Ma lực bóng cười, kẻ thù ẩn danh
Bất chấp UBND TP Hà Nội đã có công văn cấm học sinh sử dụng bóng cười bởi những tác hại của nó, nhưng nhiều bạn trẻ đang có xu hướng sử dụng bóng cười như một thú vui. Đặc biệt, tại nhiều quán cà phê, bar, bóng cười được bày bán công khai.
- Linh Miu livestream cảnh thổi bóng cười, cố tình khoe vòng 1 đầy phản cảm
- Cô gái hít bóng cười bị tê liệt chân tay
- Không thể vừa đội vương miện vừa hút thuốc lá vừa hít bóng cười được, Kỳ Duyên ạ!
- Sau gần 1 ngày lộ clip thổi bóng cười, hình ảnh mới nhất Hoa hậu Kỳ Duyên hút thuốc lá tiếp tục bị phát tán
- Hoa hậu Kỳ Duyên dùng bóng cười, thoải mái khoá môi bạn trai trong góc tối
Bày bán công khai
Theo ghi nhận của phóng viên, tại quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng không khó để bắt gặp những quán cà phê, bar, karaoke người trẻ tụ tập từng nhóm bên những quả bóng cười đầy màu sắc. Nhiều quán công khai để hình bóng cười trước cửa, trong Menu (thực đơn), thậm chí còn chạy quảng cáo công khai trên mạng xã hội để lôi kéo khách đến quán.
Bóng cười được các quán cà phê quảng cáo công khai trên mạng xã hội.
Anh Hoàng Lâm, chủ quán cà phê bóng cười gần Nhà thờ Lớn Hà Nội cho biết, dù mới xuất hiện ở Việt Nam chưa lâu, nhưng loại “bóng vui vẻ” này đang được nhiều bạn trẻ ưa thích. Giá mỗi quả bóng dao động từ 30.000 - 100.000 đồng/quả, tuỳ kích cỡ. Theo anh Lâm, ở bar hay quán karaoke, giá cao hơn, từ 100.000 đến 200.000 đồng/quả.
“Bán cái này lãi cao hơn đồ uống, bởi những con nghiện thường phải hút 2-3 quả mới phê. Khi đã là khách quen sẽ hút khá đều”, anh Lâm nói.
Khi được hỏi về việc TP Hà Nội cấm học sinh sử dụng bóng cười, anh Lâm cười nói: “Ai có tiền và nhu cầu chơi bóng cười thì bán thôi, có ai bắt đem chứng minh thư xem tuổi đâu. Vì lương tâm, nếu thấy bé quá hỏi mua sẽ không bán thôi. Nhưng trẻ con giờ lớn nhanh nên khó đoán tuổi”.
Trong quán cà phê của anh Lâm, có khá nhiều nhóm bạn trẻ đang sử dụng bóng cười với đủ màu sắc sặc sỡ, nhiều bạn trẻ trong đó còn mặc đồng phục THPT.
Nhiều bạn trẻ, khi cầm quả bóng hít được vài hơi miệng đã cười khanh khách. Một bạn trẻ mặc đồ THPT kề miệng vào hút một hơi thật dài rồi lại thổi ngược vào quả bóng, hút liên tục mấy lần. Lát sau, cả đám bắt đầu có dấu hiệu “phê”, miệng không ngừng phát ra những tiếng cười lớn, lắc đầu theo tiếng nhạc nhẹ ở quán.
“Ai có tiền và nhu cầu chơi bóng cười thì bán thôi, có ai bắt đem chứng minh thư xem tuổi đâu. Vì lương tâm, nếu thấy bé quá hỏi mua mình sẽ không bán thôi. Nhưng trẻ con giờ lớn nhanh nên khó đoán tuổi”.
Anh Hoàng Lâm, chủ quán cà phê
Thái Yên, một bạn trẻ chơi bóng cười ở Hà Nội cho biết: Hít bóng cười người có cảm giác phê, lâng lâng khỏi mặt đất, cười mãi không thôi. Nếu về độ phê nó còn phê hơn shisa, giá thành lại rẻ hơn nên được nhiều bạn trẻ ưa thích.
“Nói chung hút vui vui nhưng dễ nghiện. Mình hút thuốc lá 5 năm rồi còn không nghiện bằng bóng cười dù mới hít có mấy tháng, có tuần hít 30 - 40 quả”, Yên nói.
Nhiều bạn trẻ không rõ bóng cười có nguồn gốc từ đâu và cho rằng hít cho vui chứ không ảnh hưởng đến sức khỏe. “Lúc đầu em cũng không dám hít, nhưng thấy bạn bè dùng không sao nên hít thử. Hút vào vui vẻ hơn, nhưng nếu hút nhiều về đau đầu và buồn nôn lắm. Giờ đi uống cà phê, trà chanh không hút lại thấy thiếu thiếu”, Diệu Linh, một học sinh THPT ở Hà Nội chia sẻ.
Theo anh Hoàng, chủ một quán cà phê bóng cười ở phố Tạ Hiện cho biết: Để kích cầu nhu cầu sử dụng bóng cười ở các bạn trẻ, quán chạy quảng cáo hàng ngày trên mạng xã hội để giới thiệu địa chỉ, hương vị, giá thành.
Ngoài ra, những ngày lễ, cuồi tuần quán sẽ có chương trình khuyến mãi như hút bóng tặng đĩa hoa quả, hút 2 quả tặng 1 quả. Miễn phí quả bóng đầu tiên cho khách đặt bàn trước hoặc đi theo nhóm đông người.
“Món bóng cười này tuổi teen chơi là chính, đội lớn hơn thường dùng shisa. Mỗi ngày quán tiêu thụ 500 - 600 quả bóng. Thành phố cấm học sinh sử dụng nhưng khách quán chủ yếu là học sinh cấp THPT sử dụng”, anh Hoàng nói.
Nguy cơ mắc rối loạn thần kinh
Theo một bác sỹ ở Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, chơi bóng cười thực chất là hít N2O vào cơ thể. Khí cười là khí Nitrous Oxide có công thức hóa học là N2O. Loại khí này vốn được sử dụng trong y học như một loại khí giảm đau, gây mê, có mùi vị ngọt nhẹ. Sau khi người dùng hít vào sẽ tạo hiệu ứng vui vẻ, cảm giác lâng lâng.
“Việc sử dụng thường xuyên “khí cười” thì có thể gây ra các rối loạn như đi đứng loạng choạng; các rối loạn khí sắc; rối loạn trí nhớ; rối loạn giấc ngủ và các rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp; thiếu máu, thiếu B12. Nếu dùng bóng cười quá liều N2O sẽ dẫn đến rối loạn vận động, suy giảm nhận thức hay co giật. Hít nhiều sẽ gây ra nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể và gây nghiện”, vị bác sĩ này nói.
Tại buổi làm việc của với quận ủy Ba Đình, Hà Nội hồi đầu năm 2017, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, bóng cười tạo ra ảo giác đối với người sử dụng và nguy hiểm hơn khi đối tượng sử dụng phần lớn là thanh thiếu niên. Bày tỏ sự lo ngại về những tác hại của bóng cười đối với giới trẻ, ông Hoàng Trung Hải giao UBND Hà Nội, Sở Y tế, Công an thành phố sớm có giải pháp đối với việc mua bán, sử dụng bóng cười.
Hà Nội đã yêu cầu Sở Giáo dục Đào tạo TP chỉ đạo các trường nghiêm cấm học sinh sử dụng “bóng cười”, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh tác hại của nó. Bên cạnh đó, UNBD TP Hà Nội cũng đề nghị Sở Công Thương kiểm tra, kiểm soát thị trường sản xuất, kinh doanh khí N2O bơm vào bóng bay trên địa bàn, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Theo Quang Lộc
Tiền phong
Video được xem nhiều nhất