Mê Harry Potter, nữ sinh Kiến trúc "xây" trường Hogwarts giống từng milimet
Ngôi trường phù thuỷ Hogwarts đã được Nguyễn Nhật Linh tái hiện bằng bọt xốp, giấy vệ sinh trong 404 giờ làm việc.
"Xây" trường phù thủy vì quá đam mê Harry Potter
Trong buổi offline của những fan hâm mộ Harry Potter ở Việt Nam, các bạn trẻ đã không khỏi “mắt tròn mắt dẹt” khi được chứng kiến tận mắt mô hình ngôi trường phù thuỷ Hogwarts to bằng cái giường của cô gái Nguyễn Nhật Linh (1995, sinh viên ngành Thiết kế đồ hoạ, Đại học Kiến Trúc Hà Nội).
Nguyễn Nhật Linh - tác giả của mô hình ngôi trường phù thuỷ Hogwarts.
Trên thế giới, những mô hình như thế này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay và lần đầu tiên, một người có thể tự làm được mô hình lớn đến như vậy.
Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho chủ nhân của nó. Và câu hỏi phổ biến nhất là: Bạn làm bằng cách nào?
Nói về lý do làm toà lâu đài này, Nhật Linh chia sẻ: "Từ nhỏ, mình đã yêu thích Harry Potter và đã đọc hết cả bộ truyện này. Sau lần làm một cái hộp thuốc lấy ý tưởng từ toà lâu đài, các bạn đã khuyến khích mình làm mô hình lâu đài hoàn chỉnh.
Ban đầu, mình chỉ định làm để giải toả stress sau một biến cố cá nhân. Nhưng càng làm, mình càng cuốn vào nó và không thể dừng lại được. Kết quả, toà lâu đài khi hoàn thành có kích thước lên tới 1,9x2,1m, tương đương với một chiếc giường."
Để làm được ngôi trường phù thuỷ Hogwarts, Nhật Linh đã tham khảo các ảnh chụp từ mô hình gốc tại studio ở Hollywod. Tuy nhiên, do vấn đề bản quyền nên bản thiết kế của toà lâu đài không được tiết lộ. Trong quá trình làm, Linh vừa phải nhìn ảnh, vừa phải đoán dựa theo logic và những chi tiết trong truyện.
Ngôi trường phù thủy giống từng milimet.
Để làm được toà lâu đài lớn như thế này, Linh đã phải rất kỳ công ghép từng tấm bọt xốp (foam pvc) lại với nhau bằng keo dán. Còn bề mặt thì cô bạn dùng giấy vệ sinh quết màu acrylic để vừa tạo màu, vừa tạo sự xù xì cho căn nhà.
Ban đầu, mô hình còn nhỏ, Linh làm nó tại nhà. Có những ngày, cô bạn làm liên tục 16 tiếng bởi đã làm là không thể dứt ra được. Mỗi khi đi ngủ, Linh vẫn thường nghĩ tới các chi tiết chưa hoàn thành và ngay khi tỉnh dậy, cô bạn lại bắt tay vào làm tiếp.
Tuy nhiên, càng lúc, mô hình càng lớn. Phòng của Linh không thể chứa nổi nên cô sinh viên Kiến trúc phải chuyển sang để nhờ nhà một người bạn.
Do gia đình bạn có người già nên dù rất muốn, mỗi ngày cô bạn cũng chỉ có thể làm tối đa 8 tiếng.
Nhớ về những ngày tháng “ăn Hogwarts, ngủ Hogwarts”, Linh chia sẻ: "Có những lúc keo dính vào vết vừa chảy máu làm mình xót đến điếng người. Nhưng sau đó lại vui vì keo đã dính rồi thì không còn dính thêm vào đó được nữa."
Miệt mài từ ngày 27-5 đến ngày 25-7, cuối cùng mô hình cũng chính thức hoàn thiện sau đúng 404 giờ làm việc.
Điều đặc biệt của toà lâu đài là dù chỉ được kết dính bằng keo nhưng vô cùng chắc chắn. Cả mô hình có thể để nghiêng hay lật úp lại mà không bị biến dạng.
Gây sốt cả 9Gag
Ngày vận chuyển toà lâu đài tới địa điểm offline, cả nhóm 6-7 người đã phải cùng nhau khiêng đi hơn một cây số. “Lúc đó, mọi người nhìn chúng mình không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Còn đám trẻ con thì chạy theo, reo hò trước mô hình kỳ lạ.” - Nhật Linh vui vẻ nhớ lại.
Nhưng vất vả để làm mô hình bao nhiêu thì sự vui sướng khi nó được mọi người tán thưởng lại lớn bấy nhiêu. Trong buổi offline, rất nhiều fan Hary Potter đã không khỏi trầm trồ và khen ngợi cô bạn khi đã kỳ công làm một mô hình lớn đến vậy.
Không những thế, toà lâu đài còn được chia sẻ trên 9Gag (một trang mạng rất lớn chuyên chia sẻ những điều thú vị của giới trẻ thế giới). Hàng nghìn bạn trẻ khắp thế giới cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ và ngạc nhiên vì sự kiên trì “không tưởng” của Nhật Linh.
Trang 9Gag phấn khích trước mô hình này.
Sau thành công của ngôi trường phù thuỷ Hogwarts, Nhật Linh sẽ làm thêm những mô hình khác nhỏ hơn để có thể dễ dàng vận chuyển, bảo quản cũng như bán lại cho những người yêu thích.
Xem thêm một số hình ảnh của mô hình này:
Video được xem nhiều nhất