Lừa đảo bán hàng trên FB (kỳ 2): Xử phạt người "câu", có cần phạt "cá"?

Tiin - 24/03/2016, 16:40

Những hành vi "câu like" nhằm thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

 

Thương mại điện tử mà các cửa hàng trên mạng xã hội thuộc một phần trong đó, là xu hướng phát triển tất yếu. Việc nở rộ phong trào buôn bán online làm xuất hiện nhiều sự cạnh tranh không lành mạnh và các chiêu thức nhằm dụ dỗ, lừa đảo người sử dụng.

Người dùng sẽ phải chấp nhận những rủi ro của mạng xã hội như là một phần tất yếu mà pháp luật sẽ là biện pháp tiên quyết nhằm giảm thiểu những hạn chế đó. 

Quy định pháp luật về các hành vi trên internet

Cụ thể, việc dùng những câu chuyện bịa đặt làm ảnh hưởng đến danh dự người khác hoặc hành vi chiếm đoạt tài sản, thông tin cá nhân giờ đây được quy định trong nhiều khung xử phạt pháp luật.

Xử phạt người câu có cần phạt cả cá

Đối với những bài viết, tin nhắn mang tính mạo danh công ty, tổ chức như một số trường hợp gọi điện cho khách hàng thông báo tin trúng thưởng với giá trị lớn; lừa đảo người sử dụng dịch vụ nhắn tin nạp tiền vào các tài khoản game online, tài khoản thuê bao trả trước cho đối tượng lừa đảo… sẽ bị xử phạt từ 30-50 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tùy vào hậu quả mà người lừa đảo đối mặt với án phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Các công ty, tổ chức dùng mạng xã hội để quảng cáo sai sự thật, quảng cáo phản cảm, gửi thư rác… bị phạt hành chính từ 10-40 triệu đồng.   

Trường hợp gần đây, một người đàn ông được cho là chủ nhà nghỉ quát mắng, chửi bới, yêu cầu nhóm thiếu niên thuê phòng ngẩng mặt lên để quay clip. Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ trên báo chí: 'Các em có quyền bí mật đời tư được hiểu là bí mật về cuộc sống riêng tư (vật chất, tinh thần, hình ảnh…) của mỗi cá nhân.

Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình... Luật đã quy định bất khả xâm phạm nhưng anh ngang nhiên vi phạm, tức đã vi phạm nghiêm trọng.'

Cũng theo luật sư Trương Anh Tú trong những trường hợp tương tự xảy ra trên mạng internet thì các đoạn video, status có thể được coi là bằng chứng khi những người bị xâm phạm yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết hành vi vi phạm của những người quay clip, chửi bới, nhục mạ.

Xử phạt người câu có cần phạt cả cá

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Mạng xã hội như con dao hai lưỡi, nhất là đối với những người trẻ có sở thích chụp hình, check-in và công khai trang cá nhân. Sự việc hai cư dân sống ở chung cư tại TP HCM đăng hình ngồi uống nước lên facebook thì bị một nhóm fanpage quy chụp 'mẹ mìn bắt cóc trẻ em' là một ví dụ.

Một dòng status được đăng lên bất kể tính chính xác đều có thể lan tỏa đến hàng trăm, hàng nghìn người. Nếu như thông tin sai sự thật thì việc đính chính lại không dễ dàng như cách nó được đưa lên. 

Nạn nhân hay đồng phạm?

Một số chiêu trò câu like nhằm lừa đảo trên facebook không mới, thậm chí được lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng vẫn thu hút kha khá các 'con mồi'. Trong chương trình 'share (chia sẻ) status trúng vespa' nhiều bình luận hồn nhiên cho rằng 'cứ share, không mất gì mà biết đâu trúng thật'.

Thực tế, nếu không có sự 'góp sức' vô tình lẫn chủ ý của cộng đồng mạng thì các thủ đoạn kể trên chắc chắn không thể tồn tại và lan truyền.

Xử phạt người câu có cần phạt cả cá

Một đoạn quảng cáo do tài khoản facebook giả mạo Honda lừa đảo trúng xe tay ga thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ

Như vậy, đôi khi cộng đồng mạng không thể khóc lóc rằng mình chỉ là nạn nhân, trong khi đó chính bản thân lại là trợ thủ đắc lực cho những hành vi lừa đảo. Người sử dụng facebook phải xác định được tính chất nhạy cảm, nghiêm trọng của từng thông tin mà họ có ý định chia sẻ nhằm tránh ảnh hưởng đến bản thân hoặc người khác. 

Vô tư quá đà sẽ dẫn đến vô trách nhiệm, tiếp tay cho tội phạm mạng sinh sôi, khi đó, người đăng tải các thông tin nguy hiểm có khả năng đối diện với nguy cơ bị tố cáo.

Tuy nhiên các biện pháp phòng tránh tài khoản bị kẻ xấu lợi dụng không phải là quá khó nếu người dùng có quyết tâm. 'Khi phát hiện kẻ xấu lợi dụng tài khoản của mình để nhắn tin lừa đảo người thân và bạn bè, trước hết người dùng cần thông tin công khai trên các kênh thông tin; kiểm tra bạn bè, người thân đã có ai là nạn nhân của tội phạm mạng và báo ngay với công an để điều tra, xử lý khi có trường hợp bị lừa đảo.

Trừ trường hợp cần thiết, người dùng không nên chọn chế độ chia sẻ công khai khiến bất cứ ai cũng có thể tiếp cận được' - luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, khuyến cáo.

Trách nhiệm không thuộc về ai

Theo luật định khi quyền lợi của người dùng bị xâm phạm thì nhà cung cấp dịch vụ sẽ chịu trách nhiệm và phối hợp với các cơ quan để giải quyết. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp 'dính bẫy' trên facebook, người dùng chỉ biết nhắm mắt cho qua.

Trong chính sách hoạt động của mình, facebook nêu rõ quan điểm không chịu trách nhiệm về nội dung mà tất cả người dùng mạng xã hội này đăng tải.

Chính vì vậy, trách nhiệm bảo vệ cộng đồng khỏi những quảng cáo lừa đảo, câu like lại lệ thuộc phần lớn vào chính cộng đồng. Mọi người cần phải nâng cao ý thức để tự bảo vệ mình, và cảnh giác đối với những loại tin nhắn, status thông báo trúng thưởng, cần điều tra xác minh rõ ràng khi ai đó có yêu cầu nạp tiền, hay thẻ điện thoại…

Đón đọc kỳ 3: Những quy định xử phạt 80% người dùng chưa chắc đã biết

Đón đọc kỳ 4: Làm thế nào để là người dùng thông minh trên facebook?

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất