu ngón tay bị vết dầu nhớt ôm trọn, loang lổ những vệt đen do tiếp xúc nhiều với hóa chất. Nhưng, đôi tay ba đủ ấm áp và chắc chắn để nắm tay dắt con bước qua sóng gió cuộc đời. Ba dạy con biết đặt hết đam mê vào mơ ước, ba dạy con yêu thương những người đối tốt với mình, ba dạy con tự bước chân lên núi cao,và ba nói rằng ba tự hào về con..." - chia sẻ của độc giả Phạm Ngân. Đầy hoa mỹ, chị dặn dò: "Xin cho con trồng hoa trên đôi vai ba, để về sau, trên vai ba là hương thơm và hạnh phúc chứ không còn là gánh nặng và khổ đau".
Hàng trăm bài viết, lời chia sẻ, hàng trăm câu chuyện cảm động về những người bố đã được kể một cách đầy say mê, ngập tràn tình yêu bởi những độc giả của aFamily.vn. Và những bức ảnh ngộ nghĩnh, những video quay lại khoảnh khắc tuyệt vời giữa cha và con cũng được gửi đến chiến dịch, như nhân rộng tình yêu, niềm tự hào với những người đàn ông của gia đình.
"Ba đã chăm sóc 2 mẹ con từ lúc mẹ còn mang thai. Khi con chào đời, ba bồng con trên tay, ba thức suốt đêm khi con bệnh, ba ru con ngủ dù là ngày hay đêm để mẹ được nghỉ ngơi, ba thay tã, giặt quần áo, chăm sóc con ... còn tốt hơn cả mẹ" - chia sẻ của mẹ Ken.
Bức ảnh "Bố con thời công nghệ" của độc giả Trần Thùy Dung.
Bên bố, chúng con luôn hạnh phúc.
Video được xem nhiều nhất