''Ngày 8/3 giống như bao ngày, vẫn lăn lộn mưu sinh kiếm sống''
Mùng 8/3 là ngày Quốc tế phụ nữ, là ngày mà một nửa thế giới được tôn vinh, nhận lời chúc tụng tốt đẹp từ người thân. Thế nhưng vẫn còn những người phụ nữ lầm lũi, tất bật với nỗi lo cơm áo gạo tiền, không hề biết đến không khí 8/3 là gì.
- Bất ngờ khi biết loạt sao Việt đình đám này lại không quan tâm đến ngày 8/3
- Hãy kể về món quà 8/3 khiến bạn ấm ức khóc mãi không thôi?
- 10 LỜI CHÚC 8/3 HÀI HƯỚC và TÌNH CẢM nhất, quý ông nào cũng nên dành cho mẹ!
- Xa xỉ phẩm 8/3: Tranh mạ vàng 24k, hoa hồng "3 trong 1"
- Hậu 8/3 hoa bị vứt thành núi, cô gái này vẫn hạnh phúc vì bạn trai tặng liền 8 bó hoa
Những người phụ nữ vô gia cư tha hương
Gọi bác Ninh là người phụ nữ tha hương vì bác đã rời quê nhà ở Nghệ An suốt 5 năm nay chưa một lần về thăm. Bác cũng là một trong số hàng trăm người vô gia cư ở Hà Nội lấy những con phố làm nhà, gầm cầu làm nơi trú mưa tránh rét.
Dù là người vô gia cư nhưng bác Ninh vẫn có tài sản là 1 chiếc xe đạp cà tàng và thúng hàng. Ngày ngày bác Ninh vẫn quẩy gánh rau củ từ chợ đầu mối về bán ở chợ cóc phường Thành Công. Mỗi ngày, bác bán được hơn 70.000 đồng tiền lãi, ngày lãi ít thì 30.000, 40.000 đồng. Ngày nào bán không hết thì cuối ngày bác bán rẻ cho những cửa hàng cơm.
Năm nay bác Ninh mới 52 tuổi nhưng vẻ mặt đã già đi rất nhiều. Bác kể: "Mỗi tháng tôi cũng kiếm được khoảng triệu rưỡi. Ngủ ở đường, gầm cầu nên tôi không mất tiền thuê trọ. Tiền kiếm được bao nhiêu thì tôi gửi hết về quê ở Nghệ An cho đứa con trai chữa bệnh".
Khi hỏi bác ăn uống thế nào, bác Ninh thật thà kể: "Tôi ngủ cùng mấy người nữa ở gầm cầu Long Biên, cứ đến tối khoảng 11h thì sẽ có người đến phát đồ ăn từ thiện, có sữa, có bánh mì. Ăn no rồi thì tôi để lại một ít cho sáng hôm sau ăn lót dạ rồi mua hàng sớm để bán".
Khi hỏi về cảm nhận về ngày 8/3 sắp tới, bác Ninh cười buồn: "Mùng 8/3 là ngày gì hả cô, từ ngày rời quê lên thành phố kiếm ăn tôi chưa một lần về quê. Mỗi lần gửi tiền về quê cho con thì ra bưu điện xin gọi điện về nhà họ hàng gặp con 1 lần để biết con vẫn nhận tiền đều. Nghe tin con ốm yếu hơn thì chẳng còn tâm trạng gì cả. Có là ngày 8/3 hay là ngày gì thì với tôi vẫn như một ngày bình thường thôi, mỗi ngày kiếm được tiền là mừng rồi".
Cũng giống bác Ninh, chị Liễu cũng là một người vô gia cư đang kiếm sống tại Hà Nội. Khác một nỗi, chị Liễu mỗi tháng vẫn về quê ở Nam Đình 1 lần để thăm chồng con. Chị Liễu kiếm sống bằng cách đi nhặt phế liệu, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 50.000 đồng. Có hôm nhặt được đồ đồng nát thì kiếm được tiền trăm.
Chị Liễu cho hay: "Chồng tôi cũng muốn ra Hà Nội kiếm tiền cùng vợ, nhặt phế liệu mỗi ngày vẫn kiếm được hơn là làm ruộng. Nhưng ở quê còn họ hàng, 3 đứa con đang tuổi ăn học nên mình tôi đi Hà Nội, chồng ở nhà làm nông và chăm con. Mỗi tháng tôi tích cóp cũng gửi được về cho gia đình gần 2 triệu".
Kể chuyện của mình, chị Liễu cười buồn: "Tha hương cũng khổ lắm, thân cô thế cô nhiều khi tủi thân vô cùng. Tôi không dám nói chồng biết là mình ngủ ngoài đường, chồng con hỏi thì bảo thuê phòng trọ giá rẻ ở gần đê sông Hồng với mấy người đồng hương nữa. Tôi sợ chồng con lo rồi không cho đi làm nữa".
Thấy không khí mùng 8/3 rộn ràng ở khắp các con phố, chị Liễu nói đùa: "Đến mỗi đợt 8/3 tôi cũng vui lắm, kiếm được thêm chút tiền đấy. Người ta mua từng lẵng hoa đi tặng nhau, được nửa tuần thì vứt cả lẵng lẫn hoa ra bãi rác, tôi nhặt riêng lẵng bằng gỗ và bán cũng được kha khá".
Nói đến đấy, giọng chị Liễu bỗng trầm lại: "Lần trước gọi điện về, chồng bảo 8/3 sắp xếp về với các con nhưng tôi không dám về, vì ngày ấy có nhiều giấy báo bị các cửa hàng vứt đi lắm. Cố gắng đạp xe quanh thành phố cũng kiếm được chục cân phế liệu. Mùng 8/3 thì phụ nữ được tặng hoa, còn những người như tôi thì đi nhặt nhạnh những thứ bỏ đi để kiếm thêm tiền".
Có là ngày 8/3 thì vẫn chỉ là một ngày mưu sinh
Đối với chị Thu, ngày mùng 8/3 cũng chỉ là một ngày mưu sinh bình thường, nhưng chị có phần tất bật và "hạnh phúc" hơn những ngày khác.
Chị Thu làm nghề bán hoa quả dạo gần trường Đại học trên đường Nguyễn Phong Sắc. Cứ mỗi buổi trưa, chị lại gọt sẵn mía, dứa, củ đậu để bán cho các sinh viên, học viên đi học về buổi trưa.
"Mùng 8/3 nhiều lớp tổ chức tiệc tùng, ra đặt tôi gọt cho cả chục cân dứa, củ đậu, mía để liên hoan ngọt. Những lúc ấy thì tôi bận phải biết, được cái kiếm được thêm nhiều tiền, bán được nhiều hàng hơn".
Đối với chị, những ngày lễ như 8/3 chỉ đơn thuần là một dịp để kiếm được thêm tiền chứ không phải ngày để chị hưởng thụ sự nghỉ ngơi như những người khác.
Sau mỗi ngày bán hàng, chị Thu lại tất tả đạp xe hàng 15 km để về nhà ở Hà Đông. Chồng chị đi làm ăn xa ở mãi miền Nam, mình chị ở lại nuôi cô con gái đang học cấp II.
Khi hỏi về suy nghĩ về ngày 8/3, chị Thu cho hay: "Tôi mong đến ngày 8/3 lắm, cả 20/10 nữa. Dù không được nhận hoa hay lời chúc của ai nhưng vẫn vui vì bán được nhiều hàng. Thế là đủ lắm rồi".
Đối với bà Thê, ngày 8/3 vẫn như bao ngày khác. Vẫn là đẩy xe thuê đi bán hàng rong từ 7h sáng, trưa bán bóng bay ở bờ hồ, chiều lại bán đồ chơi ở cổng trường mầm non. Mỗi ngày đều lầm lũi kiếm tiền trang trải cuộc sống đắt đỏ ở Hà Nội.
Bà Thê sống cùng vợ chồng nhà con gái trong một con hẻm ở phường Dịch Vọng Hậu. Dù là sống cùng nhưng bà Thê vẫn sinh hoạt riêng, mọi chi tiêu hàng ngày bà vẫn tự mình chi trả vì không muốn bị cho là kẻ ăn bám.
"Vì ở quê chẳng còn ai nên tôi lên sống cùng vợ chồng con gái. Con gái lấy chồng có nhà Hà Nội nhưng cuộc sống cũng khó khăn lắm, chúng nó cũng phải nuôi 2 đứa con đang tuổi học. Tôi cũng ngại ăn không ngồi rồi nên vẫn kiếm thêm việc để làm, chi tiêu riêng, tích cóp được bao nhiêu thì để dành, sau này chết thì cũng có chút ít cho các cháu" - bà Thê kể.
Đã gần 7 năm nay, bà Thê đi đẩy xe thuê bán đồ, mỗi tháng bà cũng được trả công hơn 1 triệu đồng, cộng thêm tiền bán những thứ lặt vặt, bà cũng tự trang trải được cuộc sống mà không phải dựa dẫm vào con cái. Với bà, 8/3 cũng chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác, chỉ là một ngày mưu sinh kiếm sống, lăn lộn trên những con đường.
"Tôi biết mùng 8/3 là ngày Quốc tế phụ nữ chứ gì. Nhưng ngày ấy tôi vẫn đẩy xe đi bán hàng. Được cái cô con gái còn nhập thêm cho tôi ít hoa về bán dạo ở cổng trường, thế mà cũng kiếm được thêm lãi gần trăm nghìn. Nếu ngày 8/3 mà bán được thêm tiền thế này thì tôi mong ngày nào cũng là 8/3" - bà Thê kể nửa đùa nửa thật.
Theo Lương Chi/Emdep.vn
Link gốc: http://emdep.vn/nhip-song/ngay-83-giong-nhu-bao-ngay-van-lan-lon-muu-sinh-kiem-song-20170304205635857.htmVideo được xem nhiều nhất